Tạp chí The Econmist (Anh) dự báo: Cam, cà phê và kim loại uranium sẽ là những loại hàng hóa có giá ‘đắt như tôm tươi’ trên thị trường toàn cầu năm 2025.
Trong số báo mới nhất của tạp chí kinh tế The Economist (Anh), các chuyên gia đã đưa ra nhận định về giá hàng hóa trong năm 2024 và dự báo về thị trường hàng hóa trong năm 2025.
Tờ The Economist dự báo, cà phê sẽ tiếp tục là mặt hàng 'đắt giá' trong năm 2025. Ảnh: Bloomberg |
Theo các chuyên gia, trong suốt năm 2024, giá hàng hóa toàn cầu đã bị chi phối bởi nhu cầu thấp từ các nền kinh tế lớn. Trong đó, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, trong khi tình hình kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới, cũng không mấy khả quan.
Chính vì vậy, giá của các mặt hàng nhiên liệu như than đá và khí đốt tự nhiên vẫn ở mức trước khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu vào năm 2022. Tờ The Economist dự đoán, đối với nhiều mặt hàng, triển vọng tăng trưởng ảm đạm sẽ kéo dài đến năm 2025.
Theo tạp chí của Anh, giá dầu thô thậm chí có thể rẻ hơn trong năm 2025, bất chấp căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, do các nhà sản xuất bên ngoài khu vực này tiếp tục tăng sản lượng. Dù là thành phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, giá kim loại đồng được dự báo sẽ tiếp tục bất ổn, do những lo ngại ngắn hạn về thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ The Economist nhận định, đối với một nhóm nhỏ hàng hóa, giá sẽ tăng bởi lo ngại về nguồn cung, do có nhiều sự gián đoạn trong thị trường. Theo tạp chí này, 3 hàng hóa đó là: Cam, cà phê và kim loại uranium.
Cam là một mặt hàng tối quan trọng trong đời sống nhiều nước phương Tây, do thói quen uống nước cam của nhiều người dân. Trong năm 2024, Brazil chiếm 70% sản lượng nước cam toàn cầu, nhưng São Paulo, tiểu bang có năng suất cao nhất tại quốc gia này, lại phải đối mặt với nạn hạn hán nghiêm trọng. Cùng lúc đó, bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam, vốn làm quả đắng và chết cây, đã rộng ra khắp các nước trồng cam trên thế giới.
Tháng 5 năm nay, giá hợp đồng tương lai nước cam tại New York đã phá vỡ kỷ lục, tạo ra lo ngại cho những nhà sản xuất đồ uống. Trong khi đó, nhiều chuyên gia dự đoán rằng sẽ mất nhiều năm trước khi những cây cam mới có thể ra quả, trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng phương Tây sẽ tiếp tục tìm mua nước cam. Do đó, The Economist nhận định, tình trạng giá cam chịu ‘sức ép’ sẽ tiếp tục.
Thị trường cho ngành cà phê cũng đang rất ‘lo lắng’. Vào năm 2024, giá cà phê Arabica đạt mức cao nhất trong một thập kỷ sau một đợt sương giá trái mùa làm tổn hại đến năng suất ở Brazil, quốc gia sản xuất 40% nguồn cung của hạt cà phê này. Điều đó đã tạo ra nhu cầu cao hơn đối với hạt cà phê robusta, vốn thường được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan. Do đó, nhiều nhà sản xuất cà phê hảo hạng đã bắt đầu bổ sung Robusta vào các gói cà phê pha trộn của mình.
Tuy nhiên, hạn hán lớn cũng đã ảnh hưởng đến giá cà phê từ Việt Nam, nơi có sản lượng cà phê robusta lớn nhất toàn cầu. Các vấn đề về gián đoạn vận chuyển do các cuộc tấn công tại khu vực Biển Đỏ đã làm tăng thêm áp lực đối với giá cà phê. Tuy lượng mưa tại một số khu vực trồng cà phê đã cải thiện vào dịp cuối năm, nhưng lượng dự trữ của cả robusta lẫn arabica vẫn ở mức thấp.
Nhưng theo The Economist, như cầu của kim loại uranium trong năm 2025 lớn hơn rất nhiều so với cà phê và cam, do các nhà máy điện hạt nhân đang đóng vai trò ngày cáng lớn tại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác, đặc biệt với vai trò là nguồn năng lượng phác thải khí carbon thấp.
Nhưng khả năng gián đoạn nguồn cung của kim loại này cũng là rất lớn. Vào tháng 8, công ty Kazatomprom, nơi sản xuất 20% nguồn cung cấp uranium của thế giới tại Kazakhstan, đã cắt tuyên bố sẽ cắt giảm 19% mục tiêu sản lượng trong năm 2025. Ngay sau đó, Tổng thống Vladimir Putin đã ám chỉ rằng Nga, nơi có công suất làm giàu 44% lượng uranium toàn cầu, có thể hạn chế xuất khẩu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, các vấn đề về logistics và tình hình địa chính trị phức tạp cũng có thể gây ra nhiều bất ổn trên thị trường kim loại này.
Ngày đăng: 09:04 | 24/11/2024
Phú Quý / Báo Công Thương