Sau hơn hai năm "vắng bóng" du khách quốc tế, nhiều địa phương đang đứng trước cơ hội mở cửa đón khách trở lại nhưng trong tâm thế đầy rẫy mối lo.

Là hai trong số 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 1, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có những bước "chạy đà" nhằm sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại sau hơn 2 năm "vắng bóng" do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hai tỉnh, thành có ngành Du lịch phát triển bậc nhất ở miền Trung này đang đối mặt với không ít mối lo.

Đón du khách quốc tế: Doanh nghiệp kiệt quệ, nhân viên bỏ việc, mở cửa thế nào? - 1

Vô vàn mối lo

Đan xen trong niềm vui khi đứng trước cơ hội mở cửa đón khách là vô vàn mối lo đang đè nặng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành "công nghiệp không khói" ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An - cho hay, ngay khi Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ông cùng đại diện 5 đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xây dựng tour để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế. "Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở giai đoạn xây dựng kịch bản vì tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đang còn rất phức tạp. Do vậy, lượng khách đi du lịch e rằng không cao.

Cũng chính vì không chắc chắn vào nguồn khách nên hiện tại, hơn 70% nhân viên của công ty tôi vẫn chưa thể hẹn ngày đi làm trở lại", ông Tuấn giãi bày.

Đón du khách quốc tế: Doanh nghiệp kiệt quệ, nhân viên bỏ việc, mở cửa thế nào? - 2

Đề cập đến tình hình mở cửa của doanh nghiệp du lịch tại địa phương, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - khẳng định, dù đứng trước cơ hội đón khách quốc tế nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa là không cao.

Theo ông Thanh, 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, "điệp khúc" mở cửa du lịch rồi lại đóng khiến nhiều chủ doanh nghiệp dè dặt. "Qua khảo sát, đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh có chưa tới 20% doanh nghiệp du lịch mở cửa trở lại.

Bây giờ mở cửa là xác định đối mặt với đầy rẫy mối lo như: Tuyển dụng lại nhân sự, vận hành lại bộ máy và đặc biệt là cần chi phí lớn…Đó là chưa kể, mở cửa cũng chưa chắc có khách trong ngày một, ngày hai, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam", ông Thanh nói.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết mặc dù hoạt động đón khách quốc tế được phép trở lại từ tháng 11 nhưng các đơn vị còn dè dặt do điều kiện thời tiết mưa bão, tâm lý khách chưa sẵn sàng để đi du lịch. Ngoài các đơn vị đã mở cửa như một số khu, điểm do Nhà nước quản lý, công viên nước Mikazuki mở lại một số dịch vụ thì phần lớn các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị.

Mở cửa cũng chưa chắc có khách trong ngày một, ngày hai, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Ông Phan Xuân Thanh

Theo ghi nhận của PV, hầu như các khách sạn, nhà hàng lớn nằm trên những trục đường chính chuyên phục vụ du khách quốc tế vẫn chưa sẵn sàng mở cửa hoạt động trở lại. Trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, nhiều khách sạn thuộc hạng 4 sao và 5 sao vẫn cửa đóng then cài.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Giám đốc Công ty Lạc Gia, doanh nghiệp của bà đã tạm ngừng hoạt động 2 năm nay. Các đối tác ở Hàn Quốc, Trung Quốc cũng không còn hoạt động nên chưa tìm được đối tác mới.

“Theo dự kiến của Đà Nẵng, ban đầu sẽ thực hiện thí điểm đón khách Nga và Hàn Quốc nhưng để thực hiện được không phải dễ dàng. Đặc biệt, những ngày qua, Nga là một trong những điểm bùng phát dịch lớn của thế giới nên dự báo lượng khách từ thị trường này sẽ không nhiều như mong muốn. Còn với thị trường Hàn Quốc, công ty chúng tôi chưa tìm được đối tác mới nên cũng không có khách”, bà Thùy bộc bạch.

