Sau một ngày rưỡi Quốc hội thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến tâm huyết và thẳng thắn của đại biểu Quốc hội và cả những hiến kế giải pháp để phát triển. Bên cạnh đó, không ít đại biểu tỏ ra “sốt ruột” vì việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá chậm.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347 nghìn tỷ đồng với nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Trên cơ sở nghị quyết này của Quốc hội, chỉ 19 ngày sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ được ví như cú huých, là đòn bẩy để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, điều mà các đại biểu Quốc hội hết sức băn khoăn là kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết đến nay đã hơn 4 tháng, nhưng một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, thậm chí có nhiều nội dung “vẫn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng”, có những nội dung vẫn chỉ dừng ở việc “sẽ ban hành văn bản”!
Gói chính sách kích thích nền kinh tế hiện nay chưa giải ngân được. Đây là mối lo không chỉ của đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và doanh nghiệp, mà nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm.
Có thể nói, trong điều kiện hiện nay, việc triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế của chúng ta có thể nói là khá thuận lợi. Nói là thuận lợi bởi, dịch Covid -19 đã được khống chế và đẩy lùi, đất nước đang ở trong trạng thái “bình thường mới”. Nguồn lực dành cho chương trình luôn ở trong trạng thái sẵn sàng - điều mà không phải bất kỳ chương trình nào cũng may mắn có được. Đó là chưa kể, với cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt, có thể nói là “mở hết cỡ” khi thực hiện chính sách này. Nhờ đó, quy trình thủ tục đã được đơn giản tối đa, thực hiện phân cấp đến từng bộ, ngành, địa phương.
Một chính sách được áp dụng chỉ trong thời gian 2 năm (2022 - 2023), đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải xắn tay vào việc mới kịp tiến độ. Do đó, đến thời điểm này, việc triển khai chương trình vẫn “giậm chân tại chỗ” sẽ dễ dẫn tới nguy cơ không về đích theo yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra là mối lo hiện hữu.
Chủ trương đã có, nghị quyết của Quốc hội đã có, tại sao việc thực hiện vẫn chậm? Sự chậm trễ này nằm ở khâu nào? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của Chính phủ.
Có thể thấy dù đã bước vào trạng thái bình thường mới nhưng cuộc sống của người dân và doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Thời gian thực hiện chương trình không còn nhiều, để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận, thụ hưởng được những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu, Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Cần nhấn mạnh rằng, việc chậm triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách. Để chúng ta không bị lỡ nhịp, không bỏ lỡ "cơ hội vàng" và “không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh” đòi hỏi Chính phủ phải có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra cần có cơ chế để “thúc” tiến độ bởi việc đánh giá cụ thể hàng tháng, hàng quý của từng bộ, ngành, địa phương liên quan. Đặc biệt, cần có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ khi triển khai thực hiện chính sách này. Cùng với đó, phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, các đại biểu Quốc hội, giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên khi thực hiện triển khai chương trình này.
https://daibieunhandan.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/dung-bo-lo-co-hoi-vang-i291093/
Ngày đăng: 08:37 | 03/06/2022
Lê Hùng / ĐBND