Phù điêu tạc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” ở Bình Định góp phần giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay, mai sau. Tuy nhiên, theo cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà, công trình này còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc trước khi có quyết định chính thức.
Án ngữ cửa ngõ vào trung tâm thành phố
Theo Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh Bình Định, vị trí bức phù điêu nằm ở vách núi Bà Hỏa, nằm dọc giữa ngã 5 đường Trần Hưng Đạo giao với đường Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, dẫn vào Trung tâm TP.Quy Nhơn.
Theo phương án được đưa ra, công trình sẽ cắt sâu vào núi (khoảng 20 đến 25m) tạo mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi, phần mặt phẳng nằm ngang sẽ dùng để xây dựng Quảng trường làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Phù điêu sẽ có tổng chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m (tính từ cốt sân); hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ có diện tích 3.000m2.
Phù điêu được khắc họa 3 lớp. Lớp thứ nhất, chính giữa bức phù điêu, ở vị trí trung tâm trang trọng nhất, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Cha nắm tay mẹ hiền từ, mẹ mỉm cười trìu mến, tay trái mẹ khẽ đưa lên như đang nói điều gì. Sau lưng và dưới chân cha Long Quân và mẹ Âu Cơ là những lớp mây, thể hiện không gian đầy chất thần tiên gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Tiên Rồng của cư dân Lạc Việt. Dân tộc Việt Nam là sự kết hợp của cái đẹp vĩnh hằng (Tiên), sức mạnh vạn năng (Rồng) tạo nên.
Lớp thứ hai, hai bên cha Rồng mẹ Tiên, thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương - những vị vua đầu tiên. Viết nên những trang sử huyền thoại lưu truyền cho hậu thế muôn đời. Các vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của mẹ cha.
Lớp thứ ba, phía dưới thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa 1 người nam và 1 người nữ, cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, bố cục cùng nắm chặt tay nhau, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
“Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, việc hình thành tác phẩm sẽ làm tăng giá trị không gian văn hóa - lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và tăng giá trị hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế” - Sở VHTT thông tin.
Theo tìm hiểu, thời gian thực hiện công trình từ năm 2020-2022. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng; trong đó, nguồn ngân sách là hơn 34 tỉ, kêu gọi tài trợ xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là hơn 51 tỉ đồng.
Cần thận trọng
Theo cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Vũ Hoàng Hà, việc tạc phù điêu sẽ tạo dấu ấn rất đặc biệt, điều này là hợp lý. Tuy nhiên, muốn đặt ở vị trí hiện nay, cần ưu tiên quy hoạch cơ sở hạ tầng. Chưa hết, quảng trường đủ diện tích để người dân vui chơi an toàn, không đặt sát đường vì rất dễ gây tai nạn.
Ngoài ra, ông Hà cũng chưa đồng tình về tính thẩm mỹ nội dung phác thảo bức phù điêu vì nhiều chi tiết còn “rối”. Cụ thể, lớp thứ 3 cần cách điệu để khi nhìn vào dễ dàng biết rằng Việt Nam có 54 dân tộc anh em.
“Ý tưởng tạc phù điêu chủ đề Lạc Long Quân - Âu Cơ có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, vậy có nên giữ ý tưởng này hay làm chủ đề khác. Tôi nghĩ cần có sự thống nhất và lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, Bộ Văn hóa” - cựu Bí thư Bình Định nói thêm.
Đặc biệt, ông Hà cho rằng, công trình phù điêu tạc vào vách núi cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân. “Công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời hay chỉ 1, 2 nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ sạt lở, hư hỏng. Nếu chất lượng không tốt, thì biết ăn nói sao với người dân” - ông Hà nhấn mạnh.
Ngày đăng: 09:43 | 17/09/2019
/ laodong.vn