Mỹ bán súng như bán thực phẩm và sự tự do này ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng, trong đó có Mexico và Guatemala.
Tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm Guatemala và Mexico để trao đổi với các nhà lãnh đạo địa phương nhằm giải quyết tình trạng dân tị nạn từ hai nước này nhập cảnh trái phép vào Mỹ.
Dân di cư trái phép là một trong những vấn đề nhức nhối lâu năm tại Mỹ. Tuy nhiên, chính quốc qia này lại là nơi bắt nguồn của nguyên nhân khiến người dân từ các khu vực xung quanh phải bỏ đi tị nạn: vũ khí.
Bạo lực vũ trang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người phải rời Trung Mỹ và Mexico để tiến về phía Bắc sang Mỹ. (Ảnh: AP) |
Bạo lực vũ trang là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người phải rời Trung Mỹ và Mexico để tiến về phía Bắc sang Mỹ. Theo tổ chức phi chính phủ Y sĩ không biên giới, 62% người tị nạn ở biên giới phía Nam Mỹ cho biết họ đã phải sống trong tình trạng bạo lực triền miên trong hai năm trước khi rời quê hương. 3/4 gia đình dân di cư có trẻ em nói họ từng trải qua bạo lực theo nhiều hình thức, bao gồm việc bị các băng đảng cưỡng bức chiêu mộ. Trong bối cảnh bất ổn do bạo lực có vũ khí diễn ra tràn lan, họ buộc phải trốn tới Mỹ.
Trung bình, mỗi ngày có hơn 500 khẩu súng từ Mỹ được vận chuyển sang biên giới phía Nam. Dù vậy, vấn đề buôn lậu súng có thể sẽ không được ưu tiên trong các cuộc họp của Phó Tổng thống Harris tại Guatemala và Mexico.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: CNN) |
“Dòng sông sắt” bắt nguồn từ Mỹ
Dòng súng đạn từ Mỹ đổ vào khu vực Trung Mỹ được gọi là "dòng sông sắt", quy mô của “dòng sông” này vô cùng rộng lớn. Theo Bộ Ngoại giao Mexico, ước tính có khoảng 200.000 khẩu súng từ Mỹ được nhập khẩu vào Mexico mỗi năm, tức là trung bình hơn 500 khẩu mỗi ngày.
Các nhà chức trách Mỹ không công bố số liệu cụ thể về số vũ khí này. Nhưng từ năm 2014 đến 2019, cục Quản lý rượu, bia, thuốc lá, vũ khí và chất nổ LB Mỹ (ATF) đã truy vết được hơn 70.000 khẩu súng của Mexico có xuất xứ từ Mỹ. Khoảng 70% súng do cơ quan hành pháp Mexico thu giữ được và 42% súng bị tịch thu ở Guatemala đều có nguồn gốc từ Mỹ. Phần lớn số vũ khí này đều là hàng buôn lậu.
Tuy Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết liệu buôn lậu súng có nằm trong chương trình nghị sự của Phó Tổng thống Harris hay không, nhưng theo nguồn tin của CNN, Mỹ sẽ làm việc với Mexico để giảm lượng vũ khí và đạn dược bất hợp pháp vận chuyển qua biên giới hai nước. Đặc biệt, Mỹ sẽ cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo nhân sự cho cơ quan hải quan Mexico.
Dòng súng đạn từ Mỹ đổ vào khu vực Trung Mỹ được gọi là "dòng sông sắt". (Ảnh: Getty Images) |
Vấn đề buôn lậu súng bị phớt lờ
Các chuyên gia cho rằng cuộc thảo luận của quan chức các nước về cuộc khủng hoảng di cư thường bỏ qua nguyên nhân chính khiến vấn nạn này trở nên nghiêm trọng: vũ khí.
“Mọi người đều biết sự tồn tại của vấn đề, nhưng cả hai bên đều không có hành động nào. Thật là tồi tệ khi họ ít chú ý đến vấn đề này”, ông Adam Isacson, giám đốc tổ chức nghiên cứu và vận động về các vấn đề liên quan đến châu Mỹ Latinh tại Washington, nói.
Ông Isacson tin rằng nguyên nhân khiến vấn đề vũ khí có xuất xứ từ Mỹ bị buôn bán trái phép ở nước ngoài ít được quan tâm là do các đảng phái tại nước này vẫn đang tranh luận gay gắt về việc kiểm soát súng ở Mỹ.
Một nguyên nhân khác là quy định về súng tại từng tiểu bang ở Mỹ đều có sự khác biệt. Hơn một phần ba số súng bị thu giữ ở Mexico và được ATF truy vết đến Mỹ có xuất xứ từ các bang khác nhau, gồm Texas, California và Arizona.
Trong quá khứ, Mỹ từng tổ chức chiến dịch nhằm chấm dứt tình trạng buôn lậu súng nhưng không thành công. Fast and Furious là hoạt động phối hợp giữa văn phòng Bộ Tư pháp Arizona và ATF nhằm truy quát hoạt động bán súng bất hợp pháp, cũng như theo dõi các đối tượng tham gia hoạt động này. Các đối tượng được cho là có liên hệ với các băng đảng ma túy ở Mexico. Tuy nhiên, chiến dịch đã thất bại một cách ngoạn mục: hơn 1.200 khẩu súng biến mất trong tay tội phạm, một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng trong khi tham gia truy quét vào tháng 12/2010.
“Fast and Furious là một chiến dịch thảm khốc, và thiệt hại của hoạt động này đã khiến vấn đề buôn bán súng không được đưa ra khỏi chương trình nghị sự”, chuyên gia Ioan Grillo, tác giả một cuốn sách về mạng lưới tội phạm Mexico, nói.
Các đảng phái tại Mỹ vẫn đang tranh luận gay gắt về vấn đề kiểm soát súng. (Ảnh: The New York Times) |
Cơ hội cho luật kiểm soát vũ khí
Giờ đây, các vấn đề liên quan đến vũ khí còn bị phớt lờ. Tổng thống Joe Biden và quốc hội Mỹ làm hồi sinh cuộc tranh luận về súng ở đây, bất chấp vấn đề này có khả năng gây ra biến động ở Mexico và khu vực Trung Mỹ.
"Tôi trông thấy cơ hội rất lớn cho vấn đề vũ khí: chính quyền hiện tại đã báo hiệu rằng họ muốn giải quyết vấn đề này. Tất nhiên, họ chú trọng vào vấn đề vũ khí trong nước, nhưng hai vấn đề kiểm soát súng và buôn lậu súng có mối liên kết chặt chẽ với nhau”, ông Grillo cho biết.
Có nhiều biện pháp giải quyết vấn đề như: yêu cầu kiểm tra lý lịch, giới hạn số lượng súng được phép mua trong một lần hoặc lệnh cấm bán vũ khí tấn tại Mỹ. Bất kỳ biện pháp nào trong số đó cũng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng lưu thông súng qua biên giới Mỹ, và hạn chế hoạt động của các băng đảng Mexico.
Hồi tháng 3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trong tất cả các hoạt động mua bán súng vì mục đích thương mại. Dự luật chưa được Thượng viện thông qua, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cơ hội thực thi quy định về kiểm soát vũ khí đã “nằm trong tầm tay”.
TRẦN TRANG (Nguồn: CNN)
Nhan sắc Mexico đăng quang "Miss Universe 2021" |
Cảnh sát Mexico bị phục kích, 13 người chết |
Tổng thống Mexico nhiễm nCoV |
Ngày đăng: 08:26 | 09/06/2021
/ vtc.vn