Tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi quy luật tự nhiên dòng chảy sông Mê Công khiến Đồng Bằng Sông Cửu Long chịu tác động bất lợi ở mức nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu đến sớm hơn kịch bản
Sáng nay, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì diễn đàn "Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL".
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hội nghị lần này sẽ đánh giá cụ thể những kết quả đã làm được, đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT, Trần Hồng Hà cho biết biến đổi khí hậu đến sớm hơn kịch bản |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như chịu tác động của nước biển dâng, khai thác sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.
Ngoài ra, các tỉnh đồng bằng đang phải đối mặt với áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước gia tăng cũng như tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, việc phát triển giao thông chưa gắn kết được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất…
“Diễn biến của biến đổi khí hậu đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Nên cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra như thế nào để giải quyết bờ sông, bờ biển dựa trên các quy hoạch…”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho rằng các giải pháp đối với ĐBSCL đều phải tiếp cận theo hướng thuận thiên, coi tài nguyên nước là yếu tố quyết định sự "sống còn" của vùng.
Xây thủy điện thượng nguồn, tác động bất lợi nghiêm trọng
Báo cáo về tình hình sụt, lún đất và khai thác, sử dụng nước dưới đất liên quan đến sụt, lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL và giải pháp ứng phó, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết, kết quả phân tích ảnh viễn thám của Bộ năm 2014 cho thấy, trên toàn bộ lưu vực phía ngoài nước ta có 176 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành hoặc đang xây dựng.
Trong đó, trên dòng chính có 8 công trình, trên các nhánh có 168 hồ chứa. Về thủy điện: Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 14 đập thuỷ điện. Phần trung lưu trên lãnh thổ Lào, Thái Lan và Campuchia đã có 11 dự án thủy điện trên dòng chính được đề xuất xây dựng.
Ngoài ra, gần đây Thái Lan đã nghiên cứu một số dự án chuyển nước với quy mô lớn thuộc vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan thuộc lưu vực sông Mê Công.
Sạt lở tại ĐBSCL |
Ông Bảy nhận định việc vận hành xả nước của các hồ ở thượng lưu sông Mê Công đã dẫn đến tình trạng suy giảm dòng chảy cục bộ trong một số thời gian, nhất là đầu mùa lũ. Đơn cử, mùa khô năm 2015-2016, biến động thời tiết do hiện tượng El Ninô, toàn bộ lưu vực sông Mê Công đã đối mặt với một mùa khô rất khắc nghiệt, trong đó vùng ĐBSCL phải chịu các tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử và có diễn biến cực kỳ phức tạp, dòng chảy vào ĐBSCL giảm ở mức lịch sử.
Về tình hình lũ, số liệu thống kê từ năm 2000 đến nay có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và nhỏ (chiếm 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng.
Về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, vào các tháng mùa khô, trong những năm gần đây, do BĐKH và nguồn nước thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng, thay đổi lớn gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, từ năm 2010 tới nay sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển.
TP.HCM và ĐBSCL đều sụt lún đất Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã nêu thực tế sụt lún đất đang diễn ra ở cả TP.HCM và ĐBSCL. Kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP.HCM và ĐBSCL cho thấy có đến 306 mốc lún so với năm 2005. Trong số này, lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), lên đến 81,4cm và phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là 62,2 cm. Điều đáng lo ngại là tốc độ lún đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8cm/năm, xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) là 5,74cm/năm… Căn cứ vào mức độ đo được, Cục phân vùng sơ bộ, trong đó vùng lún trên 10cm có diện tích khoảng 3.400km2 ở 7 tỉnh gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TP.HCM và Cần Thơ. Nguyên nhân sụt lún được xác định có liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm. |
Tuấn Kiệt
8 căn nhà trôi xuống sông ở miền Tây
Hàng chục người ở Cà Mau đã hô hoán, ôm tài sản tháo chạy trước khi dãy nhà bị kéo xuống sông Năm Căn. |
Đồng bằng Sông Cửu Long sụt lún trước mối đe dọa từ đập thượng nguồn
Nhiều dự án thủy điện và tình trạng khai thác cát quá mức ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong khiến Đồng bằng Sông ... |
Ngày đăng: 14:25 | 18/06/2019
/ Vietnamnet