Việc Trung Quốc và Nhật Bản phát tín hiệu sẵn sàng thực hiện các động thái nhằm củng cố đồng tiền của họ khiến đồng tệ và yên tăng mạnh so với đồng USD.
Cùng với động thái của Nhật và Trung Quốc, đà tăng kỷ lục của đồng USD trong nhiều năm cũng đã bị phá vỡ. Lý do đằng sau cú tăng là việc nền kinh tế Mỹ mạnh một cách “đáng ngạc nhiên”, làm dấy lên suy đoán rằng FED sẽ giữ lãi suất cao hơn so với các quốc gia khác.
Sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đưa ra khả năng chấm dứt chính sách lãi suất âm, đồng yên đã tăng 1,3% so với đồng USD lên mức 145,91 yên đổi 1 USD. Đây cũng là mức cao nhất 2 tháng qua. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2014.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã tăng tới 1,2% trong các giao dịch nội địa khi cơ quan quản lý tài chính của đất nước đưa ra thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu cơ nhằm “chống lại những tác động một chiều”. Động thái này ngay lập tức kéo tỷ giá đồng tệ so với đồng USD khỏi đáy 16 năm.
Loạt động thái từ Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến chỉ số đồng USD trên Bloomberg giảm 0,6%, chấm dứt chuỗi tăng kéo dài suốt 8 tuần qua. Đây cũng là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2005 tới nay.
Dẫu vậy, đồng USD hiện vẫn đang ở mức cao và không còn xa so với đỉnh của năm nay. Các chuyên gia kinh tế nhận định những “động lực” khiến đồng USD tăng giá vẫn còn nguyên.
Tuy đà tăng có dấu hiệu hạ nhiệt hôm 11/9 nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi những chênh lệch trong chính sách tiền tệ của Mỹ với các nước vẫn còn.
“Việc can thiệp để điều chỉnh tỷ giá có thể có hiệu lực tạm thời nhưng khó có thể gây ra thay đổi nào về mặt xu hướng”, Win Thin, chiến lược gia trưởng về tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co., cho biết.
Tham khảo: Bloomberg
Ngày đăng: 13:11 | 12/09/2023
/