Hai vụ bê bối hối lộ khiến 2 bộ trưởng Nhật Bản phải từ chức cho thấy lằn ranh không chỉ là tiền, có khi chỉ là hoa quả và rau củ.
Tháng 10 năm trước, hai bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe từ chức sau chưa đầy 2 tháng đảm nhận chức vụ. Họ bị cáo buộc hối lộ cử tri.
Người đầu tiên là Isshu Sugawara, Bộ trưởng Thương mại bị cáo buộc gửi dưa hấu và cua - các sản phẩm được coi là khá đắt đỏ ở Nhật - cho những người ủng hộ. Tuần báo Shukan Bunshun viết rằng, thư ký của ông Sugawara đã trao 20.000 yên, tương đương 180 USD, tiền phúng viếng tới gia đình một người ủng hộ ông ở Tokyo. Văn phòng của ông cũng gửi hoa tới một số đám tang khác.
Ông Isshu Sugawara, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản bị cáo buộc gửi dưa hấu và cua cho những người ủng hộ |
Luật bầu cử của Nhật Bản cấm các chính trị gia tài trợ cho cử tri tại khu vực bầu cử của họ. Trong cuộc họp báo thường kỳ sau khi họp nội các, ông Sugawara cho biết, ông vẫn muốn xác định xem mình có vi phạm luật bầu cử như bị cáo buộc hay không. Nhưng ông nhấn mạnh, ông quyết định từ chức vì không muốn vụ bê bối này khiến một phiên họp quốc hội phải hoãn lại.
Đưa ra cáo buộc ông phát dưa hấu và cua cho người ủng hộ, phe đối lập đã kêu gọi ông Sugawara phải ra trước Quốc hội để giải thích. Ông là thành viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Abe, và là hạ nghị sỹ.
6 ngày sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai tuyên bố từ chức sau khi vợ ông bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử trong lúc chạy đua vào ghế thượng nghị sĩ. Ông bị cáo buộc tặng lại khoai tây cho một số người ủng hộ. Còn vợ ông bị cáo buộc trả cho những người hỗ trợ bà trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện hồi tháng 7 số tiền cao gấp đôi mức luật pháp cho phép.
Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai bị cáo buộc tặng khoai tây cho một số người ủng hộ |
Vào ngày 31/10, ông cho biết đã nộp đơn từ chức và Thủ tướng Shinzo Abe chấp nhận đơn. Ông Kawai nói rằng sẽ ra đi để tránh ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của công chúng đối với hệ thống tư pháp.
Cả 2 vị bộ trưởng khi đó không thừa nhận sai phạm, nhưng rời khỏi nhiệm sở nhanh chóng. Điều này cho thấy Thủ tướng Abe đã kiểm soát chặt chẽ bất kể điều gì có thể ảnh hưởng đến chính phủ của ông. Việc từ chức của 2 vị bộ trưởng cũng phản ánh văn hóa thượng tôn pháp luật. Ở Nhật Bản, trao tặng quà chính trị đơn giản là không được phép.
“Vấn đề không ở 10.000 yên hay 1 triệu yên”, Hiroshi Shiratori, giáo sư khoa học chính trị Đại học Hosei ở Tokyo lý giải. “Kể cả là 10 yên hay 100 yên, các chính trị gia sẽ gặp vấn đề nếu vi phạm quy định. Nghĩa là, chúng tôi là một quốc gia rất quy tắc và nghiêm túc”, ông Shiratori nói.
Người Nhật không chỉ chống tham nhũng, họ còn rất chú trọng việc tặng quà. Và đây có thể là một nguyên nhân khiến 2 vị bộ trưởng phải rời bỏ nhiệm sở. Tặng quà là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Bất kỳ người nào đi xa về cũng có quà kỷ niệm. Khách đến nhà không bao giờ đi tay không. Các công ty tặng quà vào giữa năm và cuối năm cho khách hàng. Những người mang tiền đến viếng đám ma giúp gia đình trang trải phần nào chi phí cũng đều nhận những món quà nhỏ đáp lại như trà hay rong biển.
Vi phạm nhỏ nhất cũng là nghiêm trọng
Xứ Anh đào đã đưa ra các quy định cực kỳ chặt chẽ về việc tặng quà dính dáng đến chính trị kể từ một số vụ bê bối liên quan tới số tiền hàng triệu USD làm rung chuyển Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980. Luật pháp Nhật Bản quy định hạn mức chính xác số tiền các ứng viên trả cho các nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử của họ. Những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng những nhân vật lắm tiền có thể giành được ưu thế không công bằng trong chính trị.
Cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka đã bị kết tội vào năm 1983 khi nhận hối lộ 2,1 triệu USD để dàn xếp thương vụ mua máy bay Lockheed cho hãng hàng không All Nippon Airways.
Vụ scandal năm 1988-1989 tập trung vào Recruit Cosmos, một chi nhánh của tập đoàn Recruit. Có rất nhiều người tham gia, từ chính khách hàng đầu, công chức, đại diện các hiệp hội và truyền thông. Họ đã mua cổ phiếu của công ty trước khi nó được lên sàn nhằm bán lại để kiếm lợi. Tiền được dùng trong các hoạt động mua bán đó được một công ty tài chính thuộc tập đoàn Recruit cho vay không lãi suất. Đổi lại, các công ty con của Recruit nhận được nhiều ưu ái của chính khách và quan chức. Vụ việc đã khiến Thủ tướng Takeshita phải từ chức năm 1989.
Năm 2014, Yuko Obuchi, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp đã đệ đơn từ chức sau khi bị cáo buộc lạm dụng quỹ chính trị. Bà bị cáo buộc tặng rượu cho cử tri và một trong số các nhóm ủng hộ bà sử dụng quỹ chính trị để mua vé nghe nhạc cho các thành viên của nhóm này. Bà còn dùng nguồn vốn từ các nhóm ủng hộ chính trị và các nguồn đóng góp khác để làm đẹp và mua các mặt hàng khác không liên quan đến chính trị cũng như không báo cáo 241.000 USD trong quá trình gây quỹ.
Vài giờ sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima từ chức với cáo buộc đã phân phát quạt giấy có in ảnh bà cùng các chính khách trong một lễ hội ở khu vực bầu cử của mình. Phe đối lập đã đệ trình khiếu nại hình sự và đòi nữ bộ trưởng phải từ chức với lập luận vi phạm luật bầu cử cùng như các quy tắc sử dụng quỹ chính trị.
“Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tốt cho nền dân chủ Nhật Bản, khi chính phủ cảm thấy rằng kể cả những vi phạm nhỏ nhất trong quy tắc tài chính tranh cử cũng bị coi là nghiêm trọng và hậu quả là sự từ chức của các bộ trưởng hàng đầu”, Phillip Y. Lipscy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu Nhật Bản tại Đại học Toronto đánh giá.
Còn theo Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật tại Washington, việc từ chức là cách để không cho phe đối lập có cơ hội tiến hành các thủ tục tố tụng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trả chức: Một kiểu phản ứng vô trách nhiệm? |
Từ chuyện lãnh đạo tỉnh xin thôi chức, nghĩ về tâm thế “từ quan“ |
Từ chức: Lạ mà không lạ |
Ngày đăng: 08:58 | 27/06/2020
/ vietnamnet.vn