Các di tích trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3, cũng như triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội cũng thực hiện rà soát lịch trình của du khách và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo trong dịp này.

Các di tích, điểm đến lên phương án bảo vệ
Trước cảnh báo nguy hiểm của cơn bão số 3, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL về việc bảo vệ di tích, bảo đảm an toàn cho du khách, ngày 22-7, khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã chủ động đóng cửa, tạm dừng hoạt động đón khách tham quan. Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Minh Thu cho biết Trung tâm đã lên các phương án phòng, chống bão từ sớm và chủ động thông báo lịch đóng cửa, tạm dừng đón khách. Các khu vực khảo cổ ngoài trời đã được bảo vệ, che đậy để không bị ảnh hưởng nếu có mưa gió lớn.
Tại khu vực Tháp Bút, đền Ngọc Sơn - nơi thường xuyên đón tiếp lượng khách đông - hiện cũng tạm dừng đón khách tham quan để tăng cường phòng, chống bão. Giám đốc Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về công tác bảo vệ di tích cũng như bảo đảm an toàn cho du khách.
“Hiện nay, hệ thống các di tích do chúng tôi quản lý đều tạm dừng đón khách để thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích và hiện vật. Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý được phân chia ca trực, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để phòng, chống bão. Đồng thời, lực lượng đoàn thanh niên cũng được huy động để sẵn sàng ứng phó, thực hiện ngay công tác vệ sinh môi trường, mở cửa đón khách khi bão tan”, ông Nguyễn Doãn Văn chia sẻ.

Trong khi đó, Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã sẵn sàng các phương án bảo vệ di tích và an toàn cho du khách. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu thông tin, để phòng chống bão, đơn vị đã thực hiện cưa bớt cành cây trong khuôn viên di tích, kiểm tra hệ thống điện lưới, bảo đảm che chắn cho khu văn bia không bị ảnh hưởng. “Chúng tôi quán triệt toàn thể nhân viên nâng cao cảnh giác trong phòng, chống bão và sẽ căn cứ tình hình thực tế để quyết định việc đóng cửa di tích”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Không chỉ các di tích, điểm du lịch tăng cường công tác phòng, chống bão, các đơn vị lữ hành Hà Nội cũng chủ động bảo đảm an toàn cho du khách. Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết đơn vị đã rà soát lịch trình các đoàn khách; những đoàn đến vùng có bão đều đã được đưa về an toàn. Các đoàn dự định đến những địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đều được khuyến cáo dời lịch khởi hành. Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho biết, đơn vị chủ động điều chỉnh hành trình, liên hệ khách để thông báo thay đổi hoặc hoãn lịch. Đội ngũ điều hành luôn trực 24/24 để hỗ trợ du khách trong mọi tình huống.
Chủ động xây dựng kịch bản an toàn
Hiện nay, bão số 3 đã ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… và đang tiến sâu vào đất liền, dự báo có thể gây mưa lớn tại Hà Nội từ trưa, chiều nay. Nhận định đây là cơn bão có đường đi phức tạp và có thể mạnh lên, nên ngay từ nhiều ngày trước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội liên tục ra văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn cho di tích và du khách.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, việc ứng phó với rủi ro thời tiết không còn là nhiệm vụ tạm thời mà phải tích hợp vào quy trình hoạt động thường xuyên của ngành. “Chúng tôi khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản xử lý khẩn cấp, đào tạo nhân lực ứng phó và nâng cao nhận thức của du khách trong mùa mưa bão”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý di tích, danh thắng tăng cường phòng, chống thiên tai. Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở đề nghị các xã, phường, đơn vị kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện trong di tích; chủ động triển khai phương án bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý; tạm dừng hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian có cảnh báo lũ. Ngoài ra, các đơn vị cần lập sơ đồ vị trí, thống kê di vật, hiện vật bị hư hại sau khi sự cố xảy ra.
Sở Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành không tổ chức tour đến vùng chịu ảnh hưởng của bão, đặc biệt chú trọng bảo vệ du khách quốc tế đang lưu trú. Các cơ sở lưu trú, điểm đến phải rà soát, kiểm tra an toàn, sẵn sàng tạm dừng hoạt động nếu cần thiết”.
Hiện nay, bão số 3 đã đi vào đất liền và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội. Để tránh những rủi ro đáng tiếc, các địa phương, đơn vị quản lý vẫn cần tăng cường các biện pháp phòng, chống, đồng thời nâng cao mức cảnh báo đến người dân và du khách.
Ngày đăng: 12:30 | 22/07/2025
Hoàng Lân / Hà Nội Mới