Dự án đội vốn 2-3 lần còn được chứ đội tới 36 lần thì quá kinh khủng
ĐBQH Bùi Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình xác nhận, có thực trạng hàng chục dự án nghìn tỷ tại địa phương này bị đội vốn lên gấp nhiều lần.
Hình ảnh nạo vét dòng sông Sào Khê. Ảnh: VOV |
Đó là, dự án Nạo vét sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy với chiều dài 77km) nhằm thoát lũ Hoàng Long theo Quyết định 896 ngày 30/9/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Dự án được phê duyệt năm 2010 với số vốn từ ngân sách nhà nước là 2.078 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Ninh Bình giao chỉ định thầu cho Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình thực hiện, mặc dù theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012, dự án Nạo vét sông Đáy không được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu và Nghị định 58 (2008).
Sau khi chỉ định thầu cho Tập đoàn Xuân Thành, chỉ vài năm sau mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh thành 9.720 tỷ đồng, tăng 7.642 tỷ. Trung bình, nạo vét 1km sông Đáy sẽ tốn khoảng 126 tỷ đồng.
Tập đoàn Xuân Thành cũng là nhà thầu lớn ở Ninh Bình, đã trúng thầu nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh này với mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các dự án nâng cấp Quốc lộ 10 (đội vốn hơn 850 tỷ), dự án Xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT477B (đội vốn hơn 1.100 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn (đội vốn hơn 2.150 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân (đội vốn hơn 560 tỷ), dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long (đội vốn hơn 430 tỷ đồng)…
Nhận định về hiện tượng trên, ông Bùi Văn Phương giải thích, đó là thực trạng chung trong đầu tư công ở những giai đoạn chưa có Luật Đầu tư công.
"Tình trạng này không phải chỉ xảy ra ở Ninh Bình, mà là hiện tượng chung của cả nước, địa phương nào cũng có. Vấn đề bây giờ là rà soát lại từng dự án xem việc đội vốn đó là đúng hay sai? Có phù hợp hay không?", ông Phương nói.
Cũng theo ông Bùi Văn Phương, trong các dự án đội vốn nghìn tỷ được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tại Quốc hội, có dự án nạo vét sông Đáy tại Ninh Bình đội vốn từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đang gây nhiều bức xúc.
Đại biểu Ninh Bình lý giải: Vì dự án dòng sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư, bến sông Sào Khê ngày xưa là nơi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long. Và nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư để tôn tạo cố đô Hoa Lư.
Lý do thứ hai, theo ông Phương, là sông Sào Khê chảy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình, là vùng trọng điểm du lịch nên dự án được điều chỉnh với 4 mục tiêu: phục vụ nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ cho giao thông thủy, du lịch.
"Trong 2.600 tỉ chỉ có 1.400 tỉ từ ngân sách nhà nước, còn lại từ doanh nghiệp và các nguồn khác", ông Bùi Văn Phương nói.
Được biết, dự án này đã kéo dài 17 năm (từ năm 2001), được giao cho Công ty Xây dựng Xuân Trường thực hiện và đến nay chưa hoàn thành.
Tốt nhất nên thanh tra
Câu chuyện dự án đội vốn của Ninh Bình đã trở thành đề tài tranh luận gay gắt tại hội trường Quốc hội ngày 28/5.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói thẳng, cử tri nhìn dự án Sào Khê mà giật mình vì việc "nở" vốn đầu tư quá sức tưởng tượng. Cả thế giới khó tìm được loại bột nở nào như dự án này.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng chỉ thẳng tình trạng "đầu chuột, đuôi voi" rất phổ biến, có thật ở nhiều nơi. Khi xin thì rất ít, nhỏ nhỏ, bé bé, khi làm thì nở dần, nở dần. Thử hỏi nở vậy thì biết lấy tiền đâu để bù vào?".
Đại biểu Trí cũng không đồng ý cách giải thích chỉ có 1.400/2600 tỉ là tiền Nhà nước, vì tiền nào cũng là tiền, việc nở vốn gấp 36 lần thì quá kinh hoàng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói ngay, việc dự án đội vốn đến 36 lần là trái ngược với hoàn cảnh Ninh Bình là địa phương có số nợ đọng lớn đến 5.900 tỉ đồng.
"Quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả, khi dự án kéo dài như vậy chưa nói tới tham nhũng thì hiệu quả đã không có, sẽ tác động ngược lại nền kinh tế, tạo gánh nặng cho ngân sách", đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá.
"Tôi đề nghị tốt nhất cứ thanh tra, từ đây sẽ đến kết luận đâu là khách quan đâu là chủ quan. Chỉ có thanh tra thì mới hết băn khoăn thắc mắc và cử tri mới thỏa mãn, hài lòng", đại biểu TP.HCM khẳng định.
Dự án Sào Khê: Nó cứ nở dần, nở dần
Chỉ một dự án nhỏ, ở một tỉnh chưa giàu, số tiền đầu tư được “điều chỉnh” từ 72 tỉ lên tới 2.595 tỉ đồng, ... |
Bí thư Ninh Bình: Cơ chế làm dự án Sào Khê 72 tỷ nở thành 2.595 tỷ
Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê của ... |
Ngày đăng: 09:41 | 29/05/2018
/ Đất Việt