Trịnh Xuân Thanh sẽ khai những gì, ai đứng sau “chống lưng” và nhóm lợi ích nào chung chi tài sản tham nhũng? Những vấn đề này được dư luận đặc biệt quan tâm sau khi bị can Trịnh Xuân Thanh bị tạm giam.

Cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an vừa ra lệnh tạm giam bị can Trịnh Xuân Thanh để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Diễn biến vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trịnh Xuân Thanh sẽ khai những gì, ai đứng sau “chống lưng” và nhóm lợi ích nào chung chi tài sản tham nhũng?… Dưới đây là cuộc trao đổi của PV báo Người Đưa Tin với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

PV: Thưa ông, đã có ý kiến cho rằng, một mình Trịnh Xuân Thanh không thể thực hiện được những việc làm “tày trời” như vậy. Suy nghĩ của cá nhân ông thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trước hết, tôi nghĩ Trịnh Xuân Thanh đầu thú là một tín hiệu mừng. Tuy nhiên, với những sai phạm phải căn cứ vào pháp luật để xử lý một cách thích đáng. Nếu Trịnh Xuân Thanh thật sự ăn năn hối cải, thật thà khai báo, giúp thu hồi tài sản thất thoát do mình gây ra thì sẽ nhận được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khai báo trung thực, chỉ rõ những ai đứng đằng sau sai phạm, ai là người cấu kết với Trịnh Xuân Thanh để thực hiện nhiều hành vi phạm tội. Bởi, một mình Trịnh Xuân Thanh không thể làm nên những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. Tôi mong chờ những khai báo này và tôi chắc chắn dư luận cũng mong muốn sớm biết rõ những ai cùng “nhúng chàm” như Trịnh Xuân Thanh, những ai đang “ném đá giấu tay”, những ai đang ở trong “nhóm lợi ích” của Trịnh Xuân Thanh...

Cá nhân bao che, cùng hưởng lợi ích nhóm với Trịnh Xuân Thanh chắc hẳn sẽ mất ăn, mất ngủ. Cần đưa những người “chống lưng” cho Trịnh Xuân Thanh ra ánh sáng. Tôi không tin một mình Trịnh Xuân Thanh có thể dễ dàng đi qua nhiều “cửa gác”, bỏ lại sau lưng hàng loạt sai phạm, việc doanh nghiệp thua lỗ để ngày càng “leo cao”. Người “tiếp tay” trong trường hợp này có lẽ phải là cấp trên của Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới cũng a dua, im lặng để cấp trên thực hiện hành vi bao che. Kể cả việc Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài cũng phải làm rõ có ai tư vấn, chỉ điểm hay không? Đi bằng con đường nào?... Không phải cứ đầu thú là nhận được sự khoan hồng. Khoan hồng cũng phải có điều kiện là sự khai báo thật thà. Những lời khai quanh co, chối tội, giấu giếm sẽ phản tác dụng.

PV: Điều đó có nghĩa là, vụ việc đang đặt lên vai những người làm công tác điều tra một trọng trách lớn lao?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Không để Trịnh Xuân Thanh đổ thừa trách nhiệm cho người khác, đưa được những cá nhân liên quan sai phạm ra ánh sáng... là những nhiệm vụ nặng nề. Nhưng đó là chuyên môn, nghiệp vụ của những người làm công tác điều tra. Chúng ta luôn tin tưởng vào họ.

PV: Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Lò đã nóng rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Không chỉ Trịnh Xuân Thanh mà nhiều cán bộ đương chức khi mắc sai phạm cũng đã nhận kỷ luật thích đáng, như vụ việc liên quan đến Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề chống tham nhũng hiện nay?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Chức vụ hiện tại của bà Hồ Thị Kim Thoa có phải do năng lực, trình độ hay có yếu tố khác chi phối? Đó là điều cơ quan chức năng cần làm rõ. Nhưng với những thua lỗ ở công ty bóng đèn Điện Quang, bà Thoa đã không còn đủ uy tín ngồi vào vị trí Thứ trưởng. Khối tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa cùng gia đình xuất phát từ đâu mà có, điều gì khuất tất đằng sau khối tài sản này... là những điều mà dư luận cũng đang nóng lòng chờ đợi câu trả lời.

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh và bà Hồ Thị Kim Thoa có thể đi từ những nguyên nhân khác nhau, diễn biến khác nhau, nhưng cùng khiến dư luận nghi ngại về lợi ích nhóm. Hành động xin nghỉ việc chẳng khác nào trốn tránh trách nhiệm để “hạ cánh an toàn”.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước là khuyến khích tất cả người dân, trong đó có các đảng viên, cán bộ Nhà nước làm giàu một cách chính đáng từ bàn tay, khối óc của chính mình, nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng lợi ích nhóm gây thiệt hại ngân sách Nhà nước – cũng là tiền thuế của nhân dân thì phải xem xét xử lý nghiêm.

PV: Một trong những vấn đề quan trọng được dư luận hết sức quan tâm là làm sao thu hồi tài sản tham nhũng trong những vụ việc này, thưa ông?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Điều quan trọng nhất sau những vụ việc tham nhũng là thu hồi tài sản. Thực tế, nhiều vụ án khó thu hồi tài sản hoặc tỉ lệ thu hồi tài sản quá thấp. Kê khai tài sản hàng năm, nhưng kê khai có trung thực hay không lại là chuyện khác.

Cán bộ sai phạm tìm đường lui thành công sẽ tạo tiền lệ xấu, không làm gương cho cấp dưới cũng như người đương nhiệm. “Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”, người dân mong muốn ngọn lửa chống tham nhũng sẽ cháy mãi, thiêu rụi những “con sâu làm rầu nồi canh” để bộ máy của Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày đăng: 12:42 | 09/08/2017

/ nguoiduatin.vn