Các quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua để mở lại biên giới, đón khách du lịch khi mùa đông đang đến ở Bắc bán cầu.

Thái Lan là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên tính phương án mở cửa biên giới để đón khách du lịch. Hồi tháng 7, nước này đã thiết lập chương trình "hộp cát", cho phép miễn cách ly đối với những du khách nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ khi họ đến Phuket - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Thái Lan.

Từ ngày 1/11, du khách từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nếu đã tiêm chủng đầy đủ và đi bằng đường hàng không sẽ được nhập cảnh vào Thái Lan mà không cần cách ly.

Đầu tháng 10, sau những lần trì hoãn và khởi đầu sai thời điểm, Indonesia đã mở cửa trở lại “thiên đường" nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali cho du khách quốc tế, trong khi Việt Nam, Campuchia và Malaysia cũng đang lên kế hoạch cho những động thái tương tự.

Từ giữa tháng 11, Malaysia sẽ mở cửa trở lại đảo Langkawi cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ theo một chương trình thí điểm, trong đó du khách không cần phải cách ly nhưng sẽ phải ở trên hòn đảo này ít nhất ba ngày.

Du lịch đã và đang là động lực kinh tế mũi nhọn của khu vực Đông Nam Á. Ông Steven Schipani, chuyên gia chính về ngành du lịch của Cục Đông Nam Á thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết hơn 130 triệu du khách quốc tế đã tới khu vực trong năm trước đại dịch và 42 triệu việc làm phụ thuộc vào lĩnh vực này. Khu vực Đông Nam Á cũng đã chứng kiến gần một tỷ chuyến đi nội địa hàng năm.

Ông Schipani nói: “Nhìn chung, du lịch và lữ hành chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội của Đông Nam Á và là một nguồn thu ngoại tệ lớn”.

Con số này lên tới hơn 380 tỷ USD vào năm 2019, và cũng giải thích cho "sự vội vã” của các quốc gia khi mở cửa trở lại trong mùa này.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết, nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận ra rằng việc đóng cửa biên giới không có tác dụng và sẽ chỉ làm trì hoãn thêm sự phục hồi của ngành du lịch và nền kinh tế của họ. Người phát ngôn của WTTC nói: “Khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, việc đón du khách quốc tế phải được kích hoạt để cứu vãn nền kinh tế của khu vực”.

Tuy nhiên, sự chậm trễ ban đầu và tình trạng thiếu nguồn cung vaccine cũng khiến một số quốc gia bị tụt hậu trong kế hoạch mở cửa trở lại.

Thái Lan, quốc gia đầu năm nay đã chuyển vaccine đến Phuket để mở cửa trở lại hòn đảo, nhưng không cung cấp đủ vaccine cho phần còn lại của đất nước. Tình hình đã được cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng vẫn chỉ có khoảng 42% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ.

Campuchia cũng khởi động rất nhanh chương trình tiêm chủng và khoảng 80% dân số nước này hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đã đặt nền móng cho việc khởi động lại ngành du lịch. Campuchia sẽ bắt đầu cho phép du khách nước ngoài tiêm chủng đầy đủ đến 2 tỉnh ven biển vào cuối tháng tới mà không cần cách ly.

Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã áp dụng chương trình "Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vaccine" (Vaccinated Travel Lane), cho phép du khách từ một số quốc gia nhập cảnh mà không cần cách ly.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước Đông Nam Á đều thành công trong việc tăng cường tiêm chủng. Bất chấp sự gia tăng của các loại vaccine có sẵn, tỷ lệ tiêm chủng ở Philippines đã chậm lại trong những tuần gần đây, một phần do người dân ngại tiêm chủng. Chỉ khoảng 25% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ và quốc gia này chưa công bố bất kỳ kế hoạch mở cửa du lịch nào.

PV (th)

Đà Nẵng dự kiến đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11 Đà Nẵng dự kiến đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11
Rạp chiếu phim, du lịch sẽ hoạt động trở lại? Rạp chiếu phim, du lịch sẽ hoạt động trở lại?
Tái khởi động du lịch: Các địa phương đồng loạt kêu khó Tái khởi động du lịch: Các địa phương đồng loạt kêu khó

Ngày đăng: 10:28 | 01/11/2021

/ Nghề nghiệp và cuộc sống