Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào ngày 8-11/8 với mục tiêu chính là xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Tại cuộc họp sáng 21/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đề xuất của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 8-11/8.
Các đại biểu đã thống nhất chọn phương án tổ chức thi THPT quốc gia nhưng tập trung vào mục tiêu chính là xét công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (xét tốt nghiệp THPT) nhằm đánh giá chất lượng học sinh cả nước.
Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo đúng Luật Giáo dục Đại học.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, kỳ thi vẫn phải đảm bảo được tổ chức nghiêm túc, khách quan, trung thực, và không nặng nề quá mức cần thiết.
So với năm 2019, phương án năm nay có phần khác biệt. Vai trò các trường đại học không được nhắc tới trong việc phối hợp tham gia các khâu tổ chức thi, coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Việc giao các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế gian lận thi cử như năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Việc xem xét tốt nghiệp là mục tiêu chính của kỳ thi THPT quốc gia cũng đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập, nhất là sau vụ gian lận điểm thi năm 2018. Tuy nhiên, hầu hết trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này là phương thức chính để tuyển sinh.
Lịch sử thi tốt nghiệp và đại học của Việt Nam. Đồ họa: Việt Chung. |
Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hiện hầu hết tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đến trường trước 15/6, kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng xem xét giảm nội dung, môn thi. Ngược lại, trong trường hợp bất khả kháng, kỳ thi có thể không được tổ chức, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao về cho địa phương.
Nhiều đại học đã lên phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng nếu kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức, như: Quốc gia Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Hàng hải.
Thi THPT mùa dịch Covid-19: Nên giữ hay bỏ?
Các ý kiến của cả chuyên gia và học sinh đều mong muốn giữ kỳ thi này để giảm xáo trộn cho học sinh khi ... |
Kịch bản cho kỳ THPT quốc gia trước đại dịch COVID-19
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dời lại hai lần vì ảnh hưởng của dịch ... |
Ngày đăng: 18:11 | 21/04/2020
/ vnexpress.net