L.T.S: Bên cạnh những phong tục độc đáo, dưới tán rừng Trường Sơn vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu khiến chất lượng sống của đồng bào thiểu số rất thấp. Thế nhưng, nhờ nỗ lực của chính quyền, tình hình nay đã khác.
Nhờ những đóng góp suốt 40 năm không mệt mỏi của một y tá, nhiều tập tục lạc hậu ở các bản làng miền Tây Quảng Ngãi bị đẩy lùi
Dù đã hơn 20 năm trôi qua nhưng nhiều người dân làng Mang Tu La, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vẫn nhớ như in câu chuyện suýt bị chôn sống của thiếu nữ Đinh Thị Min.
Đó là vào một ngày cuối năm 1993, chị Min bị sốt xuất huyết, thay vì đưa ra trạm y tế, người nhà tin vào thầy cúng nên tổ chức cúng để đuổi ma, trừ tà suốt 5 ngày. Kết quả, bệnh tình không giảm, người làng quyết định đem chôn sống chị Min vì họ tin: "Chỉ có như thế mới đuổi được con ma đi khỏi làng, nếu không sẽ có nhiều người bị con ma bắt đi".
"Không cứu được, tôi sẽ đền mạng!"
Nghe câu chuyện, ông Đinh Văn Rây, lúc này là Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Mùa, tức tốc băng rừng vào làng. Khi đó, chị Min đã được người làng mang ra tới nghĩa địa. Ông Rây ra sức can ngăn, khi bị người làng phản đối, ông quả quyết: "Không chữa được Min khỏi bệnh, tôi sẽ đền mạng". Giằng co đến nửa buổi, rốt cuộc người làng cũng đồng ý đưa chị Min về trạm y tế xã. Bốn ngày sau khi được uống thuốc, chăm sóc y tế, chị Min khỏi bệnh.
Ông Đinh Văn Rây hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bà con đồng bào Ca Dong
Hiện chị Min sống mạnh khỏe và đã có chồng con, còn ông Rây thì vẫn lặng lẽ với công việc ở Trạm Y tế xã Sơn Mùa. Thỉnh thoảng có người nhắc lại chuyện cũ, ông phì cười.
Chúng tôi gặp ông Đinh Văn Rây trong căn nhà sàn giữa vùng cao thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, đang lúc ông chuẩn bị đến nhà bà Đinh Thị Thanh hướng dẫn cách uống thuốc. Đã 62 tuổi và nghỉ hưu được 2 năm nhưng ngày nào ông Rây cũng không quản đường xa lặn lội đi khắp các bản làng mỗi khi có người cần giúp đỡ. "Bà con mình còn nghèo lắm, nhiều người không biết chữ, không biết cách dùng thuốc mỗi lần ốm đau nên mình phải giúp chứ ở nhà không yên tâm" - ông Rây chia sẻ.
Kể về 40 năm gắn bó với nghề y ở vùng rừng núi Quảng Ngãi, ông Rây cho biết đã cứu hàng chục người thoát chết, hàng trăm đứa trẻ sơ sinh bởi những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan của người dân.
Lúc mới vào nghề, ông là một thanh niên chưa vợ. Hồi đó vì không có bác sĩ, là y tá nên ông Rây phải kiêm nhiệm nhiều việc từ chữa bệnh đến đỡ đẻ. Hồi mới giải phóng, người dân sinh đẻ rất nhiều nhưng không bao giờ đến các trạm y tế mà sinh ở nhà nên tỉ lệ trẻ tử vong rất cao.
"Thấy vậy, mình đến các bản làng vận động người dân sinh nở phải ra trạm y tế. Nhưng vì mình còn trẻ quá nên không ít người gièm pha. Họ còn nói mình là thanh niên sao lại đỡ đẻ cho phụ nữ, nói mình không thiệt cái bụng. Mình hiểu cái lý của họ nhưng lúc đó lấy đâu ra cán bộ y tế nữ. Nhiều lần mình đỡ đẻ trong những trường hợp bất đắc dĩ nên người làng cũng tin dần. Sau đó, nhiều người mạnh dạn tới trạm y tế sinh nở" - ông Rây kể.
