Bốn tỉnh đông bắc Thái Lan gồm Ubon Ratchathani, Yasothon, Roi Et và Si Saket chìm trong nước lũ cao 4 m hôm 16/9 do bão Podul và Kajiki.
Hai cơn bão cũng khiến 33 người chết tại đông bắc Thái Lan, khu vực phải chịu hạn hán tồi tệ cách đây vài tháng. Nhà chức trách cho biết sẽ mất ba tuần để tình hình ở đây trở lại bình thường.
Tại Ubon Ratchathani, tỉnh có địa hình thấp và thường phải chịu nước lũ từ nơi khác đổ về, mực nước cao đến 5 m vào cuối tuần trước và ít nhất 8 người đã thiệt mạng. Đây là trận lũ tồi tệ nhất ở tỉnh giáp biên giới Lào và Campuchia trong 17 năm qua, Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan (ONWR) cho biết.
Toàn cảnh khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Ubon Ratchathani, đông bắc Thái Lan hôm 14/9. Ảnh: AFP. |
Nhà chức trách đã cử người hỗ trợ đến các khu vực bị ngập lụt, bao gồm rút nước bằng máy bơm và sơ tán người dân, cũng như chuyển thức ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết khác cho người bị mắc kẹt.
"Tôi muốn đến bệnh viện vì bị viêm xoang. Tôi chờ suốt từ 6h sáng nhưng không có chiếc thuyền nào đi qua", một người đàn ông lớn tuổi ở tầng trên cùng của một ngôi nhà tại Ubon Ratchathani cho hay. "Không có điện và chúng tôi phải dùng nến. Tôi không muốn đến nơi tạm trú vì ở đó rất đông, có thể mất đồ đạc", một người khác nói.
Tình hình ở Ubon Ratchathani khiến hashtag "Giải cứu Ubon" được sử dụng hơn 100.000 lần trên mạng xã hội Twitter. ONWR cho biết sẽ cần ít nhất 24 ngày nữa để nước rút khỏi tỉnh này, do cách duy nhất là thoát nước ra sông Mekong và hiện không thể đào thêm đường thoát.
23.000 người đã được sơ tán tại 4 tỉnh chịu lũ lụt nghiêm trọng. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm nay sẽ có bài phát biểu trên truyền hình để kêu gọi quyên góp cho các nạn nhân bị lũ lụt.
Phó tổng thư ký ONWR Samroeng Sangphuwong cho biết trận lũ này không tồi tệ như năm 2011 khi nhiều vùng của đất nước, bao gồm thủ đô Bangkok và các khu công nghiệp ngay bên ngoài thành phố, bị ngập. Trận lũ năm 2011 khiến 815 người chết và Thái Lan chịu thiệt hại 46,5 tỷ USD.
Kể từ cuối tháng 8, hơn 400.000 hộ gia đình trên cả nước đã bị ảnh hưởng, trong khi hơn 3.000 km vuông đồn điền chịu thiệt hại. Ông Manit Nachaiyayo, một nông dân ở tỉnh Kalasin phía đông bắc, nói rằng gần 20.000 mét vuông ruộng lúa của ông đã chết dù nước lũ đã rút. "Tôi buồn đến không thể ngủ được. Tôi đầu tư 20.000 baht (651 USD) vào vụ lúa và tất cả đã biến mất", ông nói.
Tổng thiệt hại kinh tế do lũ lụt chưa được thống kê lập tức, nhưng theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, thiệt hại cho các nhà máy ước tính lên tới 133 triệu baht (4,3 triệu USD).
Chú chó đứng trên nóc ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm ở tỉnh Ubon Ratchathani hôm 14/9. Ảnh: AFP. |
Thảm họa hạn hán và lũ lụt ở đông bắc Thái Lan có thể làm giảm sản lượng gạo thơm ít nhất 30%, với mức giá dự kiến tăng tới 20% trong năm nay, Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng lúa Thái Lan Jakkapol Charnburanawat cho biết hồi đầu tháng 9.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, đã xuất khẩu 11 triệu tấn gạo vào năm ngoái. Hạn hán đã hạ thấp mục tiêu xuất khẩu xuống còn 9 triệu tấn trong năm nay.
Tại đảo nghỉ mát Koh Chang nổi tiếng của Thái Lan, lũ quét sâu đến đầu gối do mưa lớn cuối tuần qua đã làm hỏng một cây cầu. Một cầu tạm được dựng lên hôm 16/9. Chính phủ Thái Lan thông báo gia đình có nạn nhân chết do lũ lụt sẽ được hỗ trợ 50.000 baht (1.640 USD), trong khi những người có nhà bị hư hại hoàn toàn sẽ nhận 200.000 baht (6.550 USD).
Huyền Lê (Theo Straits Times)
Quân đội Thái Lan tiếp nhận loạt xe bọc thép Stryker đầu tiên của Mỹ
Tờ Bangkok Post hôm 12/9 đưa tin, quân đội Hoàng gia Thái Lan đã chính thức nhận lô xe bọc thép Stryker đầu tiên gồm ... |
Thái Lan mua tàu đổ bộ Trung Quốc
Thái Lan ký hợp đồng mua một tàu vận tải đổ bộ lớp Type-071E trị giá 130 triệu USD do Tập đoàn Đóng tàu Nhà ... |
Ngày đăng: 07:50 | 17/09/2019
/ vnexpress.net