Trung Quốc đang làm điều mà trước đó chỉ có Mỹ và Liên Xô thực hiện được: Hạ cánh thành công một tàu vũ trụ lên bề mặt sao Hỏa.
Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã quay quanh sao Hỏa từ tháng hai và gửi một phương tiện hạ cánh mang theo tàu thăm dò lên bề mặt hành tinh này hôm nay. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, tàu thăm dò Trung Quốc gia nhập cùng ba tàu khác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang khảo sát sao Hỏa.
Sứ mệnh sao Hỏa của Trung Quốc có thể không hấp dẫn bằng nhiệm vụ mới nhất mà NASA thực hiện, bởi nó về cơ bản chỉ lặp lại những kỳ tích mà người Mỹ đã đạt được từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, nó đại diện cho một cột mốc mới trong tham vọng biến mình thành "cường quốc không gian" của Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố hồi tháng 4. Hàng loạt cột mốc tiềm năng hơn đang ở phía trước.
Tàu Thiên Vấn 1 chuẩn bị được phóng ở Văn Xương hồi tháng 7 năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Hồi tháng 1/2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh một tàu thăm dò lên phần tối của Mặt Trăng. Đây là lần hạ cánh lên Mặt Trăng thành công thứ hai của Trung Quốc kể từ lần đầu vào năm 2013.
Khi đó, Bắc Kinh đã đưa một tàu thăm dò lên bề mặt Mặt Trăng và nó vẫn hoạt động cho tới tận ngày nay, vượt xa kỳ vọng ban đầu rằng nó chỉ có thể duy trì khoảng ba tháng. Hồi cuối tháng trước, nó đã đi gần một km từ điểm xuất phát trong miệng núi lửa Von Kármán gần cực nam Mặt Trăng, theo bản tin trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đưa một tàu khác lên Mặt Trăng. Nó đã xúc gần hai kg đất đá gần một miệng núi lửa tên Mons Rümker và gửi chúng về Trái Đất. Đây là mẫu vật Mặt Trăng đầu tiên kể từ sau những mẫu được Liên Xô thu thập trong sứ mệnh Luna 24 năm 1976. Một số mẫu đang được trưng bày ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đặt tên các tàu thăm dò Mặt Trăng của mình là Hằng Nga kèm số thứ tự. Tới năm 2027, ba tàu nữa dự kiến lên đường, chúng sẽ mang thêm tàu thăm dò, một phương tiện bay và thậm chí Bắc Kinh còn tham vọng thực hiện thử nghiệm in 3D trong không gian, theo tuyên bố từ cơ quan vũ trụ Trung Quốc.
Những sứ mệnh trên nhằm mục đích đặt nền móng cho một căn cứ trên Mặt Trăng cho các phi hành gia vào những năm 2030. Đến nay, chỉ có chương trình Apollo của Mỹ là đã đưa người lên Mặt Trăng.
Hồi tháng ba, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết họ sẽ phối hợp với Trung Quốc xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt Trăng song chi tiết về kế hoạch chưa được đưa ra.
Việc Trung Quốc hồi tháng 4 phóng module lõi trạm không gian của nước này lên vũ trụ đã thu hút được sự quan tâm lớn từ quốc tế với những lý do bất đắc dĩ. Sau khi đạt tới quỹ đạo, tên lửa đẩy chính đã rơi trở lại Trái Đất, gây ra không ít lo ngại. Các mảnh vỡ đã rơi xuống Ấn Độ Dương, suýt xoá sổ Malpes và làm dấy lên chỉ trích về cách Trung Quốc thực hiện vụ phóng tên lửa nặng nhất của họ, Trường Chinh 5B.
Nhiều vụ phóng tương tự sẽ được thực hiện trong tương lai. Đây là sứ mệnh đầu tiên trong tổng số 11 sứ mệnh mà Trung Quốc cần triển khai nhằm xây dựng trạm vũ trụ thứ ba và cũng là trạm tham vọng nhất của Bắc Kinh vào cuối năm 2022.
Hai tên lửa Trường Chinh 5B nữa sẽ mang các module bổ sung và những tên lửa khác sẽ mang những bộ phận nhỏ hơn. 4 sứ mệnh, được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 6, sẽ đưa các phi hành gia Trung Quốc trở lại không gian sau hơn 4 năm.
Hai trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc là những nguyên mẫu tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng trạm thứ ba được kỳ vọng có thể hoạt động trong ít nhất một thập kỷ.