"Chúng tôi ưng cái bụng lắm!"
Ở nơi núi rừng bạt ngàn, người dân mỗi lần ốm đau thường tin vào việc cúng thần linh để trừ tà hơn là dùng thuốc hoặc đến trạm y tế. Thế nhưng với sự năng nổ, tận tình của y tá Rây, dần dần, thói quen đó đã thay đổi và ông trở thành "điểm tựa" cho đồng bào Ca Dong ở vùng cao Sơn Tây.
"Thời ấy người dân không tin dùng thuốc tây, thấy tiêm thuốc là bỏ chạy. Những năm đầu thập niên 1990, khi căn bệnh sốt rét bùng phát, mình cùng một số cán bộ y tế xuống các bản làng tuyên truyền cho người dân cách phòng ngừa, diệt muỗi. Nghe mình nói, có người thắc mắc: "Con muỗi nó bé tí, sao mạnh bằng con người mà phải sợ nó. Muỗi không gây bệnh được đâu" rồi bỏ về" - ông Rây nhớ lại.
Bởi vậy để tuyên truyền, thay đổi thói quen, nhận thức cho người dân ở đây là cả câu chuyện dài. Nhưng với ý chí quyết tâm, y tá Rây đã mày mò, tự nghĩ ra mọi cách để "mềm hóa" những câu khẩu hiệu tuyên truyền. Những câu như "Ăn phải dùng đũa, uống nước phải đun sôi, đi ngủ phải mắc màn…" đều được y tá Rây dịch sang tiếng Ca Dong sao cho có vần có điệu để người dân dễ nhớ.
Chính những đóng góp của y tá Rây trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nghề, những tập quán, thói quen bao đời của người dân đã thay đổi. Cho đến bây giờ, cũng nhờ y tá Rây mà rất nhiều bản làng ở vùng cao Sơn Mùa nhớ như in câu: "Đói phải ăn rau, đau phải uống thuốc, sinh đẻ phải tới bệnh viện, trạm y tế".
Nói về y tá Rây, ông Đinh Văn Rót, Già làng Mang Tu La, quả quyết: "Y tá Rây là người tốt, sống rất thiệt bụng. Mấy chục năm nay nhờ y tá Rây mà người dân không còn bệnh nữa. Ai bị đau ốm đều tìm đến y tá Rây uống thuốc chữa trị, không mời thầy cúng nữa. Ai nghèo khổ, không biết làm kinh tế cũng nhờ y tá Rây dạy cách làm. Bà con chúng tôi ưng cái bụng lắm".
Niềm tự hào của Sơn Mùa Ông Đinh Xuân Tài, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Mùa, cho biết với những đóng góp to lớn trong suốt hơn nửa đời người, ông Đinh Văn Rây trở thành tấm gương sáng ở Sơn Mùa. "Dù y tá Rây đã về hưu nhưng ông vẫn hết lòng vì bà con, bản làng và được bà con tin yêu. Không chỉ tận tâm với nghề y, ông còn là người tiên phong, hướng dẫn bà con làm kinh tế, nuôi sống gia đình. Cũng nhờ đóng góp của y tá Rây trong mấy chục năm qua mà những hủ tục lạc hậu của bà con ở Sơn Mùa được bãi bỏ. Bây giờ không còn tình trạng tảo hôn hay mời thầy cúng khi có người đau ốm nữa. Tất cả nhờ công lớn của y tá Rây" - ông Tài nói. |
Cảnh báo sau bão
Dù đã được cảnh báo, bão số 12 vẫn khiến nhiều tỉnh Nam Trung Bộ thiệt hại nặng nề. Người chết, người mất tích, người ... |
NÓI THẲNG: Họ vì tiền chứ không vì nỗi đau đồng bào!
Đêm 4-11, cơn bão kinh hoàng số 12 trực chỉ TP Nha Trang. Đây là cơn bão rất lớn đe dọa hai tỉnh Phú Yên ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/doi-thay-tren-day-truong-son-20171109214743109.htm
Ngày đăng: 10:00 | 10/11/2017
/ Tử Trực/nld.com.vn