Phần vì mưu sinh, phần vì trách nhiệm với công việc, với cộng đồng nên dù dịch bệnh nguy hiểm, nhiều shipper ở TP.HCM vẫn ra đường để duy trì cho "mạch sống" của TP.
5h sáng ngày 1/9, chúng tôi gặp anh Nguyễn Chí Nam, 46 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh (tài xế giao hàng hãng Bee) đang trên đường tới trạm y tế lưu động Trường THCS Phú Mỹ, phường 19, quận Bình Thạnh để lấy mẫu xét nghiệm lấy giấy thông hành.
“Mấy anh shipper ngồi xuống đi, ngồi cách nhau ra nhé… 3 người viết chung 1 tờ giấy nha”, giọng nói vang vọng của nhân viên y tế đang điều phối cho shipper chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm.
Các shipper khác cũng có mặt từ sáng sớm để lấy mẫu xét nghiệm. |
Sau khi nhận kết quả âm tính, anh Nam bật App và bắt đầu hành trình một ngày làm việc dự báo "đơn nổ như mưa" trong những ngày TP.HCM đang siết chặt giãn cách.
Vài phút sau khi bật App, anh Nam reo lên: “Có đơn rồi, có đơn rồi em ơi”.
“Alo, chị đặt Bee giao hàng phải không chị? Địa chỉ của mình ở 208 trong Landmark phải không chị? Dạ, em đứng nơi chốt 208 Nguyễn Hữu Cảnh nha”, anh Nam nói chuyện với người đặt giao hàng qua điện thoại sau khi nhận chốt đơn.
Anh Nam khoe anh nhận đơn hàng đầu tiên. |
Chốt đơn, anh Nam lên xe nổ máy đi đến địa chỉ đã xác nhận. Để bảo vệ mình trước dịch bệnh, ngoài khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với khách hàng, bình xịt cồn sát khuẩn là thứ luôn "kề kề" bên anh. Sát khuẩn tay của mình, tay của khách hàng, sát khuẩn gói hàng... là cách mà anh Nam nói sẽ giúp bản thân thêm an tâm hơn.
Đến địa chỉ thỏa thuận ban đầu nhưng do bị chặn ở chốt kiểm soát không thể vào trong, anh Nam điện cho khách hàng mang đồ ra chốt. “Chuyển giúp chị một túi hoa quả, một thùng rau tới địa chỉ kia nhé. May quá hôm nay em nhận đơn hàng cho chị, chứ từ chiều hôm qua chị đặt không được luôn", khách hàng nói với anh Nam.
Nhận hàng rồi chạy tới điểm giao hàng, anh Nam khoe với chúng tôi: "Đơn hàng này cước có 51.000 đồng, nhưng anh được cho luôn 100.000 đồng".
Anh Nam nhận hàng giao cho khách. |
Sau khoảng 20 phút, anh Nam hoàn thành đơn hàng và quay đầu xe di chuyển về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh dừng xe bên vỉa hè để chờ đơn hàng tiếp theo. Ngồi dưới tán cây anh Nam đưa đôi mắt buồn nhìn dòng xe ít ỏi qua lại và kể về cuộc sống của gia đình mình với PV VTC News.
Anh Nam cho biết, năm 41 tuổi anh mới lấy vợ và 5 năm sau vợ chồng anh mới có con trai đầu lòng, giờ mới được 3 tuần tuổi.
Vốn là một thợ sửa máy ô tô chuyên nghiệp, nhưng 2 năm trước anh xin nghỉ để chuyển hẳn sang làm tài xế xe công nghệ và gắn bó với công việc này từ đó tới nay. Vợ vừa sinh em bé, mọi thu nhập của gia đình trông chờ vào anh.
Anh Nam dừng xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để chờ đơn hàng tiếp theo. |
“Thu nhập ngày thường của 2 vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, mấy ngày qua ở nhà mà lòng bồn chồn, nhiều đêm không ngủ được, cứ trằn trọc lo chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ sợ tình hình này kéo dài rồi lấy gì sống, lấy gì nuôi con”, anh Nam tâm sự.
Anh Nam cho rằng thành phố đang sống trong những ngày giãn cách, không có shipper khó lòng mọi người yên tâm ở nhà chống dịch. Chỉ cần vắng hoặc thiếu shipper, mọi thứ sẽ đảo lộn, bao người chờ lương thực, thực phẩm, thuốc men... “Vì vậy, càng giãn cách nghiêm ngặt càng cần thêm shipper. Giãn cách nghiêm ngặt, phải xem shipper chuyên nghiệp là lực lượng của tuyến đầu chống dịch”, anh Nam nói.
Anh Nam rong ruổi trên những con đường vắng bóng người trong những ngày thành phố siết chặt giãn cách. |
Bắt đầu mở App từ sáng sớm, thế nhưng đến giữa trưa anh Nam mới chỉ nhận được 4 đơn hàng. Đa phần các đơn hàng của anh Nam đều là vận chuyển thực phẩm, rau củ quả đến cho các hộ gia đình.
Anh Nam kể khi chưa có dịch, nếu chạy từ sáng sớm tới tối cũng được 600.000 đồng, thậm chí gần 1 triệu đồng.
“Mùa này đi làm là vậy đó, biết việc di chuyển khó khăn, nguy hiểm nên nhiều người thường hay gửi thêm. Cộng tất cả thu nhập thì cuối ngày chắc cũng được 300.000 - 400.000 đồng, chừng này chỉ bằng khoảng 60-70% thu nhập lúc chưa có dịch nhưng như vậy là tốt lắm rồi, có thêm khoản tiền nuôi vợ, nuôi con”, anh Nam chia sẻ.
HOÀNG THỌ
Ngày đăng: 16:00 | 02/09/2021
/ vtc.vn