Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp khó khăn sau khi chính quyền ông Donald Trump áp thuế cao, còn Trung Quốc dựng rào. Nhiều đại gia Việt suy sụp nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã tìm được hướng đi mới.
Lợi nhuận tăng mạnh
Một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vượt xa kỳ vọng của các nhà đầu tư. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tăng vọt bất chấp bối cảnh thị trường xuất khẩu thay đổi chính sách liên tục, bất ổn và theo xu hướng bảo hộ, tăng thuế và dựng hàng rào kỹ thuật.
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2019 với lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng mạnh 22,5% lên 58,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ACL đạt gần 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Nam Việt - Thủy sản Nam Việt (ANV) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 2 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận đạt hơn 350 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ.
Đây là hai doanh nghiệp cá tra có kết quả tích cực trong bối cảnh việc khẩu cá tra Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng của các doanh nghiệp cá tra trong nước giảm 7% xuống dưới 930 triệu USD.
Chính quyền Donald Trump áp thuế cao lên thủy sản Trung Quốc và một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. |
Trước đó, hồi đầu tháng 4, chính quyền ông Donald Trump đã gây sốc khi công bố kết quả đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) với một loạt mức thuế chống bán phá giá cao áp lên các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Thủy sản Hùng Vương (HVG) của đại gia Dương Ngọc Minh - “vua” cá tra Việt Nam - bị áp thuế 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). NTSF Seafood bị áp thuế 1,37 USD/kg. C.P Vietnam, CL-Fish, Green Farms Seafood, Vinh Quang Corp. cũng bị áp mức thuế 1,37 USD/kg. Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Vĩnh Hoàn của nữ hoàng thủy sản miền Tây Trương Thị Lệ Khanh khá thành công với thị trường tỷ dân này.
Trong năm 2018, xuất khẩu cá tra của Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) tăng mạnh, phá kỷ lục 20 năm và thâm nhập thành công thị trường Trung Quốc.
Trong vài năm qua, Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năng sau khi Bắc Kinh đưa hàng chục mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế vào thị trường này như: tôm tùm, tôm sú, cá tra đông lạnh, cá basa, bạch tuộc,...
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh 50% trong năm 2017 đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu đang có xu hướng quay đầu giảm do Trung Quốc siết chặt quản lý các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu, không còn là thị trường dễ tính. Bên cạnh đó, sức cầu của thị trường tỷ dân cũng có dấu hiệu suy giảm khiến không ít doanh nghiệp Việt gặp khó.
Xuất khẩu thủy sản vào ASEAN tăng mạnh. |
Tìm đường lách
Sở dĩ các doanh nghiệp thủy sản nhỏ và vừa trong 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung là nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á và tiếp tục nhắm đến Trung Quốc như một thị trường nhiều tiềm năng.
Điển hình, kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt đạt 66,6 triệu USD, tăng 11% trong 6 tháng đầu năm 2019 chủ yếu nhờ hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Đông Nam Á. Thị trường Đông Nam Á gần đây bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt cá tra.
Trong khi dự báo xuất khẩu thủy sản cả nước tiếp tục yếu trong nửa cuối 2019 do chịu tác động của thẻ vàng châu Âu và sự siết chặt kiểm soát nhập khẩu về chất lượng của Trung Quốc và Hong Kong, thì xuất khẩu sang khu vực ASEAN có xu hướng tăng và bù đắp phần nào sụt giảm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong 5 tháng đầu năm tăng gần 15% so với cùng kỳ, lên gần 90 triệu USD. Thái Lan bất ngờ đẩy mạnh nhập khẩu cá tra, Phillippines và Malaysia cũng được xem là thị trường triển vọng.
Trước việc cá tra bị Mỹ áp thuế lớn và gặp khó khăn khi vào châu Âu và gần đây là vướng mắc tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng khác cũng như đa dạng sản phẩm.
Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng vua tôm Lê Văn Quang - Chu Thị Bình tập trung xuất khẩu tôm và tôm bao bột sang Mỹ. Doanh thu từ xuất khẩu của MPC sang Mỹ trong 6 tháng tăng 12%, lên gần 111 triệu USD. Trong các tháng tiếp theo, lượng đơn hàng còn tăng vì vào cao điểm mua hàng.
Xuất khẩu tôm của Minh Phú vào Mỹ tiếp tục tăng. |
Riêng sản lượng tôm bao bột của cả nước sang thị trường Mỹ tăng khá mạnh gấp khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Việt đang tận dụng cơ hội cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để mang lại giá trị gia tăng cho mình. Tôm bao bột là sản phẩm Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh do chi phí sản xuất thấp, tuy nhiên xuất khẩu vào Mỹ đang phải chịu mức thuế 25% sau quyết định của ông Trump hồi tháng 5. Trong khi, chi phí sản xuất tôm bao bột của các nước trong khu vực, như Thái Lan, cao hơn Việt Nam khá nhiều, khoảng 25%.
Mảng tôm vẫn là lợi thế của Việt Nam. Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) đã giảm thuế tôm cho CTCP Thực phẩm Sao Ta - Fimex (FMC) thuộc Tập đoàn Pan của đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng và các công ty khác từ mức 25,39% xuống 0%. Đây là thắng lợi lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm.
Theo VASEP, 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể khả quan hơn sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên, thẻ vàng IUU vẫn là mối quan ngại, tác động giảm xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản có thể tăng trưởng tốt hơn, nhất là với mặt hàng tôm. Thị trường Trung Quốc ít có dấu hiệu tích cực, do vậy xuất khẩu sang thị trường này dự kiến vẫn giảm nhẹ so cùng kỳ năm ngoái. Nhưng gần đây, sau động thái của chính quyền Donald Trump và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng giảm lãi suất, đồng NDT đang có xu hướng hồi phục sau một thời gian phá giá. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trung Quốc hiện là một trong 4 thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam trên 1 tỷ USD/năm.
Ngoại trừ HVG, nhiều cổ phiếu thủy sản khác gần đây tăng mạnh như: ACL, ANV, CMX của CTCP Camimex Group,... Các cổ phiếu này đều có giá ở quanh vùng đỉnh cao lịch sử. Camimex (CMX) vừa đặt kế hoạch lợi nhuận 2019 tăng hơn 2,5 lần so với 2018 lên gần 200 tỷ đồng khi đặt kỳ vọng vào các hiệp định CPTPP và EVFTA.
H. Tú
Sóng ngầm thương chiến Mỹ - Trung
Thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka - Nhật Bản cuối ... |
Nỗi lo thất nghiệp của công nhân Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Các nhà máy Trung Quốc sản xuất hàng xuất khẩu phải giảm nhân sự và cắt thời gian tăng ca, khiến cho đồng lương của ... |
Chiến lược cao tay, thâm sâu của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Trong lúc Mỹ áp thuế ồ ạt, hàng loạt với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh lại hết sức khôn ngoan khi lựa cơm gắp ... |
Chiến thuật phản đòn của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Trung Quốc chỉ tung đòn vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể thay thế được, đồng thời giảm thuế cho các đối ... |
Hơn 600 công ty Mỹ kêu gọi Trump giải quyết thương chiến với Trung Quốc
Các doanh nghiệp cho rằng việc Mỹ - Trung đánh thuế lẫn nhau khiến cả hai đều bất lợi, thậm chí có thể khiến đông ... |
Ông Trump không thể thắng thương chiến với Trung Quốc
Có tranh cãi rằng Trung Quốc hành xử bất công để bảo vệ các ngành nội địa. Nhưng nếu "chẩn đoán " của chính quyền ... |
Ngày đăng: 14:25 | 24/07/2019
/ vietnamnet.vn