Ngay cả ở đỉnh điểm thương chiến, chính quyền Trump cũng không tung loạt đòn công kích Trung Quốc dồn dập và cứng rắn như các động thái gần đây.

Tối 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, sau 45 ngày nữa. "Mỹ cần hành động quyết liệt nhằm vào chủ sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia", sắc lệnh có đoạn. Đây được coi là đòn công kích mới nhất của Washington nhắm vào Bắc Kinh, nhằm chia tách giới công nghệ Mỹ và Trung Quốc

Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng công bố khuyến nghị đề xuất loại các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, trừ khi họ cung cấp cho cơ quan quản lý Mỹ quyền tiếp cận đầy đủ vào những tài khoản đã được kiểm toán.

Chỉ vài giờ sau sắc lệnh của Trump, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với 11 cá nhân "làm suy yếu tính tự trị và cấm quyền tự do nêu quan điểm hoặc hội họp của dân Hong Kong", bao gồm trưởng đặc khu Carrie Lam và nhiều quan chức cấp cao khác của thành phố.

Trước đó vào ngày 31/7, Bộ Tài chính Mỹ còn trừng phạt Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), cùng cựu bí thư đảng ủy XPCC Tôn Kim Long và phó bí thư đảng ủy XPCC Bành Gia Thụy, với cáo buộc "vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ". Quyết định này được đưa ra vài tuần sau khi Washington trừng phạt bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận cáo buộc người Duy Ngô Nhĩ bị "phân biệt đối xử".

Ngoài những động thái trên, Washington gần đây còn tung ra một loạt "đòn đánh" đáng kể khác với Bắc Kinh, như quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, hay tăng cường kêu gọi đồng minh ngăn tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G.

3558 11
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thành phố Cleveland, bang Ohio, hôm 6/8. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Bethany Allen-Ebrahmian của Axios, chỉ trong vài tuần, Washington đã đề xuất hoặc thực thi những chính sách "diều hâu" nhất với Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ, bao gồm các động thái tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng vượt khỏi tầm ảnh hưởng với Trung Quốc.

"Chúng ta đang bước vào vùng nhá nhem trong quan hệ Mỹ - Trung", Evan Medeiros, cố vấn hàng đầu về châu Á tại Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, đề cập tới trạng thái bấp bênh của quan hệ song phương sau loạt động thái gần đây của chính quyền Trump.

"Đây là một thời điểm kỳ lạ trong mối quan hệ. Dường như chính quyền Trump đang tích cực dựng lên một cuộc đối đầu chiến lược, trong khi Bắc Kinh truyền đi thông điệp rằng 'tại sao chúng ta không thể hòa hợp?'", Medeiros nêu ý kiến.

Trước khi Washington tung ra những động thái cứng rắn gần đây, quan hệ Mỹ - Trung đã xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập 4 thập kỷ trước, theo nhận xét của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tổng thống Trump hồi tháng 6 thậm chí đe dọa "tách rời hoàn toàn" khỏi kinh tế Trung Quốc.

Trong một nỗ lực được cho là nhằm chuyển hướng chỉ trích đối với cách Washington xử lý đại dịch Covid-19, Trump liên tục đổ lỗi cho Bắc Kinh vì không kiểm soát "virus Trung Quốc". Hầu hết chuyên gia tin rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc để lấy lòng cử tri, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần.

Theo một số nhà phân tích, các động thái của chính quyền Trump còn giúp khẳng định thông điệp trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ, rằng Joe Biden, ứng viên thuộc đảng Dân chủ, quá mềm mỏng trước mối đe dọa từ Trung Quốc nên không đủ sức đối đầu với Bắc Kinh.

Đáp lại lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ với các quan chức cấp cao trong chính quyền đặc khu, Hong Kong gọi đây là "sự can thiệp trắng trợn và tàn ác" vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, bằng cách biến đặc khu thành "con tốt trong mưu đồ gây rắc rối cho quan hệ Mỹ - Trung".

"Động thái mới nhất của chính phủ Mỹ, cái gọi là lệnh trừng phạt các quan chức cấp cao của chúng tôi, là một nỗ lực hoàn toàn thiếu tôn trọng và sẽ gây suy yếu quan hệ giữa Hong Kong với Mỹ ở nhiều cấp độ", chính quyền Hong Kong cho hay.

Trước đó, Mỹ đã hủy trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới với đặc khu. Giới chức Mỹ cho rằng Hong Kong không còn đủ quyền tự trị theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", như trong thỏa thuận trao trả đặc khu giữa Anh và Trung Quốc.

Leigh Hansson, chuyên gia tại công ty luật Reed Smith, đánh giá lệnh trừng phạt trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam là "sự gia tăng căng thẳng nghiêm trọng nhất" giữa Mỹ và Trung Quốc trong những tháng gần đây, bởi Washington hiếm khi nhắm mục tiêu vào một người đứng đầu chính quyền, nói thêm rằng động thái này còn gây lo ngại cho các ngân hàng quốc tế.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tất cả ngân hàng đều bối rối và tự hỏi họ nên làm gì", Hansson cho hay. Theo chuyên gia này, nhiều tổ chức tài chính không thuộc Mỹ cũng sẽ rất ngần ngại tham gia những giao dịch liên quan đến 11 quan chức Hong Kong bị trừng phạt.

Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cũng nhận định việc Mỹ trừng phạt bà Lam "sẽ tạo ra hiệu ứng gợn sóng khắp Hong Kong, ảnh hưởng tới cả vai trò trung tâm tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của đặc khu".

Theo Blanchette, Hong Kong vốn đã trở thành "một thị trường bấp bênh" sau khi luật an ninh được áp đặt và giờ đây việc Mỹ đưa trưởng đặc khu Lam vào danh sách trừng phạt sẽ "không khỏi khiến các doanh nghiệp tại đây ớn lạnh".

3602 12
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thông báo về luật an ninh mới trước báo giới hôm 6/7. Ảnh: AFP.

Các sắc lệnh nhắm vào ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, cũng được cho là sẽ gây tác động to lớn. Ngoài tổn hại về mặt tài chính, động thái này còn đe dọa sự kết nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Washington đang cố gắng ngăn Bắc Kinh vươn lên thành siêu cường. Tất cả động thái đó sẽ để lại ấn tượng xấu tại Trung Quốc, nơi chủ nghĩa dân tộc đang rất mạnh mẽ", Yik Chan Chin, nhà nghiên cứu truyền thông toàn cầu tại Trung Quốc, nhận định.

Tầm ảnh hưởng của WeChat nói riêng và Tencent nói chung được cho là đã "bám rễ" vào Trung Quốc, cũng như cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. WeChat có hơn một tỷ người dùng, thậm chí được một số người gọi là "siêu ứng dụng", với hàng loạt chức năng như nhắn tin gọi điện, chơi điện tử, thanh toán, đặt đồ ăn, taxi. Từ Walmart đến Starbucks, hay NBA và Nike, gần như tất cả thương hiệu tiêu dùng lớn của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đều gắn bó mật thiết với Tencent và mạng lưới của tập đoàn này, bao gồm WeChat và JD.com.

Jason Gui, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Vue Smart Glasses tại San Francisco, cho biết nhóm của ông dựa vào WeChat để liên lạc với các nhà cung ứng ở Trung Quốc, nên lệnh cấm giao dịch với công ty mẹ của ứng dụng này sẽ gây ra nhiều rắc rối. Các email gửi đến Trung Quốc thường không được hồi đáp suốt nhiều ngày, trong khi các vấn đề gửi qua WeChat được tiếp nhận ngay lập tức.

"Khi Mỹ áp đặt những lệnh cấm đó, họ có lẽ không nhận ra quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên ràng buộc như thế nào. Mạch liên lạc của chúng tôi với phía Trung Quốc phụ thuộc vào WeChat. Lệnh cấm sẽ làm tổn hại các doanh nghiệp nhỏ, những bên chỉ có nguồn lực hạn chế và phải tìm cách lách luật này", Gui cho hay.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/8 dường như cố gắng "chìa cành ô liu" khi kêu gọi Mỹ không chia rẽ hai nước và ngừng nỗ lực "tạo ra cái gọi là Chiến tranh Lạnh mới". Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì sau đó cũng bình luận rằng cánh cửa đàm phán Mỹ - Trung vẫn rộng mở.

Theo bình luận viên John Ruwitch của NPR, thông điệp của Bắc Kinh với Washington hiện nay là hãy dừng lại và trở về trạng thái quan hệ bình thường. "Bắc Kinh trước đây khá miễn cưỡng nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp Mỹ bởi coi họ như đồng minh. Trung Quốc cũng mang lại động lực tăng trưởng lớn cho các công ty Mỹ, đặc biệt trong đại dịch", Ruwitch giải thích.

Tuy nhiên, bình luận viên này cho rằng việc Mỹ trừng phạt trưởng đặc khu Hong Kong sẽ "chọc giận" Trung Quốc, thúc đẩy nước này trả đũa. "Căng thẳng giữa hai nước dường như thực sự không có điểm dừng trước mắt. Chính quyền Trump có vẻ đang nhắm tới việc hành động càng nhiều càng tốt để chia rẽ mối quan hệ nhanh nhất có thể", Ruwitch nhận định.

Ánh Ngọc (Theo Financial Times, Axios, Bloomberg, NPR)

Tại sao TikTok mắc kẹt giữa cuộc chiến Mỹ – Trung Tại sao TikTok mắc kẹt giữa cuộc chiến Mỹ – Trung

Chính quyền Trump có thể đang lo ngại TikTok trở thành nền tảng mạng xã hội toàn cầu thực sự.

Chương mới của quan hệ Mỹ - Trung đầy rẫy đối đầu? Chương mới của quan hệ Mỹ - Trung đầy rẫy đối đầu?

Các mối quan hệ kinh tế một thời từng giúp xoa dịu căng thẳng Mỹ - Trung, nhưng các doanh nghiệp ngày nay không đủ ...

Ngày đăng: 06:00 | 11/08/2020

/ vnexpress.net