Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) vừa công bố bản báo Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam.
Lương 10 triệu: Vợ chồng công nhân khó sống |
Lương tối thiểu tăng, lợi nhuận DN giảm, người lao động mất việc nhiều hơn? |
Nữ công nhân làm việc trong một nhà máy may 100% vốn nước ngoài tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: T.C.A |
Theo đánh giá của VEPR mức tăng lương tối thiểu (LTT) đã tăng cao hơn mức tăng của NSLĐ. Điều này đang đúng với thực tế. Tuy nhiên khi ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - cho rằng mức chênh lệch giữa tăng trưởng NSLĐ với LTT là “cản trở tích luỹ vốn tư bản, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế” thì nhiều ý kiến không đồng tình.
Cần nhìn vào thực tế người lao động
Báo Lao Động từng đưa ý kiến của ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng ban chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TP. Đà Nẵng, rằng: “Hãy thử một lần ghé thăm những khu nhà trọ CNLĐ tại các KCN như Hòa Khánh, Liên Chiểu của TP. Đà Nẵng sẽ hiểu được họ đang sống như thế nào. Hình ảnh 5-6 CNLĐ góp chung tiền thuê ở chen chúc trong cùng một phòng trọ chưa đầy 13m2 không còn xa lạ.
Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ăn uống không đảm bảo sức khỏe, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi của CNLĐ lại thiếu thốn, trong khi tăng ca, làm thêm giờ như một thói quen cuộc sống, bởi vì lương họ chỉ 2,7-3,1 triệu đồng/tháng. Nhìn những gương mặt NLĐ “xanh xao” sau những giờ tăng ca khiến chúng ta không khỏi xót xa. DN nếu thực sự xem NLĐ là “vốn quý” phải biết bao bọc, che chở họ, biết chăm lo đời sống, biết nghĩ cho họ. Thế nhưng, sự thật ngược lại.
Nhiều DN lại đưa ra ý kiến không đồng tình, vì một lẽ là do NSLĐ thấp, tăng lương sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến nhiều DN sẽ phá sản. Xin thưa, lập luận nêu trên là chưa hợp lý. Việc NSLĐ của CNLĐ chúng ta thấp, không phải chỉ là lỗi của CNLĐ. Việc tăng NSLĐ đâu chỉ phụ thuộc vào CNLĐ, mà nó phụ thuộc phần lớn ở chủ DN, phụ thuộc vào cơ chế quản lý, điều hành, dây chuyền máy móc, thiết bị của DN. Nếu cơ chế quản lý DN, quản lý lao động không hiệu quả để giảm chi phí sản xuất, máy móc thiết bị với công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị rẻ và chất lượng hoạt động kém hiệu quả, NSLĐ của CNLĐ làm sao tăng được?”
Muốn tăng năng suất, phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động
PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn - đưa ra ý kiến: “Phần nhiều NSLĐ đều liên quan đến chất lượng lao động (tuy không phải chất lượng lao động tạo ra NSLĐ). Cho nên, theo tôi, chất lượng lao động là quan trọng nhất hiện nay mà chúng ta cần đòi hỏi từ phía NLĐ. Nhưng muốn đòi hỏi NLĐ nâng cao chất lượng thì phải đảm bảo đời sống cho họ. Trong khi tiền lương hiện nay vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì làm sao đòi hỏi NLĐ toàn tâm toàn ý, đem hết tất cả để phục vụ DN.
Có một câu nói của Karl Marx đã nói thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa: Khi tiền LTT trả cho NLĐ làm thuê cho chúng ta vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu thì đừng đặt ra yêu cầu NSLĐ đối với họ. Tôi ví dụ như chúng ta thuê NLĐ mà trả lương bèo bọt cho họ, phục vụ hơi kém chút một chút mà lại đòi hỏi họ nâng cao NSLĐ, trách nhiệm thì làm sao có chuyện đó được”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN) - đưa ra ý kiến: “Thực tế hiện nay cho thấy, đời sống của NLĐ đang rất khó khăn, cần thúc đẩy hoạt động cải tiến, đổi mới, cùng nhau nỗ lực tạo ra một sự đoàn kết, thống nhất giữa giới chủ sử dụng lao động và NLĐ. Do đó cần phải cải thiện đời sống cho NLĐ. Nếu đời sống không đủ rất khó để NLĐ cải tiến công việc tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Trong mối quan hệ này, giới chủ phải chấp nhận có sự đầu tư thích đáng cho NLĐ, thậm chí là hy sinh một chút để thay đổi đại cục hiện nay.
Để đảm bảo mức tăng NSLĐ so với các nước trong khu vực và đảm bảo đời sống tối thiểu của NLĐ, doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn, đặc biệt là tập trung nâng cao NSLĐ. Có rất nhiều giải pháp cần phải thực hiện nhưng một trong những giải pháp làm được ngay mà không tốn kém là DN cần thu hút NLĐ cùng cải tiến quá trình công việc hiện nay, sắp xếp lại mọi thứ để giảm lãng phí, giảm nhân công và những thứ không hiệu quả.
Điều đầu tiên DN cần tập trung sắp xếp, loại bỏ các thứ lãng phí, cải tiến quá trình sản xuất từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, từ hiệu quả này có thể bù đắp một phần tăng thu nhập cho NLĐ, thu hút NLĐ cùng tham gia và xây dựng những chiến lược mang tính dài hơi hơn như đổi mới KHCN rồi ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường…”.
Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN, KCX Hà Nội: “Tôi đồng tình với quan điểm tăng lương đồng thời với tăng NSLĐ. Tuy nhiên, hiện nay công thức tính tăng NSLĐ của Việt Nam thì chưa phù hợp và chưa thảo đáng. Tại các KCN, KCX Hà Nội, đối với nhiều DN FDI, đặt biệt là DN lớn của Nhật Bản, thì NSLĐ của NLĐ tương đương với NLĐ tại các DN cùng chủ đầu tư nhưng ở nước khác trong khu vực, thậm chí cao hơn. Hiện nay, rất nhiều chuyên gia nhận định NSLĐ Việt Nam là thấp, nhưng theo tôi không phải là tất cả. Vấn đề tiền lương cần phải được cải thiện để NLĐ làm việc tại DN nuôi sống được bản thân họ; những người mà họ nuôi dưỡng và thêm một phần tích lũy để trang trải lúc ốm đau. TS Nguyễn Văn Thuật - Phó Tổng Biên tập phụ trách tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội: Ở góc độ DN, nhiều DN nói rằng nếu NLĐ tăng NSLĐ thì sẽ tăng lương cho NLĐ. Nhưng đấy là góc độ của DN. Còn NLĐ, họ có những lý do nhất định. Họ nói rằng, hiện bây giờ NLĐ đang làm việc như thế nhưng mức lương được trả đã đảm bảo mức sống chưa? Nếu chưa đảm bảo mức sống thì NLĐ không thể nào tái tạo sức lao động để nâng cao NSLĐ được. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của NLĐ và vì vậy phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của NLĐ. Mục đích này tạo động lực để NLĐ phát triển trình độ và khả năng lao động của mình. |
https://laodong.vn/cong-doan/dung-ngoi-ban-giay-phan-xet-ve-mo-hoi-cong-suc-nguoi-lao-dong-564652.ldo
Ngày đăng: 08:40 | 15/09/2017
/ Lao động