Sở Nông nghiệp TP HCM kiến nghị sớm khởi động lại dự án vì lo ngại chất lượng công trình bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trong báo cáo vừa gửi UBND TP HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiến nghị sớm khởi động lại dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) 10.000 tỷ đồng. Công trình bị ngừng thi công gần 6 tháng qua đã ảnh hưởng đến các hạng mục dưới nước, tăng nguy cơ gây xói lở bờ sông, đáy sông, ảnh hưởng an toàn giao thông thủy và chất lượng công trình...
Hồi tháng 9, ông Phạm Văn Long - Trưởng tư vấn thiết kế của dự án cũng cảnh báo, đây là công trình chống ngập lớn nhất nước về thủy lợi, lại được xây dựng trên vùng đất yếu, bị tác động bởi triều cường, thi công phức tạp... nếu không tuân thủ điểm dừng theo thiết kế thì tiềm ẩn nguy cơ sập móng. Trong đó, cống Phú Định có nguy cơ cao nhất do đào sâu làm tường vây trên nền đất yếu.
"Để càng lâu thì sức kháng cát của đất sẽ giảm, hệ số an toàn cũng giảm và có khả năng bị sập gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Khi sửa lại sẽ rất tốn thời gian, tiền của", ông Long lý giải.
Dự án bị dừng thi công trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Chủ đầu tư làm đúng
Sở NN&PTNT cũng cho biết, đối với khung quy chuẩn, tiêu chuẩn của dự án, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị làm dự án) đã thực hiện đầy đủ theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Việc sử dụng thép hợp kim chất lượng cao S355 (thép đen) thay cho thép không gỉ SUS304 đã được Sở phân tích, so sánh, đánh giá kỹ về cơ tính, độ bền, tính kinh tế, tính ăn mòn và khả năng chịu lực... Hướng điều chỉnh này đã giúp giảm kinh phí đầu tư cửa van gần 87 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong hợp đồng BT cũng không quy định vật liệu thép phải có nguồn gốc xuất xứ là các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất.
Theo Sở, việc thay đổi mác thép ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là tối ưu hóa sản phẩm thiết kế, đã được tư vấn thẩm tra, đảm bảo về mặt kỹ thuật, kết cấu, tăng khả năng chịu lực, hiệu quả về kinh tế, phù hợp các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành đã được UBND thành phố phê duyệt trong dự án. Động thái này cũng được Bộ Xây dựng, UBND thành phố, Kiểm toán Nhà nước thống nhất.
Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 có văn bản báo cáo chấp thuận chủ trương thay đổi vật liệu thép cửa van và chính quyền thành phố chấp thuận chủ trương này.
Trong trường hợp chưa yên tâm về việc thay đổi vật liệu, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực và kinh nghiệm về lĩnh vực cơ khí để thẩm tra, đánh giá việc thay đổi vật liệu thép.
Đề nghị Liên danh tư vấn không nêu lại việc dùng thép Trung Quốc
UBND TP HCM cũng được kiến nghị chỉ đạo đơn vị Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng chấp hành nghiêm và không nêu lại việc Công ty Trung Nam đã sử dụng tiêu chuẩn thép Trung Quốc GB T1591-2008 hay GB T1591-2015, do các tiêu chuẩn này đã được phê duyệt trong dự án.
Đơn vị này cũng không dẫn lại trong báo cáo chỉ dẫn kỹ thuật thi công cơ khí là Công ty Trung Nam thay đổi nguồn gốc xuất xứ vật liệu thép thuộc nhóm G7 sang thép Trung Quốc. Vì việc nhầm lẫn ghi nguồn gốc xuất xứ vật liệu đã được các đơn vị tư vấn thiết kế đính chính phù hợp.
Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cần căn cứ bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công đã được sở NN&PTNT đóng dấu thẩm định, chủ đầu tư đóng dấu phê duyệt, để kiểm tra, giám sát theo nhiệm vụ được giao.
Dự án giải quyết ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình cũng được cho là giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Nửa năm trước, khi dự án đạt 72% khối lượng thì bị dừng thi công do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).
Liên danh tư vấn cũng có báo cáo cho rằng chủ đầu tư sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Về việc này, Trung Nam khẳng định việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng và hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng cũng liên tục bất đồng quan điểm. UBND TP HCM không dám đưa ra quyết định nên cuối tháng 8 kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ ngành để giải quyết những vướng mắc.
Tuy nhiên, hôm 4/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND TP HCM chịu trách nhiệm toàn diện về đầu tư và hiệu quả do dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố.
Hữu Nguyên
Đến bao giờ TP.HCM mới khởi công lại dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng?
Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, hiện vẫn chưa chốt được thời gian thi công cụ thể của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ... |
Trưởng đoàn tư vấn giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ âm thầm về Mỹ?
“Chắc có sự nhầm lẫn nào đó bên Công ty Meinhardt, chứ theo như tôi biết ông L.Fernando Requena đang ở Mỹ", ông Th. tiết ... |
Ngày đăng: 14:25 | 19/10/2018
/ VnExpress