Mộ hình trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc tại một triển lãm ở thành phố Chu Hải hồi năm 2010. Ảnh: AP. |
Trạm Vũ trụ Quốc tế, do Mỹ, Nga và một số nước khác cùng phát triển, dự kiến hết tuổi thọ sử dụng vào năm 2024. Chưa rõ chuyện gì sẽ diễn ra sau đó. NASA đã đề xuất giữ trạm hoạt động trong vài năm nữa. Nga thông báo họ có ý định rút lui vào năm 2025. Nếu trạm này ngừng hoạt động thì Trung Quốc sẽ là nước duy nhất sở hữu trạm vũ trụ trong một khoảng thời gian.
Trạm vũ trụ Trung Quốc mang tên Thiên Cung có thể đón ba phi hành gia cho các nhiệm vụ dài hạn và 6 phi hành gia trong thời gian ngắn hơn. Bắc Kinh đã tuyển chọn một nhóm 18 phi hành gia. Ba người đầu tiên dự kiến làm việc ba tháng trong không gian, vượt qua kỷ lục 33 ngày của các phi hành gia nước này hồi năm 2016.
Hao Chun, giám đốc Cơ quan Không gian Có người lái Trung Quốc (CMSE), cho biết phi hành gia từ các nước khác sẽ được phép ghé trạm vũ trụ của nước này nếu có cơ chế kết nối "phù hợp với các tiêu chuẩn Trung Quốc". Theo lời ông, một số phi hành gia nước ngoài đã bắt đầu học tiếng Quan Thoại.
Sứ mệnh sao Hỏa của Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành một loạt các kỳ công mà NASA đã đạt được suốt nhiều năm trong quá khứ. Tàu Thiên Vấn 1 đã đi vào quỹ đạo quanh sao Hỏa và bước tiếp theo là đưa một tàu lên bề mặt hành tinh, sau đó thả một tàu thăm dò.
Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới đưa tàu lên sao Hỏa vào năm 1971 nhưng 14 giây sau khi chạm tới bề mặt hành tinh, tàu đổ bộ đã ngừng liên lạc, có thể do bão cát. Nó chỉ truyền về một hình ảnh không hoàn chỉnh hoặc không thể giải mã được về Trái Đất. Từ đó đến nay, một số nỗ lực tiếp cận bề mặt sao Hỏa do các quốc gia khác thực hiện đều thất bại.
Sau Liên Xô, Mỹ là nước duy nhất đổ bộ thành công lên sao Hỏa, tính tới hiện tại. Trung Quốc hồi năm 2011 từng cố đưa tàu lên quỹ đạo sao Hỏa nhưng tên lửa Nga mang nó đã không thể rời khỏi quỹ đạo Trái Đất và rơi trở lại.
Tàu Thiên Vấn của Trung Quốc đã tiến hành khảo sát sao Hỏa và địa điểm hạ cánh dự kiến là Utopia Planitia, một lòng chảo lớn ở bắc bán cầu nơi chiếc Viking 2 của NASA hạ cánh vào năm 1976.
Nếu hạ cánh thành công, tàu Trung Quốc sẽ thực hiện nghiên cứu địa hình, địa chất và khí quyển sao Hỏa. Một mục tiêu lớn hơn là tìm hiểu về sự phân bố băng ở nơi đây, về lý thuyết, có thể biến những chuyến đổ bộ của người trong tương lai thành hiện thực.
Người dân xem cảnh tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 được phóng từ trạm Văn Xương hồi tháng 7/2020. Ảnh: AP. |
Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch gửi tàu đổ bộ thứ hai lên sao Hỏa vào năm 2028 và thu thập mẫu vật đưa về Trái Đất. Đây là một mục tiêu mà NASA và Cơ quan Vũ Trụ châu Âu đang hướng tới, với hy vọng mang đất và đá từ sao Hỏa trở về vào năm 2031.
Sứ mệnh của Trung Quốc có thể được triển khai trong thập kỷ này, tạo ra một cuộc chạy đua tiềm năng.
Ngoài sứ mệnh sao Hỏa, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho một sứ mệnh kéo dài 10 năm để thu thập mẫu vật từ một tiểu hành tinh được sao chổi quét ngang. Bắc Kinh đồng thời muốn phóng tàu vũ trụ đi vào quỹ đạo của sao Kim và sao Mộc. Năm 2024, họ dự định phóng kính viễn vọng không gian, tương tự kính viễn vọng Hubble được phóng lần đầu năm 1990.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh xuống sao Hỏa
Hôm 15/5, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết nước này đã hạ cánh tàu thăm dò Zhurong trên bề mặt ... |
Ngày đăng: 15:00 | 15/05/2021
/ vnexpress.net