Gần một năm đưa vào vận hành (từ ngày 2/12/2021), loạt tuyến xe buýt điện tại Hà Nội ngày càng thu hút nhiều hành khách do kết nối thuận tiện.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2025 là thách thức không nhỏ, khi thời gian chỉ còn khoảng 3 năm nữa.

Bỏ ô tô cá nhân để đi buýt điện

Tính đến nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã có 9 tuyến buýt điện được đưa vào khai thác, đều do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus thực hiện.

Được gì sau một năm thí điểm xe buýt điện?

Sau gần 1 năm đi vào vận hành, loạt tuyến xe buýt điện trên địa bàn Hà Nội ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng. Ảnh: Tạ Hải

Sáng 16/11, có mặt tại khu vực sân đỗ trong Bến xe Mỹ Đình, PV chứng kiến chiếc xe buýt điện tuyến E01 BKS 29F - 020.25 vừa nhập vào vị trí dừng, hành khách tấp nập lên xe. Ở trong xe, nhân viên phục vụ với vẻ mặt niềm nở cúi đầu chào đón từng hành khách: “Vinbus xin chào”.

Trên tuyến buýt điện E05, chị Bùi Hồng Hoa ở khu vực Bến xe Mỹ Đình cho biết, chị lựa chọn đi xe buýt điện thay thế ô tô cá nhân từ 2 tháng nay: “Không có gì để chê buýt điện, nó thật sự khác biệt so với xe buýt truyền thống”.

Theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, đến nay trên địa bàn có 9 tuyến xe buýt điện đã đi vào hoạt động. Sản lượng hành khách trong năm 2021 đạt 62,3 nghìn lượt, 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,4 triệu lượt (chiếm 6,8% so với tổng sản lượng của toàn mạng trợ giá).

Sản lượng hành khách liên tục tăng trưởng qua các tháng, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát (quý II/2022 tăng 310% so với quý I/2022; quý III/2022 tăng 55,9% so với quý II/2022).

Số lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến để đi lại trên các tuyến xe buýt điện bình quân 1 tháng đạt 2.749 hành khách.

Về chất lượng dịch vụ, theo ông Phương, kể từ khi đi vào hoạt động, thông qua phản ánh chất lượng dịch vụ từ dư luận xã hội trên báo chí và mạng xã hội, cũng như qua các buổi kiểm tra khảo sát của trung tâm, hầu hết hành khách có thái độ rất hài lòng.

Hiện Sở GTVT đang đề xuất UBND TP Hà Nội gia hạn thời gian đặt hàng thí điểm đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đến hết năm 2023.

Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng chuyển đổi buýt thường sang buýt điện

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo tìm hiểu, một chiếc xe buýt điện hiện nay có giá khoảng 7-7,5 tỷ đồng. Còn xe buýt truyền thống có giá khoảng 2 tỷ đồng.

Trợ giá cho buýt điện hiện nay được TP Hà Nội tính theo trợ giá của xe buýt CNG. Trong năm 2021, đối với 3 tuyến buýt E01, E03, E05, Hà Nội chi gần 2,4 tỷ đồng trợ giá (doanh thu thực hiện đạt khoảng 315 triệu đồng).

Đây là con số tính trong 1 tháng (vì đầu tháng 12/2021, xe buýt điện mới chính thức vận hành). Hiện số liệu của năm 2022 chưa có, nên nếu lấy con số trên để tính ra một năm, kinh phí trợ giá có thể rơi vào khoảng 25-26 tỷ đồng cho 3 tuyến (với 9 tuyến sẽ lại là con số khác).

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị vận hành 70% thị phần xe buýt ở Thủ đô (83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng, với tổng số phương tiện gần 1.100 xe).

Dự kiến tổng số phương tiện của doanh nghiệp đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.

Cũng theo Transerco, các tuyến buýt hiện nay thực hiện theo hợp đồng thầu theo định mức, đơn giá xe buýt diesel. Nếu chuyển sang xe buýt điện trong thời gian hợp đồng thầu sẽ làm thay đổi cơ bản so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng thầu, chưa phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.

Nếu chuyển ngay sang xe buýt điện thay thế các phương tiện vẫn còn thời gian khấu hao xe theo quy định của TP khi đấu thầu lại mà không có phương án khai thác tiếp số phương tiện này sẽ là lãng phí.

