Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan… đang tìm mọi cách để phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch bằng cách mở lại biên giới và không gian công cộng. Đây là một hướng đi có cơ sở để cuộc sống người dân trở lại

Đông Nam Á: Tăng tốc tiêm vaccine, bỏ lại chính sách “Zero-Covid”, sống chung với đại dịch ảnh 1
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số quốc gia Đông Nam Á còn thấp

Tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan… đang tìm mọi cách để phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch bằng cách mở lại biên giới và không gian công cộng. Đây là một hướng đi có cơ sở để cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên các chuyên gia nhìn nhận, để tránh những rủi ro dịch bệnh có thể quay trở lại nên các quốc gia cần đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở mức cao.

Malaysia, Indonesia, Thái Lan… mở cửa trở lại

Từ tháng 6 đến tháng 8-2021, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt nhằm cố gắng kiểm soát “làn sóng” đại dịch Covid-19. Malaysia và Indonesia đã áp đặt “khóa cửa” trên toàn quốc, trong khi Thái Lan thực hiện “khóa cửa” ở các khu vực có nguy cơ cao. Theo những hạn chế này, hàng triệu người được yêu cầu ở nhà bất cứ khi nào có thể và bị cấm đi lại trong nước; trường học đóng cửa, giao thông công cộng bị đình chỉ và các cuộc tụ tập bị cấm. Kể từ đó, các ca mắc mới hàng ngày đã giảm trên toàn khu vực.

Theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins (JHU), Philippines đang báo cáo gần 20.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó Thái Lan và Malaysia đều ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc mới trong 24 giờ. Tỷ lệ lây nhiễm của Indonesia giảm nhiều nhất - hiện có khoảng vài nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày.

“Đã có nhiều cuộc thảo luận giữa các chuyên gia, nhà khoa học trên khắp thế giới về việc số phận của Covid-19 sẽ ra sao? Một kịch bản có thể xảy ra là nó sẽ là một căn bệnh đặc hữu trong tương lai. Chúng ta đang nghiêng về phía Covid-19 sẽ hiện hữu như một phần trong cuộc sống. Đặc biệt, châu Á phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi biết vaccine là một câu trả lời chính, chúng tôi không được tiếp cận với vaccine trong khi phải chứng kiến người dân sống đau khổ và đối mặt với mất việc làm”.

Abhishek Rimal (Điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế)

Tuy đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp ở một số nơi. Tuy nhiên, một số quốc gia Đông Nam Á đang bắt đầu mở cửa trở lại. Thái Lan - với khoảng 21% dân số Thái Lan đã được tiêm vaccine có kế hoạch mở cửa trở lại Thủ đô Bangkok và các điểm đến lớn khác cho du khách nước ngoài vào tháng 10-2021 với hy vọng sẽ vực dậy ngành Du lịch vốn chiếm hơn 11% GDP của đất nước. Indonesia - quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 16% dân số cũng đã nới lỏng các hạn chế, cho phép các không gian công cộng mở cửa trở lại và cho phép các nhà máy hoạt động trở lại hết công suất.

Malaysia - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực với hơn 56% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã mở cửa trở lại Langkawi - 1 cụm gồm 99 hòn đảo và là điểm đến nghỉ lễ hàng đầu của đất nước này - cho khách du lịch trong nước vào tuần trước. Một số tiểu bang tại Malaysia cũng đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với những người được tiêm chủng, bao gồm ăn uống tại nhà hàng và đi lại giữa các tiểu bang.

Việc khu vực Đông Nam Á nhanh chóng mở cửa trở lại phản ánh việc tiếp cận “sống chung với Covid-19” của các nước phương Tây như Vương quốc Anh và các vùng của Mỹ - nơi cuộc sống hàng ngày về cơ bản đã trở lại bình thường.

Đông Nam Á: Tăng tốc tiêm vaccine, bỏ lại chính sách “Zero-Covid”, sống chung với đại dịch ảnh 2
Một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan… đang tìm mọi cách phát triển kinh tế, đặc biệt là kế hoạch mở cửa trở lại phục hồi ngành Du lịch

Phải tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, các quốc gia khu vực Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Indonesia và Thái Lan phải tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng Covid-19 ở mức cao hơn nữa trước khi mở cửa để tránh rủi ro. Nếu so sánh với nhiều quốc gia phương Tây, tỷ lệ tiêm vaccine cho phần lớn dân số đạt mức cao như Vương quốc Anh (tỷ lệ 65%) và Canada (gần 70%). Mặc dù, các quốc gia này vẫn đang ghi nhận các ca bệnh mới tăng đột biến sau khi mở cửa trở lại, số ca tử vong và nhập viện ở mức thấp ở các nước phương Tây cho thấy lợi ích của vaccine phòng Covid-19.

“Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) ngày 23-9 cảnh báo rằng,

các đợt bùng phát Covid-19 cục bộ có thể kéo dài đến năm 2022 ngay cả khi số tử vong đã giảm từ mức đỉnh điểm vừa qua. Tại khu vực châu Mỹ, dù công tác tiêm chủng đang tiến triển song khu vực này vẫn phải đối mặt với một vấn đề bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng sẽ dẫn đến đại dịch kéo dài, đặc biệt là ở các quốc gia Mỹ Latinh nghèo hơn. Sự chần chừ về vaccine phòng Covid-19 có thể khiến dân số tại nhiều khu vực trên thế giới tiếp nhận chậm hơn hoặc ngăn cản việc đạt được đầy đủ tiềm năng tiêm chủng”.

Báo cáo của chi nhánh khu vực châu Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Ở Đông Nam Á, tỷ lệ dương tính với xét nghiệm vẫn ở mức cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia nên duy trì tỷ lệ dương tính Covid-19 ở mức 5% hoặc thấp hơn trong ít nhất 2 tuần trước khi mở cửa trở lại - nhưng con số đó đang là 20% đến 30% ở nhiều nước Đông Nam Á. Thực tế, nhiều quốc gia Đông Nam Á không có nhiều lựa chọn khi nguồn cung vaccine vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thiếu hụt vaccine toàn cầu.

Trong khi đó, cuộc sống và sinh kế của người dân tại khu vực này đã bị gián đoạn nghiêm trọng trong gần 2 năm qua, với những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu người dân tiếp tục bị ngừng mưu sinh. “Hàng triệu người đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của họ. Một lực lượng lao động khổng lồ ở châu Á phụ thuộc vào tiền lương hàng ngày, và họ đang bị ảnh hưởng vì tình trạng suy thoái kinh tế này” - ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực tại Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế phân tích - “Châu Á phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi biết vaccine là một câu trả lời chính, chúng tôi không được tiếp cận với vaccine trong khi phải chứng kiến người dân sống đau khổ và đối mặt với mất việc làm”.

Và đó cũng chính là lý do tại sao các tổ chức nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ đang kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cung cấp nhiều liều vaccine Covid-19 hơn cho các quốc gia có thu nhập thấp và bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch ở Đông Nam Á. Nhưng trong thời gian chờ đợi, nếu các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại, nới lỏng nhưng không buông lỏng, tăng cường tất cả mọi khả năng ứng phó với đại dịch như tăng cường tiêm chủng, xét nghiệm diện rộng, áp dụng các biện pháp y tế công cộng…

Tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 đang diễn ra tại New York (Mỹ), lãnh đạo các quốc gia cảnh báo về việc tích trữ vaccine phòng Covid-19 của các nước giàu có đã để ngỏ cánh cửa cho sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Cụ thể, Philippines cảnh báo “hạn hán về nhân đạo” vaccine ở các nước nghèo; Peru cho biết đoàn kết quốc tế đã thất bại; Ghana phản đối chủ nghĩa dân tộc vaccine... “Nước giàu tích trữ vaccine trong khi nước nghèo chờ đợi nguồn cung nhỏ giọt. Bây giờ, họ còn nói đến chuyện tiêm liều bổ sung giữa lúc các nước đang phát triển cân nhắc phương án tiêm nửa liều để vượt qua giai đoạn khó khăn” - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu.

Nghiên cứu mới đây cho thấy, 100 triệu liều vaccine Covid-19 được lưu trữ tại các quốc gia giàu có tại Bắc bán cầu sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12 tới. Trong bối cảnh đó, tại Kỳ họp trên, nhiều cam kết hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 được các nước đưa ra, dẫn đầu là Mỹ với công bố viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, hàng loạt các cuộc gặp song phương đã diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 với các cam kết hỗ trợ, chia sẻ vaccine phòng Covid-19 song phương.

(Theo CNN)

COVID-19 tại Mỹ sắp vượt mặt đại dịch cúm cách đây một thế kỷ COVID-19 tại Mỹ sắp vượt mặt đại dịch cúm cách đây một thế kỷ

Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện đã tương đương con số do đại dịch Cúm Tây Ban Nha hồi những năm 1918-19 gây ...

Xác định năm 2022 và 2023 là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Xác định năm 2022 và 2023 là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch

Tại hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đồng bằng ...

Chuyên gia Mỹ cảnh báo về đại dịch nguy hiểm hơn cả COVID-19 trong tương lai Chuyên gia Mỹ cảnh báo về đại dịch nguy hiểm hơn cả COVID-19 trong tương lai

Chính quyền Mỹ hôm 3/9 đã công bố một kế hoạch trị giá 65,3 tỷ USD nhằm giúp nước này chống lại các mối đe ...

Ngày đăng: 09:29 | 25/09/2021

/ anninhthudo.vn