Theo yêu cầu của Chính phủ, đến ngày 30/6/2023, các địa phương phải bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Dự án cao tốc Bắc-Nam).
Trên thực tế hiện nay, hầu hết các địa phương có Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua đều không đạt mục tiêu về bàn giao mặt bằng. Ghi nhận từ thực tế, chúng tôi nhận thấy rất nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án. Và để giải quyết tốt các vướng mắc, những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng rất cần sự phối hợp một cách cụ thể, có trách nhiệm nhiều hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Tại Quảng Bình, thời gian qua tỉnh đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) của tỉnh; tạo sự đồng thuận trong việc GPMB triển khai dự án, khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân… Nhờ vậy, đến nay Quảng Bình được Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, theo mốc 30/6/2023 để bàn giao 100% mặt bằng sạch thì Quảng Bình khó đạt được.
Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần là đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ; với tổng diện tích thu hồi đất là 1.273,84ha. Được biết, khi triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có 3.082 hộ gia đình, trên 3.600 ngôi mộ bị ảnh hưởng.
Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông đang được cập nhật. Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ thuộc thị xã Ba Đồn và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học... thuộc huyện Bố Trạch bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.
Một trong những vướng mắc khó khăn khi triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc phê duyệt bổ sung các khu đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (bao gồm các khu tái định cư, khu nghĩa địa) để thực hiện dự án; các vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng. Bên cạnh đó, công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng được UBND tỉnh Quảng Bình thẩm định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định chủ trương chuyển đổi so với con số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có sự chênh lệch.
Theo 3 tờ trình của UBND tỉnh Quảng Bình (số 492, 493, 494, ngày 30/3/2022) gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình cấp thẩm quyền quyết định thì tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng là 554,51ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 68,99ha; diện tích rừng sản xuất là 368,26ha; diện tích rừng ngoài quy hoạch là 117,26ha. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 273 ngày 11/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích chỉ là 437,25ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 66,98ha; diện tích rừng sản xuất là 291,54ha; diện tích rừng ngoài quy hoạch là 78,73ha, như vậy còn 117,26ha đã không được quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc chênh lệch 117,26ha như vậy, UBND tỉnh Quảng Bình đã phải nhiều lần làm việc với các bộ, ngành chờ hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với 117,26ha nên kéo dài mất nhiều thời gian.
Hiện nay, Quảng Bình đã bố trí được 580 hộ dân vào 26 khu tái định cư tại 19 xã với diện tích trên 69ha. Về các khu nghĩa trang UBND cấp huyện đã bố trí 13 khu với diện tích hơn 57ha cho trên 2.700 ngôi mộ tại 11 xã. Các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang được các địa phương thực hiện các bước để di dời, hoàn trả. Tuy nhiên, công tác triển khai các dự án tái định cư khá chậm, mất nhiều thời gian, do vậy việc di dời các hộ dân thuộc diện giải tỏa còn chậm. Huyện Quảng Bình hiện mới triển khai thi công 3 trong tổng số 26 khu tái định cư, trong đó có 1 khu tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh cơ bản hoàn thành, đang tổ chức giao đất cho người dân. Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí 13 khu nghĩa trang với diện tích hơn 57ha để di dời 2.742 ngôi mộ tại 11 xã. Hiện, các địa phương đang phê duyệt dự án đầu tư và triển khai thi công để sớm bàn giao mặt bằng cho người dân di dời mồ mả.
Với tiến độ xây dựng các khu tái định cư như hiện nay rất khó hoàn thành việc di dời các hộ dân tới nơi ở mới trước ngày 30/6 để bàn giao mặt bằng cho dự án. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, một trong những vướng mắc đang rất khó tháo gỡ hiện nay là việc di dời các phần mộ vào các khu nghĩa trang, bởi liên quan đến văn hoá tâm linh, tập tục ở nhiều địa phương. Nhiều ngôi mộ mới, người thân mới mất được chưa đầy năm, hoặc chưa hết khó (tập tục 3 năm cất khăn tang), gia đình các hộ dân có phần mộ rất ngại chuyện cất, bốc…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho rằng: "Bố Trạch đã triển khai các thủ tục lấy ý kiến người dân, bốc thăm, các thủ tục thì đã cơ bản. Còn trên thực địa triển khai thì dự kiến 30/6 sẽ cơ bản đưa được phần lớn hộ dân vào tái định cư, tiến độ giải quyết mặt bằng khả năng đạt từ 85-90% khối lượng mặt bằng, còn riêng nói tiến độ đến 30/6 để hoàn thành đưa 100% hộ dân vào tái định cư thì không thể hoàn thành được".
Hiện, huyện Bố Trạch bàn giao mặt bằng trên địa bàn đạt 70% tiến độ. Đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, địa phương đang tiến hành các thủ tục để giải phóng mặt bằng. Huyện mong muốn Ban Quản lý dự án 6 rút ngắn các thủ tục, sớm đẩy nhanh tiến độ di dời hạ tầng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, một số khu tái định cư vẫn chậm tiến độ do vướng mắc đến đánh giá tác động môi trường.
Tại cuộc họp mới đây về việc bàn phương án tháo gỡ khó khăn liên quan đến Dự án cao tốc Bắc-Nam, để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương ở Quảng Bình đã thẳng thắn trao đổi, chỉ ra những mặt hạn chế để khắc phục như tiến độ bồi thường, GPMB còn chậm trong đó nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang và GPMB một số đoạn tuyến. Để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các huyện tiếp tục vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân, các vướng mắc về mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án.
Các địa phương cần có biện pháp quyết liệt để người dân sau khi nhận tiền bồi thường khẩn trương thu hoạch cây trồng và các tài sản khác trên đất để sớm bàn giao mặt bằng cho các ban quản lý dự án triển khai thi công; ưu tiên lựa chọn các nhà thầu thi công có đủ năng lực, trách nhiệm để thi công các khu tái định cư, khu nghĩa trang bảo đảm đúng tiến độ.
Ngày đăng: 07:16 | 27/06/2023
Dương Sông Lam / cand.com.vn