Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng mới đây đã có báo cáo về tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội. Theo đó, Bộ GTVT cũng nêu rõ một số khó khăn vướng mắc khiến tiến độ hoàn thành của Dự án sân bay Long Thành có thể khó về đích đúng hẹn.
Điểm mặt khó khăn của từng giai đoạn
Theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Diện tích đất của dự án là 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không là 2.750ha; diện tích đất cho quốc phòng là 570ha, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quân sự và hàng không dân dụng là 480ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha.
Dự án dự kiến triển khai trong 3 giai đoan gồm: Giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 gồm hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.
Được chính thức khởi công từ ngày 5/1/2021 đến nay, sau hơn 3 năm xây dựng, dự án thành phần 1 hiện tại, ngoài trụ sở trạm kiểm dịch động/thực vật chưa được bố trí vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai; các công trình cơ quan Quản lý nhà nước khác đã được triển khai, đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp, thời gian chuẩn bị dự án mất khoảng 6-12 tháng, thời gian thi công khoảng 12-18 tháng, nên dự kiến vẫn bảo đảm hoàn thành các công trình để khai thác đồng bộ cùng dự án tổng thể...
Với mục tiêu hoàn thành dự án trước năm 2025, thời gian thi công gói thầu trong 33 tháng là một thách thức rất lớn khi tổ chức công tác đấu thầu. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật là một quá trình cạnh tranh (rất khó dự báo) đảm bảo tính công khai, minh bạch đảm bảo mục tiêu lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực hiện gói thầu. Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo ACV để có thể lựa chọn được nhà thầu thi công đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên kết quả đấu thầu lần 1 không thành công.
Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ
Trước thực tế trên, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát toàn bộ công tác triển khai đấu thầu lần 1, đánh giá các nguyên nhân chủ quan, khách quan; cơ sở thực tiễn, pháp lý, căn cứ vào kết quả đấu thầu lần 1 trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ. Theo đó, ngày 23/8/2023, Tổng Công ty Cảng HKVN-CTCP đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu; theo tiến độ hợp đồng gói thầu Nhà ga hành khách sẽ hoàn thành vào tháng 11/2026. Đối với các Gói thầu còn lại, Chủ đầu tư ACV đang triển khai đáp ứng tiếp độ yêu cầu.
Việc triển khai đồng loạt các gói thầu tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong quá trình thi công, Chủ đầu tư ACV đã chủ động phân kỳ triển khai các gói thầu để giảm thiểu xung đột; đồng thời vẫn đảm bảo tiến độ hoàn thành và khai thác đồng bộ giữa các hạng mục khác của Dự án, theo đó ACV đã điều chỉnh kế hoạch lựa chọn Nhà thầu một số gói thầu để đảm bảo mục tiêu đồng bộ khai thác với Nhà ga hành khách, quyết tâm hoàn thành trước 31/8/2026 (rút ngắn 3 tháng so với tiến độ hợp đồng). Với riêng dự án thành phần 4, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và lần đầu tiên tổ chức công tác lựa chọn Nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng không, tiến độ DATP4 đang chậm so với kế hoạch, đây đang là đường Gantt mới của dự án.
Để có thể lựa chọn được nhà đầu tư các có năng lực, kinh nghiệm tốt nhất, đã tham gia đầu tư vào các sân bay hàng đầu trên thế giới thành công; ưu tiên nhà đầu tư Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng sân bay mang tầm cỡ của thế giới, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT xây dựng hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tiên quyết, các tiêu chí về kỹ thuật, năng lực, vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế, với ưu tiên về yêu cầu kỹ thuật...
Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tiến độ hoàn thành của dự án chưa đáp ứng theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 (chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác). Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan, các chủ đầu tư (VATM, ACV) nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với nội dung trên.
https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/du-an-san-bay-long-thanh-kho-ve-dich-dung-hen-i746488/
Ngày đăng: 09:20 | 08/10/2024
Đặng Nhật / CAND