Theo các chuyên gia tục lệ đốt vàng mã cho người âm vào rằm tháng 7 đang bị biến tướng, thể hiện sự bế tắc xã hội cũng như gây tác động xấu đến môi trường.

Cùng với rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 được người Việt coi là một trong hai ngày rằm quan trọng nhất trong năm. Tháng 7 âm cũng là tháng an yên của sự báo hiếu, hiếu với ông bà, bậc thân sinh phụ mẫu nơi trần thế và hiếu với gia tiên tiền tổ, các hương linh trong nhà đã khuất bóng nơi âm thế.

Vào những ngày này con cháu thể hiện sự báo hiếu với tổ tiên, ông bà bằng những lễ vật, nhất là chuẩn bị chu đáo nhiều mặt hàng mã xa xỉ, cồng kềnh như xe ô tô, máy bay, biệt thự… với quan niệm “trần sao âm vậy”.

Tuy nhiên, theo TS Phan Tân (chuyên gia xã hội học), quan niệm “trần sao âm vậy”, “báo hiếu với người đã khuất”... đang làm cho tục đốt vàng mã ngày càng bị lạm dụng và biến tướng, thể hiện sự bế tắc của xã hội.

Các chuyên gia cho rằng tục đốt vàng mã đang bị lạm dụng, biến tướng, gây ô nhiễm môi trường. 

“Nếu nói “đốt vàng mà là phong tục cổ truyền của người Việt” thì chưa chính xác bởi theo tôi biết một số vùng người Việt trước đây người ta chỉ cúng rằm tháng 7 rất đơn giản, không chỉ là rằn tháng 7 mà các dịp tết truyền thống khác người ta cũng không biết đốt vàng mã là gì. Thế nhưng bây giờ thì gần như cả xã hội, từng hộ gia đình đều biết đến và thực hành việc đốt vàng mã “chuyên nghiệp”.

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là trước đây ở những vùng người ta không biết đến đốt vàng mã thế thì có phải tổ tiên, bố mẹ họ ở thế giới bên kia không có cái ăn, có cái mặc hay sao, không có xe, ngựa, mũ mão hay sao hay nhu cầu của người bên kia từng vùng khác nhau?

Theo tôi, trạng thái “phú quý sinh lễ nghĩa”, tâm lý “kém miếng khó chịu” và sự bế tắc nhất định nào đó trong đời sống đã khiến cho hiện tượng đốt vàng mã gia tăng, bị lạm dụng, biến tướng”, TS Phan Tân nói .

 

 

 
Tục lệ đôt vàng mã ngày rằm tháng 7 đang bị biến tướng, thể hiện sự bế tắc của đời sống xã hội.

TS Phan Tân

 

Trong khi đó, TS Lư Thị Thanh Lê (Bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) bày tỏ quan ngại về việc đốt vàng mã sẽ ảnh hướng xấu đến sức khỏe người đốt cũng như tác động tiêu cực đến vấn đề môi trường.

“Khi có nhiều người đốt đồ lễ vật bằng vàng mã sẽ tạo ra lượng khí thải lớn. Đồng thời, tôi không tin là các loại đồ vàng mã này được kiểm soát về chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người dùng. Mùi của các loại này có hóa chất, công nghiệp, tác động xấu cho sức khỏe người đốt cũng như môi trường nói chung” , TS Lư Thị Thanh Lê cho hay.

TS Lư Thị Thanh Lê cũng nhấn mạnh đến việc bên cạnh thực hiện nghi lễ với tổ tiên thì cần chú trọng đến việc củng cố ý nghĩa, truyền thống gia đình, quan tâm hơn đến giao cảm với tổ tiên.

“Tôi nghĩ mọi người khi thực hành các vấn đề phong tục, tín ngưỡng, tâm linh thì cần quan tâm hơn đến giao cảm với tổ iên. Thay vì sử dụng các đồ vàng mã cồng kềnh thì chúng ta có thể giản lược về mặt hình thức  để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, giao cảm về mặt tinh thần. Tăng cường sinh hoạt gia đình, tưởng nhớ, gợi nhắc đến ông bà, tổ tiên”, TS Lư Thị Thanh Lê chia sẻ.

Đồng thời, TS Lư Thị Thanh Lê  cũng liên hệ hình thức thờ cùng ở nước ngoài, cho rằng nhiều nước trên thế giới dần chuyển sang việc thờ cúng tổ tiên bằng hình thức online.

“Khi tôi học ở Nhật Bản, tôi thấy người Nhật bắt đầu cúng tổ tiên bằng mộ mang tính biểu tượng online, chú trọng đến giao cảm giữa người sống với tổ tiên của mình. Sự giao cảm này tiếp thêm sức mạnh cho con người ta ở hiện tại, không có việc thờ cúng bằng vật chất”,  TS Lư Thị Thanh Lê nói.

Đồng quan điểm trên, TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho rằng, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của Đạo Phật.

Lý giải về việc tại sao phải đốt vàng mã trước ngày 15/7 âm lịch, TS Vũ Thế Khanh cho biết điều này liên quan đến truyền thuyết dân gian huyền bí, không có lý giải khoa học.

“Trong dân gian có truyền thuyết cho rằng đốt mã cho "người âm" thì phải trước ngày 15/7 âm lịch, bởi sau ngày đó  người âm không nhận được.

Truyền thuyết này mô tả trong "thế giới cõi âm có 1 dòng sông chở hàng mã của người trần gửi cho người âm, đó là dòng Sông Chở Mã. Sau 15/7 "thuyền chở mã" đã rời bến, nên đốt mã sau ngày đó sẽ không còn giá trị nữa.  

Xin lưu ý, đấy là truyền thuyết, chứ hiện tượng "dòng sông chở mã" này có đúng hay sai thì hoàn toàn chẳng có gì làm bằng chứng . Việc bày đặt  ra sự tích "dòng sông chở mã" là chỉ nhằm tăng cường sự huyền bí của  tục lệ đốt vàng mã mà thôi”, TS Vũ Thế Khanh cho hay.

Theo TS Vũ Thế Khanh, hiện nay, một số chùa vẫn duy trì tục đốt vàng mã, tục lệ này do các Phật tử tự đem vào chùa chứ các Tăng Ni không chủ trương việc này.

Bên cạnh đó, TS Vũ Thế Khanh cũng khẳng định, muốn thành tựu mùa Vu Lan báo hiếu, điều quan trọng nhất là con cháu hiếu thảo thực hành những việc hiếu hạnh phụng dưỡng cha mẹ, ông bà đang còn sống, và phát nguyện hồi hướng công đức cho họ khi đã khuất.

Nếu không làm được việc đó, việc đi lễ chùa, mâm cao cỗ đầy, dâng cúng vàng mã chỉ mang tính hình thức, tốn kém thời giờ và tiền của. 

Quái gở chuyện đốt vàng mã ngút trời để tặng... người chết
Người dân TP.HCM đón Vu Lan bằng cách phóng sinh, thay vì đốt vàng mã
Đốt vàng mã không phải cách duy nhất để thể hiện hiếu đạo

Ngày đăng: 14:53 | 16/08/2019

/ vtc.vn