Vài năm trước, vừa xuống sân bay, điện thoại của tôi rung lên. Một tin nhắn được gửi đến: “TP X xin kính chào quý khách…”. Một sự không hài lòng nhẹ. Nhưng thôi, tôi hay các hành khách khác tự giải thích theo cách đó là một sự quan tâm của thành phố du lịch. Việc đó cũng không khiến tôi bận tâm như trăm ngàn câu chuyện đang hàng ngày xảy ra. Nhưng vài chuyến bay gần đây, xuống sân bay, mở điện thoại là có tin nhắn “gạ gẫm” đưa rước từ những hãng taxi không tên tuổi.

dung dua voi thong tin khach hang Phối hợp công an xử lý việc mua bán thông tin khách đi máy bay
dung dua voi thong tin khach hang Cục Hàng không:Lộ thông tin hành khách do hãng, đại lý cung cấp
dung dua voi thong tin khach hang
Ảnh minh họa.

Đó không phải là câu chuyện của một khách hàng cụ thể nữa khi việc “lộ thông tin khách đi máy bay” tràn ngập các diễn đàn cũng như trên báo chí chính thống.

Trước những dư luận xã hội, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản cho biết, hiện tượng lộ thông tin hành khách đi máy bay bắt đầu xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục diễn biến ở các năm 2014, 2015 khi các hành khách bay đến các sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hoà) và Nội Bài (Hà Nội) nhận được các tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, đã có kế hoạch thanh tra công tác bảo mật thông tin hành khách đi máy bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10/2017. Cục này cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cấp an toàn thông tin mạng cho các hãng hàng không Việt Nam đối với hệ thống đặt chỗ, bán vé để làm cơ sở triển khai các biện pháp phù hợp với pháp luật.

Về phía doanh nghiệp, các hãng hàng không đều cho rằng, nội bộ đã có quy định nghiêm ngặt về việc bảo mật thông tin của khách hàng và khẳng định không có chuyện hãng bán thông tin khách hàng. Nhưng theo trần tình của đại diện của một hãng hàng không, thông tin khách hàng như tên tuổi, email, số điện thoại di động có thể được nhiều phía tiếp cận. Cụ thể như phòng vé, đại lý bán vé rồi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay…

Không chỉ có thông tin khách hàng đi máy bay bị lộ. Suốt mấy năm qua những tệp khách hàng bị mua bán, trao đi đổi lại suốt. Thậm chí còn có một số trang mạng chuyên bán cơ sở dữ liệu khách hàng như datakhach…net, muabanda…com, danh sachkhach…top… Chỉ cần một vài key word trên Google là có thể tìm ra vô số những nơi bán danh sách khách hàng bao gồm tên tuổi, số điện thoại, email thậm chí cả số CMND, số thẻ căn cước. Tệp khách hàng công chức dành cho các hãng bảo hiểm, ngân hàng cho vay tiêu dùng, tệp khách hàng cha mẹ học sinh thì dành cho các trung tâm gia sư…

Vậy những “danh sách khách hàng” này đến từ đâu? Đầu tiên, thông tin khách hàng có thể bị đánh cắp từ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Việc hacker công bố danh sách trên 400.000 tài khoản khách hàng thành viên của Vietnam Airlines vào tháng 7 năm ngoái là một ví dụ. Danh sách này được cho là bao gồm họ tên, ngày sinh, địa chỉ; một số thành viên còn bị lộ chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại, thậm chí có cả bí mật cá nhân... Một cách khác là thông tin được thu thập khi chính khách hàng điền vào các biểu mẫu nhận quà khuyến mại, đăng ký dịch vụ online…

Tiết lộ, thậm chí mua bán thông tin khách hàng được các nhà nghiên cứu, luật sư thống nhất cho là hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những văn bản pháp luật liên quan là Nghị định 19/2012 quy định xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi “chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng” và đến 30 triệu đồng nếu đó là “thông tin thuộc về bí mật cá nhân người tiêu dùng”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, người tiêu dùng thì phải biết bảo vệ những thông tin cá nhân của mình. Có lẽ điều này hơi khó khi mua một cuốn sách qua mạng, khách hàng cũng phải khai đủ thông tin từ ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ email.

Tuy nhiên, việc có thể làm ngay là cơ quan nhà nước “nắm” những doanh nghiệp, tổ chức đang “nắm” thông tin khách hàng. Không thể đồng tình với cách xử lý nhẹ nhàng như vừa qua của các hãng hàng không “cho thôi việc một số nhân viên, cắt hợp đồng đại lý bán vé máy bay” . Cần có mức phạt thật nặng dành cho các doanh nghiệp, tổ chức để lộ, mất thông tin khách hàng và xử lý nghiêm khắc những người cố ý thực hiện hành vi mua bán thông tin thuộc về bí mật cá nhân của công dân. Mà điều tra làm rõ hành vi này không phải quá khó khi hằng ngày, thông tin công dân đang được rao bán công khai.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/dung-dua-voi-thong-tin-khach-hang-381957

Ngày đăng: 21:00 | 07/10/2017

/ Dương Tiêu/daidoanket.vn