Sau ngày khởi công 25-6-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội khẩn trương phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tìm nguồn vật liệu phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng, các nhà thầu đã chủ động huy động nhân lực, máy móc thi công đồng loạt trên toàn tuyến...
Tổ chức 14 mũi thi công
Chủ động và khẩn trương là không khí trên công trường thi công các gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 2.1 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Các nhà thầu huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật, 35 máy đào, 25 lu rung, 20 máy ủi, 3 dây chuyền cọc khoan nhồi… Giám đốc điều hành gói thầu số 11/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1 Trần Viết Sơn cho biết, nhà thầu hiện đang tập trung bóc phần đất hữu cơ lên khuôn đường, đắp nền đường K95, xử lý nền đất yếu, thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm…
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, Dự án thành phần 2.1 có tổng chiều dài khoảng 58,2km, đi qua địa phận 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín. Trên toàn tuyến tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Hiện dự án đã thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Đơn vị thi công phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng thẩm định Nhà nước ra thông báo thẩm định, làm cơ sở để UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong quý IV-2023.
Quyết liệt giải phóng mặt bằng, chủ động vật liệu
Cũng theo ông Nguyễn Chí Cường, Ban quản lý dự án và các địa phương liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Tính đến cuối tháng 9-2023, Ban quản lý dự án nhận mặt bằng được 643,43/706,71ha (đạt 91,04%). Ban đề nghị các quận, huyện khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng đã hoàn thành công tác bồi thường ngoài thực địa để làm cơ sở bàn giao cho các nhà thầu xây dựng kế hoạch và tổ chức thi công.
Công tác xây dựng các khu tái định cư cũng đang được khẩn trương triển khai. Đến nay, đã có 7/13 khu được khởi công.
Liên quan đến mỏ vật liệu phục vụ dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, các cơ quan có thẩm quyền tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã tích cực lên phương án, tính toán nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu. Theo tính toán, với Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 (do thành phố Hà Nội thực hiện), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu mét khối, trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu mét khối; cát đắp khoảng 5,53 triệu mét khối.
Chủ đầu tư đã khảo sát 17 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 57,24 triệu mét khối tại địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, 3 mỏ đất trên địa bàn thành phố Hà Nội (trữ lượng khoảng 7,1 triệu mét khối) chưa được duyệt do nằm trong quy hoạch rừng sản xuất. Trước mắt, Hà Nội sẽ sử dụng đất đắp tại các mỏ thuộc địa phương lân cận đã đủ thủ tục khai thác như 4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ tại tỉnh Thái Nguyên; 1 mỏ tại tỉnh Hòa Bình.
Với cát đắp nền, chủ đầu tư tổ chức khảo sát tổng số 32 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 75,5 triệu mét khối (Hà Nội 24 mỏ, Hòa Bình 1 mỏ, Phú Thọ 7 mỏ). Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 mỏ đang hoạt động khai thác; 6 mỏ đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng khoảng 16,37 triệu mét khối; 11 mỏ nằm trong quy hoạch (trữ lượng ước khoảng 22,69 triệu mét khối).
Về cơ bản, vật liệu cát san lấp, đắp nền trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện dự án.
Kế hoạch vốn bố trí cho dự án là hơn 9.178 tỷ đồng (trong đó có hơn 9.148 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố và hơn 29,9 tỷ đồng ngân sách trung ương). Tính đến cuối tháng 9-2023, dự án giải ngân được hơn 6.253 tỷ đồng (đạt 68,1% kế hoạch). Trong đó, Ban quản lý dự án giải ngân 790,139 tỷ đồng và các quận, huyện giải ngân hơn 5.473 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố).
Ngày đăng: 08:36 | 12/10/2023
Tuấn Lương / HNM.com.vn