Việc dân đi BOT chừng nào trả phí chừng đó nếu làm được sẽ tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là dùng cách nào để tính phí.
Tính phí bằng cách nào?
Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Sở GTVT Quảng Trị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất người dân sử dụng đường BOT chừng nào thì trả tiền chừng đó tại trạm thu phí BOT Quảng Trị, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng khẳng định bản thân hoan nghênh việc này.
Theo ông Sơn, việc người dân đi BOT chừng nào trả phí chừng đó nếu làm được trong thực tế sẽ tạo ra sự công bằng và nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội.
Tuy nhiên điều ông Sơn băn khoăn là giải pháp trên liệu có khả thi hay không và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dùng cách nào để tính tiền thu phí trên những quãng đường đã đi.
ĐBQH hoan nghênh đề xuất dùng BOT chừng nào trả tiền chừng đó. |
“Nếu làm được thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên cách nào để chúng ta làm được cái đó hay đây mới chỉ dừng lại là ý tưởng. Liệu rằng cách này có khả thi hay không? Chúng ta phải tính toán hết sức thận trọng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội khóa XIII cũng bày tỏ băn khoăn về việc triển khai thu phí đoạn đường các phương tiện đã di chuyển.
Theo bà An, các cơ quan quản lý nhà nước phải cân nhắc, tính toán về phương thức thu phí BOT trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và chủ doanh nghiệp.
“Yêu cầu đặt ra là nhà nước phải thu được thuế, người dân thì đóng mức phí vừa phải còn chủ đầu tư dự án có điều kiện thu phí để hoàn vốn. Theo tôi việc đề xuất này thì phải tính toán cụ thể.
Đầu tiên chúng ta phải định giá đúng, tức là giá trị của gói đó là bao nhiêu. Trên cơ sở đó tính toán mức phí phù hợp”, bà An chia sẻ.
BOT hợp lý sao dân phản đối?
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn thừa nhận hiện nay trong câu chuyện BOT đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Tuy nhiên theo ông Sơn những vấn đề bất hợp lý đó chậm được điều chỉnh, khắc phục dẫn đến những bức xúc trong dư luận.
“Chúng ta không thể trách dư luận hoặc dồn ép người dân. Cá nhân tôi không ủng hộ những cách phản ứng gây ra sự bức xúc trong đời sống xã hội. Đó là điều không nên.
Nhưng phải thấy rằng những phản ứng của người dân xuất phát từ những bất hợp lý từ các nhà quản lý BOT. Họ vì lợi ích của mình mà chậm xem xét, chậm điều chỉnh để tạo ra những bức xúc trong đời sống xã hội”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng không đồng tình với việc cơ quan quản lý nhà nước khẳng định việc đặt trạm thu phí BOT hay các mức thu đưa ra đúng quy định.
Vị ĐBQH đặt câu hỏi: “Nếu đúng đắn và phù hợp với thực tế cuộc sống thì tại sao dư luận và nhân dân phản ứng. Bộ GTVT nói đúng luật tức là họ dựa vào các quy định quản lý, hợp đồng ký kết. Nếu không thay đổi thì đến 1 lúc nào đó chúng ta sẽ phải trả giá về việc này”.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn Trong cũng nhắc đến một loạt những sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý, triển khai xây dựng BOT thời gian qua mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.
Theo ông Sơn, dư luận và nhân dân đòi hỏi dự án BOT phải minh bạch và rõ ràng. Tuyến nào đầu tư theo hình thực BOT thì thu phí theo kiểu BOT. Đoạn đường nào người dân và ngân sách nhà nước đã bỏ tiền ra để làm thì không được phép thu phí.
“Không nên đưa việc sửa sang lại vài km đường rồi bảo rằng có đầu tư “đánh lận con đen” trong chuyện thu phí.
Cả xã hội đang nóng lên vì câu chuyện BOT và chắc chắn các cơ quan nhà nước, cơ quan có trách nhiệm trong thời gian tới phải đặt lên bàn những câu chuyện này để tìm cách giải quyết chứ không thể để như thế này được.
Rõ ràng việc này nếu để lâu sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng và gây mất an ninh chính trị, sự phát triển bình thường của đất nước”, ông Sơn cảnh báo.
Chia sẻ thêm, bà Bùi Thị An khẳng định, xã hội hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có lĩnh vực giao thông là cần thiết. Nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp thì việc huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng BOT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc.
Tuy nhiên bà An cho rằng, nếu chúng ta không làm tốt, để xảy ra những chuyện không công khai, minh bạch sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
"Rất nhiều dự án BOT dân kêu ca thời gian qua như: giá phí quá đắt, các trạm BOT quá dày hay giá cả không tương xứng với chất lượng đường, tương ứng với đầu tư của chủ đầu tư.
Bộ GTVT là cơ quan chủ quản phải cho đánh giá, rà soát lại tất cả. Hơn ai hết, Bộ GTVT là người có chuyện môn và hiểu nhất câu chuyện này. Khi đã xác định nguyên nhân chính xác thì phải đề ra giải pháp xử lý cho phù hợp", bà An nhấn mạnh thêm.
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-bot-chung-nao-tra-phi-chung-do-dbqh-hoan-nghenh-3342727/)
Ngày đăng: 09:56 | 10/09/2017
/ Theo Hà Hoàng/Báo Đất việt