Ngày càng có nhiều du học sinh Trung Quốc trở về nước và đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng tấm bằng đại học ở nước ngoài không còn là chìa khóa vàng

du hoc sinh trung quoc vo mong ngay tro ve
Học sinh Trung Quốc đăng ký tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Thủ đô Bắc Kinh

Bán nhà để du học

Đó là câu chuyện của Lin, một du học sinh Trung Quốc 26 tuổi. Cha mẹ Lin đã quyết định bán căn nhà của họ và đầu tư 1,2 triệu Nhân dân tệ cho việc học tập của con gái. Mặc dù điểm số kiểm tra tiếng Anh quốc tế IELTS của Lin không được cao, cô vẫn nhận được lời mời từ trường ĐH Monash ở Melbourne, Australia chuyên ngành Tài chính, lĩnh vực mà gia đình cô nghĩ rằng có thể giúp bảo đảm một công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

“Lúc biết cha mẹ bán nhà, trong lòng tôi đan xen những cảm xúc khó tả. Tôi tự nhủ phải cố gắng học thật chăm chỉ để không phụ lòng cha mẹ” - Lin tâm sự. Tuy nhiên, thực tế không thuận buồm xuôi gió như Lin nghĩ. Cô bị trượt một môn tốt nghiệp và buộc phải chuyển sang trường khác học cho hoàn thành chương trình.

Trầy trật mãi, sau 6 năm học tập vất vả tại Australia, Lin tốt nghiệp năm 2017 và về nước để lập nghiệp với mơ ước một vị trí việc làm xứng đáng. “Tôi không thể chờ thêm được nữa. Tôi muốn đi làm ngay. Tôi đã mất tới 6 năm để học, tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của cha mẹ trong khi các bạn của tôi đã đi làm được 2, 3 năm rồi” - Lin cho biết và giữ một tâm trạng vô cùng tự tin khi nộp hồ sơ. Nhưng thực tế đã dạy Lin một bài học khắc nghiệt.

Trở về làm việc với mức lương “bèo bọt”

Khi đi phỏng vấn xin việc, một công ty tuyển dụng chính thức hỏi Lin những địa chỉ liên lạc có thể giúp cô ấy trong công việc. Cô gái trẻ Lin không có bất kỳ mối liên hệ, kinh nghiệm thực tế nào để phục vụ cho công việc tại Trung Quốc do 6 năm sống bên Australia. Kết quả, nhà tuyển dụng đã không chọn cô. Sau gần 1 năm tìm kiếm, cuối cùng Lin cũng có một công việc marketing, gặp gỡ khách hàng và giới thiệu sản phẩm, tuy nhiên, mức lương hiện tại của cô không thể bù đắp khoản học phí cũng như chi phí sinh hoạt suốt 6 năm qua.

Theo thống kê của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mức lương khởi điểm trung bình cho du học sinh Trung Quốc khi về nước làm việc đã giảm từ 10.000 Nhân dân tệ (1.530 USD) xuống còn 6.000 Nhân dân tệ, không nhiều hơn so với các sinh viên đào tạo trong nước được hưởng.

Thậm chí, có người chỉ được hưởng mức lương khoảng 3.500 Nhân dân tệ, một con số quá thấp so với chi phí để được học tại các trường đại học nước ngoài như Mỹ, Anh hay Australia không dưới 300.000 Nhân dân tệ. Theo một cuộc khảo sát của cơ quan truyền thông Trung Quốc, 28% du học sinh khi được hỏi cho biết họ được đề nghị nhận mức lương khoảng 6.000 Nhân dân tệ/tháng cho công việc trong nước; 40% được đề nghị khá hơn, từ 6.000 tới 8.000 Nhân dân tệ.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ hai vấn đề:

Một là, theo thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, năm 2016 đã chứng kiến mức cao kỷ lục của 432.500 du học sinh về nước. Khi ngày càng nhiều người về nước, áp lực cạnh tranh giữa những người mới về và người trong nước sẽ ngày càng tăng. Nhà tuyển dụng cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn, không vì tấm bằng ngoại quốc mà bỏ đi một người tìm việc được đào tạo trong nước có năng lực thực sự.

Hai là, chất lượng đào tạo của các trường đại học trong nước ở Trung Quốc đang ngày càng được nâng cao. Sản phẩm đào tạo là các sinh viên ưu tú, có cơ hội được cọ xát thực tế trong nước nhiều hơn các du học sinh. Cùng với đó, chính sách phát triển kinh tế đã khiến các du học sinh háo hức muốn quay về cống hiến với hy vọng tìm được vị trí việc làm lương cao.

http://anninhthudo.vn/the-gioi/du-hoc-sinh-trung-quoc-vo-mong-ngay-tro-ve/741033.antd

Ngày đăng: 06:05 | 13/09/2017

/ An ninh thủ đô