Đề nghị xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các sai phạm trong sử dụng vốn vay ODA và xử lý theo quy định.
Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong sử dụng vốn vay ODA
Sáng 9/8, phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Ông Nguyễn Đức Hải. Ảnh: QH
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Đức Hải cho biết, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD. Trong số vốn vay đã đàm phán, ký kết, phần sử dụng để cấp phát cho các chương trình, dự án đầu tư không có khả năng hoàn vốn thuộc nhiệm vụ chi của NSNN khoảng 21,5 tỷ USD; cho vay lại khoảng 11,8 tỷ USD. Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của Bộ, ngành trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng).
Đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Tuy vậy, đoàn giám sát cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Điển hình như công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn trong nhiều trường hợp chưa sát với nhu cầu thực tế khiến vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua; có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn.
Cùng đó, chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Một số dự án có thời gian vận động, thu hút nhà tài trợ kéo dài 3-5 năm làm mất tính cấp thiết, lạc hậu về công nghệ. Ví dụ, dự án Metro TP.HCM vay của chính phủ Đức có tổng số vốn vay theo hiệp định là 137 triệu euro. Hằng năm phải trả phí cam kết 342.500 euro; tổng số phí cam kết phải trả cho dự án đến ngày 31/12/2016 là 1,358 triệu euro.
Ông Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập chủ yếu do công tác GPMB khó khăn, địa hình phức tạp...dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Đặc biệt, việc phân công, phân nhiệm nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau dẫn đến tình trạng quản lý phân tán và không gắn trách nhiệm đi vay và trách nhiệm trả nợ, trách nhiệm quản lý và giải trình chưa rõ…
Ông Hải lưu ý, Việt Nam đã tốt nghiệp IDA năm 2017, tốt nghiệp ADF từ năm 2019, xu hướng phải tiếp cận với các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn, trong khi nợ công, nợ Chính phủ tăng cao, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần.
Vì thế, đoàn giám sát kiến nghị, đối với Chính phủ, đề nghị chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan ba năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch tài chính năm năm; chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của 1.155 dự án sử dụng vốn vay ODA theo Luật Đầu tư công.
Đối với những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng. Những dự án đã triển khai, cần đánh giá nửa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục. Những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án.
Đặc biệt, đoàn giám sát đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi để xảy ra các sai phạm và xử lý theo quy định.
Giảm dần vay ODA vì hiệu quả không cao
Tham gia thảo luận tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, cho rằng hiện nay vốn vay quá nhiều, vượt cả khả năng hấp thụ là khoảng 40 USD/người. Đồng ý là nghèo phải đi vay, song theo ông Dũng nên giảm dần.
“Hàn Quốc tỉ lệ vay ODA cao nhất cũng khoảng 10 USD/người. Nhiều nước khác đều thấp hơn. Cả Lào và Campuchia cũng đều giảm dần vay ODA” - ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói ý kiến của ông Dũng rất hay, nhưng “làm ngay thì rất là gay”. “Đi vay cũng khó. Nên đưa ngay nhận định giảm dần hay tăng cường đều phải thận trọng” - ông Hiển nói.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét có dự án vốn đội lên gấp hai lần định mức. “ODA, nhà nghèo thì phải đi vay nhưng phải giảm dần và tiến tới thôi không vay, chứ hiệu quả không cao lắm” - ông Phúc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lại chỉ ra ba vấn đề: "Thủ tục lâu do con người hay cơ chế, hay do năng lực? Xài tiền có phí không trong các dự án ODA này? Dự án xã hội nói là khó đánh giá nhưng nước ngoài người ta có tiêu chí đánh giá rất cụ thể.
Đơn vị nào chịu trách nhiệm đánh giá? Đề nghị Chính phủ xác định rõ ai chịu trách nhiệm theo dõi đánh giá các dự án ODA” - ông Bình bày tỏ.
Được biết báo cáo của đoàn giám sát về vấn đề này đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương.
Hết thời “tay không bắt giặc”
Vốn chỉ hơn 22 tỷ, chủ đầu tư huy động đến 221 tỷ. Đúng kiểu “tay không bắt giặc”. |
Dự án đường nghìn tỷ 7 năm vẫn ngổn ngang, đội vốn: Bitexco nói gì?
Sau khi Dân Việt đăng chùm ảnh phản ánh về thực trạng dự án đường BT quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ... |
Thanh tra kết luận nhiều dự án \'đội vốn\' ở Hải Phòng
Thanh tra kết luận hàng loạt dự án xây dựng ở Hải Phòng "đội vốn", tuy nhiên thành phố nêu ra nhiều nguyên nhân để ... |
Ngày đăng: 10:04 | 10/08/2018
/ http://baodatviet.vn