Luật sư của bà Diệp Bạch Dương chỉ ra nhiều bất thường liên quan đến hợp đồng thế chấp nhà 57 Cao Thắng cho Agribank, Sở Tài nguyên thừa nhận có nhầm lẫn.
Gần trưa 25/3, chủ tọa Phạm Lương Toản quyết định dừng phiên xửbà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) sau phần đối đáp gay gắt giữa luật sư của bị cáo với đại diện VKS và các bên liên quan, nhằm làm rõ những bất thường liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng với Agribank - mấu chốt buộc tội đại gia bất động sản.
Bà Diệp bị cáo buộc gian dối trong việc sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng đã thế chấp cho Agribank để hoán đổi nhà 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Tung tâm Ca nhạc nhẹ, tài sản nhà nước). Sau khi được hoán đổi và cấp giấy chứng nhận đối với trụ sở trung tâm này, bà Diệp tiếp tục mang đi thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam vay 160 tỷ đồng.
HĐXX sẽ họp để đánh giá lại toàn bộ các tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, sau đó sẽ đưa ra quyết định có hay không "quay lại phần xét hỏi" vào chiều mai, 26/3.
Bà Diệp Bạch Dương tại tòa, chiều 24/3. Ảnh: Hữu Khoa. |
Trước đó, đối với việc VKS bảo lưu quan điểm buộc tội, còn luật sư của Agribank luôn khẳng định có "bản chính hợp đồng" bà Diệp thế chấp căn 57 Cao Thắng, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ bà Diệp) cho rằng cái được gọi là hợp đồng có hàng loạt bất thường.
Cụ thể, hồ sơ thế chấp ngân hàng nói sự việc diễn ra ngày 31/12/2008, song trong danh mục của Văn phòng đăng ký đất đai lại ghi ngày 7/1/2009. Cả hai lần đăng ký giao dịch đảm bảo và cập nhật biến động căn nhà, Trung tâm thông tin thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường gửi thông báo cho các cơ quan chức năng nhưng đều thất lạc và không còn lưu trữ.
Tờ trình cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng căn 57 Cao Thắng cập nhật thêm phần đã sửa chữa, tài liệu trong hồ sơ ghi lập ngày 4/1/2011, nhưng tờ trình đề ngày 13/1/2010 - tức gần một năm trước. Trong đó, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm, bút phê 2 lần đề ngày 20/1/2010, trong khi ông Đoàn Thành và ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) ký ngày 20/1/2011 và 25/1/2011.
Trên bề mặt biên nhận cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng, trong hồ sơ của Văn phòng đăng ký đất đai, có dấu hiệu không có trong tài liệu của cơ quan điều tra thu thập.
Phía ngân hàng khẳng định vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng, nhưng ngày 25/1/2011 bà Diệp vẫn sao y giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này tại UBND phường Bến Nghé. "Nếu đã thế chấp thì sau khi hoàn thành thủ tục cấp đổi trả sổ phải có mặt 3 bên. Ngoài ra, cập nhật cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới ghi ngày 21/1/2011, nhưng thông báo ngăn chặn đề ngày 26/9/2011", ông Hoài nêu quan điểm.
Ngoài ra, luật sư Hoài cũng cung cấp cho HĐXX một hợp đồng thỏa thuận 3 bên giữa Công ty Diệp Bạch Dương - Phan Thành (đại diện công ty thuê nhà làm trụ sở) – Agribank ký ngày 19/9/2014 với nội dung thể hiện "ngân hàng đồng ý để bà Diệp cho Công ty Phan Thành thuê mặt bằng 185 Hai Bà Trưng". Đồng thời, hợp đồng còn thể hiện, nhà 185 Hai Bà Trưng đang là tài sản thế chấp tại Agribank.
Trong khi trước đó, cáo trạng xác định và thực tế bà Diệp đã thế chấp tài sản này cho Ngân hàng Phương Nam năm 2013 vay 160 tỷ đồng - một trong các căn cứ xác định có hay không bà Diệp phạm tội.
Bà Diệp cũng cho rằng, thực thế cả bà và Agribank đã thỏa thuận chia đôi lợi tức từ việc cho thuê mặt bằng này.
Ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường. Ảnh: Hữu Khoa. |
Trả lời về các vấn đề trên, đại điện Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định các tài liệu trong hồ sơ là thật. Trong biên nhận có một số điểm mâu thuẫn "là do ông Phạm Ngọc Liên (cán bộ Sở) nhầm lẫn" nhưng tài liệu này đã có chữ ký của Giám đốc Sở Đào Anh Kiệt vào năm 2011.
Tòa gọi ông Kiệt. Bị cáo thừa nhận không đủ khả năng xem xét giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng lý giải rằng, khi đó có yêu cầu cán bộ Sở nhận hồ sơ và ký thì phải ghi thời gian bên cạnh để biết mỗi người có thời gian xem xét hồ sơ bao lâu. "Những bất thường về mốc thời gian trong tờ trình là do các cán bộ thụ lý hồ sơ nhầm lẫn", ông Kiệt khai.
Được triệu tập bổ sung đến tòa theo yêu cầu của HĐXX, ông Phạm Ngọc Liên và bà Cao Linh (hai cán bộ thụ lý hồ sơ của bà Diệp) thừa nhận sự nhầm lẫn về ngày tháng nhưng cho đây là "lỗi đánh máy", còn tài liệu hoàn toàn là thật.
Đại diện phòng công chứng số 1 - ông Nguyễn Chí Hoàng, cho biết ngày 31/12/2008 bà Diệp có đến phòng công chứng để ký hồ sơ. Ngoài hợp đồng thế chấp, bà còn có 7 hợp đồng mua bán khác được công chứng cùng ngày. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp nhà 57 Cao Thắng đã cung cấp cho HĐXX.
Không chấp nhận, luật sư Hoài đề nghị ông Hoàng cung cấp các chứng cứ thể hiện bà Diệp có mặt tại phòng công chứng. "Bởi thực tế hôm đó bà Diệp đi Quy Nhơn", luật sư nói.
Liên quan đến chứng cứ mới luật sư Hoài cung cấp tại tòa, luật sư bảo vệ Agribank cho biết, ngân hàng cho bà Diệp mượn lại giấy chứng nhận để sao y là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng. Việc đi sao y luôn có nhân viên ngân hàng đi theo và nhận lại bản chính lưu kho.
Về thỏa thuận hưởng lợi 50% lợi tức từ việc cho Công ty Phan Thành thuê 185 Hai Bà Trưng trong khi đã nhận thế chấp 57 Cao Thắng, đại diện Agribank lý giải, chỉ đồng ý với phương án hoán đổi 57 Cao Thắng lấy 185 Cao Thắng với điều kiện sau khi hoán đổi phải thay thế tài sản thế chấp. Vì năm 2011 công ty bà Diệp đã được bàn giao tài sản này, nên Agribank chỉ nhận 50% lợi tức phát sinh.
Đối với việc trong hợp đồng ký kết giữa bà Diệp và Phan Thành có điều khoản ghi rõ 185 Hai Bà Trưng đã được cấp giấy chứng nhận năm 2013, nhưng trước đó luật sư của Agribank lại cho rằng bà Diệp che giấu việc tài sản này đã được cấp chủ quyền để mang sang Ngân hàng Phương Nam thế chấp, đại diện Agribank cho biết,
Ngân hàng chỉ ký bản thỏa thuận 3 bên, trong khi hợp đồng thuê mặt bằng được ký giữa bà Diệp và Phan Thành, nên Agribank không biết thông tin này.
Hai hôm trước, phía ngân hàng đã bác bỏ quan điểm của bà Diệp và các luật sư cho rằng "không tồn tại hợp đồng thế chấp" hoặc "có sự bất thường". Họ trưng ra "bản chính hợp đồng" với bà Diệp.
Hiện, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bà Diệp Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị mức án tù chung thân.
Cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài bị cáo buộc, dù không được phân công nhiệm vụ trong việc xử lý tài sản thuộc quản lý của Nhà nước, không biết rõ tính pháp lý của tài sản, nhưng khi nghe bà Diệp và Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ) trình bày phương án hoán đổi đã ủng hộ, ký duyệt chủ trương.
Ông Tài, Vy Nhật Tảo bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo sở ngành của thành phố bị đề nghị mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù về cùng hành vi.
Hải Duyên
Luật sư đề nghị trả tự do cho bà Diệp Bạch Dương |
Ngày đăng: 12:41 | 25/03/2021
/ vnexpress.net