Chỉ vì xuất phát từ nguyên nhân rất nhỏ khi lái xe tham gia giao thông trên đường, không ít người đối mặt với vòng lao lý, trả giá đắt cho việc hành xử thiếu kiềm chế và thiếu hiểu biết của bản thân.

Vụ hai thanh niên đi xe máy trên đường Vành đai 2 ở Hà Nội hành hung tài xế ô tô vừa xảy ra là một ví dụ điển hình.

Đừng dùng nắm đấm khi va chạm giao thông- Ảnh 1.

Khoảnh khắc hai thanh niên chạy xe máy hành hung người đi ô tô ở đường Vành đai 2 trên cao.

Trong vụ việc này, hành vi cố tình đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy đã quá rõ ràng. Nhưng điều khiến dư luận chú ý hơn cả là cách hành xử của hai người này, khi cố tình gây sự với những người khác đang lái xe trên đường.

Hiện, cả hai đang bị tạm giữ hình sự, tội trạng thế nào cơ quan công an sẽ làm rõ. Song có một điều, từ vụ việc này và nhìn lại rất nhiều vụ việc từng xảy ra, có thể thấy việc ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông luôn là câu chuyện dường như chưa có hồi kết.

Hằng ngày, trên mạng xã hội, có vô vàn các tình huống tham gia giao thông do camera hành trình ghi lại, hoặc những hình ảnh, clip người dân quay chụp được đưa lên. Hầu như mỗi tình huống đều gây tranh cãi rất nhiều. Từ chuyện vượt ẩu, lấn làn đến việc bất chấp quy định tham gia giao thông, việc ẩu đả, cãi cọ sau va chạm…

Có thể nói, khi tham gia giao thông, sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra mà không ai có thể lường trước. Các vụ va chạm đôi lúc chỉ là do vô ý của người điều khiển phương tiện, song cách giải quyết sau đó giữa hai bên mới thực sự là điều đáng nói.

Nhiều vụ va chạm rất nhẹ, hậu quả không có gì, thậm chí mới chỉ suýt va chạm, nhưng không ít người sẵn sàng buông những lời lẽ thiếu văn hóa, hành xử thiếu chuẩn mực, dùng nắm đấm để giải quyết thay vì trao đổi một cách nhẹ nhàng.

Thường khi xảy ra va chạm, nếu cả hai bên đều ý thức được việc giải quyết ôn hòa, có văn hóa, có lý có tình, sẽ không có gì đáng nói. Nhưng đáng tiếc là không phải ai cũng đủ lý trí để làm được như thế.

Bởi vậy, nhiều vụ lẽ ra không có gì thì hậu quả cuối cùng là câu chuyện đi xa hơn, có người thương tật, tử vong không phải vì tai nạn, có người vướng vòng lao lý chỉ vì một giây phút bốc đồng.

Đáng nói, không chỉ trong những vụ va chạm giữa những người đi đường với nhau, nhiều trường hợp vi phạm giao thông còn tỏ ra manh động khi chống đối, tấn công lực lượng chức năng.

Điển hình nhất là vụ một tài xế xe khách vừa bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ ở Lạng Sơn. Khi lưu thông trên đường, người này không những không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà còn đánh võng suốt 8km, đâm nhiều lần vào xe chuyên dụng của cảnh sát. Clip vụ việc sau đó được đưa lên mạng, gây bức xúc trong xã hội.

Ai cũng biết chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật và mức phạt có thể lên tới 7 năm tù giam. Tuy nhiên, vì sao hành vi này vẫn tái diễn, sau rất nhiều vụ từng xảy ra? Không gì khác, đó chính là sự bất chấp pháp luật, là sự thiếu văn hóa, ý thức khi tham gia giao thông.

Hệ lụy của cách hành xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa khi đi đường là câu chuyện không mới, song nó vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Vì thế, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục của cơ quan chức năng, thì ý thức tự giác, hành xử có văn hóa, hiểu biết về pháp luật của mỗi người khi tham gia giao thông là điều rất quan trọng.

Nếu như mỗi người đều chấp hành nghiêm các quy định khi đi đường, thể hiện sự nhường nhịn, ứng xử văn minh nếu không may xảy ra va chạm, sẽ không những góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà còn hạn chế được những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Để con đường mình đang đi không dẫn đến cửa nhà tù, hay những hậu quả khác.

 https://www.baogiaothong.vn/dung-dung-nam-dam-khi-va-cham-giao-thong-192240229221221736.htm

Ngày đăng: 11:05 | 01/03/2024

ThS Đặng Anh Tuấn / Giao thông