Theo chi phí khái toán của Transerco, nếu chuyển toàn bộ đoàn phương tiện của đơn vị này sang sử dụng xe buýt điện, ước tính tổng chi phí đầu tư là khoảng 21.000 tỷ đồng. Hơn nữa, do chi phí đầu tư lớn, nên chi phí vận hành (trợ giá) cũng tăng hàng năm theo km và khấu hao phương tiện, thiết bị của loại hình xe buýt điện…

Mục tiêu có khả thi?

Theo đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT, mục tiêu phát triển đoàn phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Chương trình 876 là từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh chứ không phải thay thế hoàn toàn.

Tính đến 8/2022, toàn mạng lưới buýt trợ giá trên địa bàn Hà Nội có 130 tuyến với 1.996 phương tiện gồm có 387 xe buýt nhỏ (15,5%), 1.190 xe buýt trung bình (59,3%), 389 xe buýt lớn (25,2%). Trong đó, tuổi đời theo năm sản xuất thì tỷ lệ số xe dưới 5 năm là 1.050 xe (chiếm 53%) và xe có tuổi đời 5-10 năm là 916 xe (chiếm 47%). Hiện nay đoàn phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh là 220 xe (chiếm 11%) gồm 81 xe buýt điện, 139 xe CNG; còn lại là 1.746 xe buýt diesel (chiếm 89%).

Tức là từ năm 2025 thì các xe buýt thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện và năng lượng xanh; còn các xe buýt diesel đang hoạt động theo kế hoạch đấu thầu, trong giai đoạn 2023-2025 hết hạn thầu (phải đấu thầu lại), trường hợp đến năm 2025 trở đi, phương tiện hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trường hợp xe hoạt động từ 10 năm trở xuống (tính theo năm sản xuất) thì được tiếp tục sử dụng tối đa đến 10 năm.

Vì vậy, tiến trình này là có thể thực hiện được vì sẽ được thực hiện từng bước và có thời gian cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, lộ trình đổi mới, thay thế đoàn phương tiện phù hợp; cơ quan quản lý nhà nước lên kế hoạch đấu thầu, mở mới các tuyến buýt, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt cho hoạt động của phương tiện buýt điện và buýt CNG.

Tuy nhiên cũng có thể thấy được những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai.

Về nguồn cung cấp xe buýt điện và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe buýt điện, hiện nay trong nước mới có duy nhất VinFast sản xuất xe buýt điện và đang thí điểm 9 tuyến tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc.

Hiện mới có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố, chưa có quy chuẩn cũng như định mức kinh tế kỹ thuật riêng cho xe buýt điện.

Vì vậy, cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ sở đưa xe buýt điện vào vận hành số lượng và quy mô lớn.

Bên cạnh đó là thiếu hụt hệ thống trạm sạc điện cho xe buýt điện. Cần có các biện pháp hỗ trợ của đơn vị điện lực khu vực, dưới sự điều phối của chính quyền thành phố nhằm bảo đảm công suất cung cấp nguồn điện và an toàn cho nhu cầu sạc xe buýt điện.

Chưa có quy hoạch trạm sạc

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, ngày 9/3, TP.HCM thí điểm tuyến buýt điện đầu tiên D4. Đến nay, đã vận chuyển tổng số 515.638 khách, tuyến đã thực hiện 22.906 chuyến, bình quân 108 chuyến/ngày, đạt 99,3% so với kế hoạch.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện chỉ có 1 tuyến xe buýt điện với 15 xe đang hoạt động. Để thực hiện theo lộ trình chuyển sang xe buýt điện, thành phố đang từng bước nghiên cứu, thực hiện.

"Hiện nay khó khăn nhất là trong nước sản xuất xe điện chưa nhiều nên sẽ phụ thuộc vào giá nhập. Đồng thời vấn đề về trạm sạc cũng là thách thức, việc quy hoạch ở vị trí nào cũng chưa được bàn tới", ông Hải nói.

https://www.baogiaothong.vn/duoc-gi-sau-mot-nam-thi-diem-xe-buyt-dien-d573473.html

Ngày đăng: 09:23 | 22/11/2022

Lê Tươi - Thanh Thúy / Giao thông