Tính đến thời điểm này, chưa có một dự án đường sắt đô thị nào ở Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Người dân thì vẫn ngóng chờ phương tiện vận tải công cộng này, bởi nó được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu ích với người dân Thủ đô. Thế nhưng, hàng loạt dự án đường sắt đô thị trên cao vẫn ngổn ngang trăm bề…
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội: Nhiều hạng mục chậm tiến độ
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, từ khi Hà Nội bắt đầu thực giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục duy trì thi công cả 9 gói thầu. Trung bình mỗi ngày, trên công trường có khoảng 530 người thi công. Dự án tập trung thi công các hạng mục thuộc gói thầu về thi công lắp đặt thiết bị và thực hiện các thử nghiệm vận hành các đoàn tàu đoạn trên cao và Depot; hoàn thiện ga trên cao, thi công ga ngầm…
Dự án có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, với mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Thế nhưng, theo Ban Quản lý dự án, tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020-2021 ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Đến nay, dự án mới đạt 74% tiến độ tổng thể, riêng đoạn 8,5km trên cao từ Depot Nhổn tới ga S8 Cầu Giấy đạt 89,4%. Trong khi đó, một số gói thầu như hệ thống thẻ vé, lắp đặt thiết bị tại Trung tâm điều hành OCC, đào tạo nhân sự đang bị chậm tiến độ.
Gói thầu CP9 (thẻ vé, thiết bị kiểm soát thẻ vé tự động; thiết lập và điều khiển hệ thống dữ liệu tại trung tâm điều hành OCC tại Depot) dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2021, nhưng cách đây vài ngày mới vận chuyển xong thiết bị về dự án.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 kéo theo việc nhập khẩu thiết bị, huy động chuyên gia nước ngoài bị ảnh hưởng. Các công trường cũng không thể huy động toàn bộ nhân lực thi công để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Dự án đang tiếp tục nỗ lực cao nhất để thi công các gói thầu trong điều kiện vừa làm vừa chống dịch. Tuy vậy, khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021.
Một số chuyên gia đường sắt nhận định, khối lượng tổng thể công việc còn lại của đoạn 8,5km trên cao Nhổn - Ga Hà Nội không quá lớn, song lại là các hạng mục thiết bị quan trọng có tính chất quyết định đến việc vận hành khai thác dự án. Hệ thống điều khiển, nhân sự điều hành tại Trung tâm điều hành OCC của dự án có vai trò quan trọng. Sau khi hoàn thành lắp đặt hệ thống này mới có thể thử nghiệm, đánh giá toàn hệ thống thông tin, tín hiệu trong điều kiện đoàn tàu vận hành trên tuyến. Thời điểm này, các hạng mục trên bị chậm tiến độ sẽ rất khó để hoàn thành, khó đưa dự án vào khai thác vận hành vào cuối năm nay…
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Chưa hẹn ngày khai thác thương mại
Dù đã chạy thử toàn tuyến khá nhiều lần, song đến nay khi đã bước sang tháng cuối cùng của quý III-2021, dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại vì mới đây, UBND TP Hà Nội đã có công văn báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, trong đó nêu quan điểm đồng thuận với các giải pháp khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với 9/16 vấn đề, phát hiện của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Tư vấn ACT - Pháp), nhằm bảo đảm các điều kiện vận hành, khai thác dự án theo báo cáo của UBND TP.
Về việc phê duyệt Quy trình vận hành, khai thác gồm 166 quy trình, TP Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất tại Văn bản 281/TB-VP. Cụ thể, quy trình vận hành khai thác dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, đây là dự án thí điểm do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được thực hiện công nghệ mới theo tiêu chuẩn Trung Quốc, lần đầu tiên được đưa vào vận hành khai thác, chưa được đánh giá một cách toàn diện, liên quan nhiều lĩnh vực; các đơn vị thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt chưa nhiều kinh nghiệm.
UBND TP Hà Nội là đơn vị sử dụng, khai thác, vận hành (giao cho Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội – Hanoi Metro). Trên cơ sở quy trình vận hành khai thác do Tổng thầu EPC lập, Bộ GTVT có văn bản thống nhất chấp thuận 166 quy trình vận hành khai thác và tiếp tục giao Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC, Hanoi Metro, Tư vấn vận hành Metro Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện, theo dõi, cập nhật, đề xuất điều chỉnh bổ sung trong thời gian 1-2 năm (song song với thời gian bảo hành). Sau đó, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp xem xét, phê duyệt.
Như vậy, toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước theo quy định. Bộ GTVT kiến nghị Hội đồng Kiểm tra Nhà nước xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án làm cơ sở tiến hành bàn giao công trình, đưa vào vận hành khai thác. Thế nhưng, kể từ khi khởi công chính thức vào ngày 10/10/2011 đến nay, câu hỏi đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi nào chạy chính thức vẫn chưa có đáp án.
Cần rà soát thủ tục, tiến độ bảo đảm tính khả thi Hai Bộ GTVT (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội góp ý thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án hạ tầng kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tuyến 3.2) và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của các nhà tài trợ nước ngoài kết hợp vốn đối ứng của thành phố. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn lực trong nước khó khăn, việc huy động các nguồn vốn (nhất là các nguồn viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ quốc tế) để thực hiện nghiên cứu chuẩn bị đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, tiến độ dự kiến của dự án là từ năm 2021-2023. Bộ GTVT đề nghị TP Hà Nội rà soát trình tự, thủ tục thực hiện, các mốc tiến độ bảo đảm tính khả thi.
Đặng Nhật
Ngày đăng: 10:32 | 04/09/2021
/ cand.com.vn