Mỹ và Đức công bố kế hoạch gửi thêm nhiều loại vũ khí sát thương cho Ukraine, trong bối cảnh các cuộc giao tranh với Nga tiếp tục diễn ra ác liệt.
KyivIndependent dẫn thông báo ngày 9/12 của Chính phủ Đức xác nhận họ đang chuẩn bị gửi 18 pháo tự hành RCH-155 cho Ukraine cùng ít nhất 80 xe bán tải, 90 thiết bị chống máy bay không người lái (UAV), 2 nhà chứa máy bay và 7 xe tải chuyên dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đề nghị phía Đức gửi RCH-155 từ tháng 7/2022. Berlin chấp thuận đề nghị sau đó 2 tháng. Thời điểm chuyển giao chưa được tiết lộ vì lí do an ninh. Truyền thông khu vực mô tả đây là một trong những đợt hỗ trợ vũ khí đáng kể nhất của Đức cho Ukraine.
Theo Defense Express, RCH-155 do tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của Đức sản xuất, đặt trên khung gầm bánh hơi như xe chở quân nên có độ cơ động rất cao. RCH-155 được trang bị tháp pháo tự động, giúp rút gọn một kíp chiến đấu chỉ còn 2 người.
Nhà sản xuất quảng cáo RCH-155 có tầm bắn 54km, tốc độ bắn 9 phát/phút với cơ số đạn 30 viên. Mẫu pháo tự hành này nặng 39 tấn, tốc độ di chuyển tối đa 100km/h trên đường trải nhựa.
Cùng ngày, quân đội Mỹ cũng công bố thông tin về gói viện trợ mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm một loạt thiết bị chống UAV, đạn rocket cho tổ hợp HIMARS, 80.000 viên đạn pháo 155 mm, khoảng 150 máy phát điện, xe quân sự Humvee và các thiết bị khác.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Mỹ kì vọng họ có thể giúp Ukraine nâng cao năng lực chống lại mối đe dọa từ UAV, trong bối cảnh Nga tăng cường tập kích các mục tiêu hạ tầng năng lượng ở Ukraine bằng UAV và tên lửa.
Khoản viện trợ 275 triệu USD mới nhất thuộc khuôn khổ quyền điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển giao các thiết bị quốc phòng tồn kho cho đối tác trong tình huống khẩn cấp mà không cần Quốc hội Mỹ thông qua.
Gói viện trợ mới nhất nâng tổng hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng 2 lên hơn 19,3 tỷ USD. Kể từ tháng 8/2021, đây là lần thứ 27 Mỹ rút thiết bị từ kho của Lầu Năm Góc để chuyển cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine: Tình hình dọc tiền tuyến "rất khó khăn"
Trong thông điệp qua video tối 9/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình chiến sự ở Donetsk đang "rất khó khăn", trong bối cảnh Nga đang tăng cường tấn công dọc chiến tuyến miền Đông này bằng hỏa lực vượt trội, theo Pravda Ukraine.
"Đối phương thực sự đã phá hủy Bakhmut", Tổng thống Ukraine nói. "Tình hình tiền tuyến rất khó khăn ở các khu vực trọng điểm của Donbass là Bakhmut, Soledar, Maryinka và Kreminna".
Bakhmut, Nga gọi là Artemovsk, trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh suốt nhiều tuần qua. Thành phố này nằm trên trục đường dẫn về hai thành phố công nghiệp Slovyansk và Kramatorsk, được đánh giá là các đô thị lớn nhất cùng mà Kiev còn kiểm soát ở Donetsk.
Cuối tháng 11, Nga tuyên bố đã đạt được một số đột phá và đang trên đà thiết lập vòng vây xung quanh Bakhmut. Nếu giành kiểm soát thành phố từng là nơi sinh sống của khoảng 70.000 người này, Nga có thể cản trở các tuyến tiếp tế của Ukraine dọc chiến tuyến miền Đông, đồng thời tạo bàn đạp để sớm nhắm mục tiêu tới Slovyansk và Kramatorsk.
Ngày đăng: 11:13 | 10/12/2022
Thái Hà / CAND