Chính phủ Đức yêu cầu cảnh sát biên giới từ chối những người nhập cư không giấy tờ, bao gồm một số trường hợp xin tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt đã hủy bỏ một quy định năm 2015 vốn cho phép hàng trăm nghìn người xin tị nạn nhập cảnh dù không có giấy tờ. Ông cũng yêu cầu tăng đáng kể lực lượng biên giới lên 14.000 người.
Động thái quyết liệt kể trên nhằm mục đích giảm tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, ngoại lệ sẽ được áp dụng đối với những nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ mang thai và trẻ em.
“Chúng tôi không đóng cửa biên giới nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn, dẫn đến số lượng đơn bị từ chối cao hơn”, Bộ trưởng Alexander Dobrindt tuyên bố, ngày 7-5 (giờ địa phương).

Quy định năm 2015 được đưa ra dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, mang lại cơ hội cho hàng trăm nghìn người xin tị nạn tại Đức, với nhiều trường hợp trong số họ chạy trốn xung đột ở Syria.
Việc từ chối người xin tị nạn gây tranh cãi về mặt pháp lý. Thỏa thuận liên minh giữa phe bảo thủ của Thủ tướng Friedrich Merz và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nêu rõ, động thái này nên được thực hiện phối hợp với các quốc gia láng giềng.
Trước cuộc bầu cử hồi tháng 2, ông Friedrich Merz cam kết sẽ trấn áp tình trạng nhập cư sau một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến người nhập cư, thổi bùng sự ủng hộ dành cho đảng cực hữu AfD.
Kể từ đó, liên minh của tân Thủ tướng Đức đã thống nhất từ chối những người xin tị nạn không giấy tờ tại biên giới, cho phép trục xuất họ về Syria và đình chỉ các cuộc đoàn tụ gia đình.
Ông Alexander Dobrindt cho biết, chính sách này được luật tị nạn hậu thuẫn, trong đó nêu rõ rằng, có thể từ chối nhập cảnh nếu người tị nạn đến từ một quốc gia an toàn. Tất cả quốc gia láng giềng của Đức dọc theo biên giới dài 2.500 dặm đều được coi là an toàn.
Di cư là vấn đề gây tranh cãi ở Đức, quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn thứ ba trên thế giới, với 2,5 triệu người tị nạn. Ngày càng có nhiều cử tri Đức mong muốn đất nước chấp nhận ít người nhập cư hơn.
Thụy Sĩ đã chỉ trích Đức vì động thái kể trên, nhận định việc từ chối người tị nạn ngay tại biên giới là hành động vi phạm luật hiện hành. Quốc gia này cũng lấy làm tiếc vì Đức triển khai biện pháp trấn áp mạnh tay mà không thông qua tham vấn.
https://hanoimoi.vn/duc-tu-choi-nguoi-di-cu-khong-co-giay-to-tai-bien-gioi-701577.html
Ngày đăng: 13:05 | 08/05/2025
Thương Nguyệt / Theo báo Hà Nội mới