Chăm chỉ làm việc nhưng không quá nhẫn nhịn, và nhanh học tiếng bản xứ là cách mà nhiều du học sinh khuyên bảo nhau khi đi làm bán thời gian tại Nhật Bản.
Du học sinh đi làm thêm tại Nhật Bản, nếu may mắn sẽ gặp được quản lý có trách nhiệm, chỉ dạy tận tình. (Ảnh minh họa) |
“Tôi vừa chân ướt chân ráo sang Nhật du học. Gia đình cũng không phải dạng khá giả nên tôi lập tức tìm việc làm thêm và được nhận vào làm nhân viên phục vụ quán. Trong quán, từ quản lý tới các nhân viên người Nhật đều khá khắt khe với người nước ngoài, không chỉ tôi mà còn cả với những bạn là du học sinh của các nước khác đi làm thêm. Những nhân viên người Nhật thường được ưu ái hơn, và họ bắt tôi làm công việc khó khăn, liên tục bận rộn như pha chế, rửa chén.
Thời gian đầu, tôi luôn cố gắng làm thật tốt mọi việc, một phần là muốn để lại ấn tượng tốt trong mắt người Nhật. Thế nhưng dù tôi làm có tốt thế nào thì họ vẫn tìm cách bắt bẻ, thậm chí xúi nhau dồn hết công việc cho tôi. Đến một hôm, tôi quá mệt mỏi và áp lực, tôi đã dùng hết “vốn liếng” tiếng Nhật đã được học để từ chối. Tôi cứ nghĩ rằng sẽ bị sa thải ngay lập tức, không ngờ, sự phản ứng ấy lại có hiệu quả, vì bình thường tôi làm việc tốt hơn nhân viên người Nhật. Cũng từ đó, tôi không còn bị các nhân viên khác dồn việc, không bị quản lý soi mói, bắt lỗi nhỏ nhặt nữa. Điều đó cũng giúp tôi tự tin hơn rất nhiều”. Đó là tâm sự của Phương Nhi, một nữ sinh Việt trong những ngày đầu vừa sang Nhật du học.
Chuyện các du học sinh nước ngoài bị chèn ép khi đi làm thêm thực không hiếm gặp ở Nhật. Nhất là với những du học sinh vừa sang, không biết tiếng Nhật và không hiểu văn hóa của người Nhật.
Hoàng Thị Phương Thảo sang Nhật đã hơn 1 năm. Khi vừa sang, vì không biết tiếng nên Thảo cũng gặp khá nhiều áp lực công việc, lẫn cách đối xử của cấp trên. Vừa học tiếng trên lớp, vừa làm phục vụ ở quán nên tiếng Nhật của Thảo khá lên trông thấy. Tuy nhiên, khi cảm thấy công việc làm thêm quá áp lực, Thảo quyết định nghỉ, rồi đi làm phiên dịch giúp những lao động Việt tại Nhật. Thảo cho biết, trong thời gian đi làm phiên dịch, tôi gặp rất nhiều người Việt chịu thiệt thòi, có khi là bị cấp trên bắt nạt, đánh đập, có khi là ốm đau, phải đi viện nhưng không thể giao tiếp, không có hướng dẫn nên mất nhiều thời gian, công sức.
“Một vài người Nhật không thích người nước ngoài và phân biệt khá đối xử. Vì vậy, điều mà các du học sinh đi làm thêm nên cố gắng học là tiếng Nhật. Trong khoảng thời gian làm phiên dịch cho lao động Việt, tôi gặp cả những vấn đề khá tế nhị. Suy cho cùng, lao động Việt Nam mình là khổ nhất, vì người Nhật cũng biết Việt Nam là nước nghèo nên trả lương cho lao động khá rẻ”, Phương Thảo cho biết.
Thái Việt Hà cũng từng gặp phải tình trạng bị chèn ép vì chưa thạo tiếng Nhật. Hà chia sẻ: “Đi làm thêm ở Nhật, nếu gặp được những người hiền lành, họ sẽ chỉ dạy cho mình tận tình và trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu gặp phải những người hay kỳ thị lao động nước ngoài thì suốt ngày bị họ soi mói. Trước đây tôi cũng làm thêm ở quán thịt nướng, chỉ có một mình tôi chạy bàn. Có những lúc không hiểu hết ngôn ngữ của họ là tôi lại bị nhìn với ánh mắt khinh miệt. Thêm vào đó, mỗi ngày quản lý lại chỉ việc theo mỗi kiểu. Khi công việc dồn vào tôi quá nhiều, tôi đành phải xin nghỉ”.
Tại Nhật Bản, du học sinh chỉ được phép làm tối đa 4h/ngày, 28h/tuần, nhằm đảm bảo sức khỏe để tập trung vào việc học. Đôi khi, trong một vài trường hợp, công việc đòi hỏi các bạn phải làm xong hết mới được phép tan ca, dù vượt quá thời gian quy định nhưng nếu không biết tiếng bản xứ sẽ không biết làm cách nào để trao đổi, giải quyết. Chính vì vậy, tầm quan trọng của việc có thể sử dụng tiếng bản xứ là một lợi thế hàng đầu đối với du học sinh.
Chị Thanh Thanh cho rằng: “Khi biết tiếng Nhật và có chính kiến riêng thì sẽ không ai dám bắt nạt bạn. Hồi tôi mới sang, đi làm thêm ở quán cũng bị chèn ép. Nhưng khi tôi biết tiếng Nhật và làm việc nghiêm túc thì chẳng còn ai nói gì, thậm chí, quản lý còn “nể” hơn một số người bản xứ”.
Ngày đăng: 19:15 | 19/10/2019
/ vietnamnet.vn