Cũng theo bà Thùy, thực sự công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã kiệt quệ, bây giờ hoạt động trở lại trở lại mà không có khách, không có doanh thu thì lấy gì trả lương cho nhân viên. Đó là chưa kể nhiều nhân viên sau thời gian dài thất nghiệp, họ phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống nên gọi trở lại cũng không mấy người mặn mà.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, người có thâm niên quản lý trong lĩnh vực du lịch gần 20 năm, hiện đã chuyển sang làm lĩnh vực khác, cho rằng, thực tế các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa đã kiệt quê vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chưa thể sẵn sàng mở cửa trở lại.

Đón du khách quốc tế: Doanh nghiệp kiệt quệ, nhân viên bỏ việc, mở cửa thế nào? - 3

“Vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình mới nhưng để làm được điều này thì không phải một sớm một chiều. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch dù là có thật nhưng với tình hình dịch trên thế giới đang diễn biến phức tạp nên tâm lý du khách vẫn rất e ngại. Người ta đặt sức khỏe, an toàn lên trên hết nên để thu hút được khách, mức độ an toàn của điểm đến là yếu tố quyết định”, ông Tài đánh giá.

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa sẵn sàng, các doanh nghiệp du lịch lớn tại Đà Nẵng như SaigonTourist, VietTravel... dù duy trì hoạt động nhưng thực tế không có khách.

Theo bà Hiền - quản lý tại một công ty du lịch lớn ở Đà Nẵng, hiện công ty chỉ mở cửa duy trì chứ thực tế chưa đón khách.

“Tầm giữa năm 2022, chúng tôi mới chính thức mở cửa trở lại vì hiện nay Đà Nẵng cũng chỉ trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế theo tour khép kín. Từ đây đến thời điểm đó chúng tôi tập trung cho công tác chuẩn bị, nhất là tìm kiếm, kêu gọi nguồn nhân lực vì hầu như họ đã chuyển nghề khác để kiếm sống”, bà Hiền chia sẻ thêm.

"Chạy đà" mở cửa đón khách

Từ tháng 10, tỉnh Quảng Nam đã ban hành dự thảo kế hoạch mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam trong tình hình mới, lộ trình đón khách sẽ theo 4 giai đoạn.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu chi tiết, cụ thể các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đón khách, trong đó bao gồm các điều kiện theo quy định chung, các điều kiện riêng, áp dụng với từng đối tượng khách du lịch nội địa, khách du lịch đến từ các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Đón du khách quốc tế: Doanh nghiệp kiệt quệ, nhân viên bỏ việc, mở cửa thế nào? - 4

Đối với khách quốc tế, Quảng Nam "chọn mặt gửi vàng" 3 đơn vị cung ứng dịch vụ được thí điểm đón khách gồm: Hoiana, TUI Blue Nam Hội An, Vinpearl Nam Hội An (chia thành 3 khu golf, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi). Trong tháng 11, hai Di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cũng sẽ được thí điểm đón khách tham quan, mua sắm theo lịch trình được xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ, một thuận lợi để khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An là hàng quán hiện mở cửa chưa nhiều, sự tiếp xúc cộng đồng sẽ được giảm thiểu.

Theo ông Lanh, ở giai đoạn 2 (tháng 1/2022), khi phạm vi mở rộng, du khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung một số địa phương khác. Điều này sẽ tạo điều kiện cho du khách nước ngoài được tham quan, vui chơi nhiều nơi hơn khi sang Việt Nam du lịch.

"Bên cạnh việc đẩy mạnh phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân địa phương, chính quyền thành phố cũng đang dốc sức đầu tư các hoạt động văn hóa, lễ hội vào dịp cuối năm như: Lễ hội đèn lồng, ẩm thực đường phố và dạ hội chào năm mới. Hy vọng với sự chuẩn bị từ rất sớm này, du khách quốc tế sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời khi đến Hội An", ông Lanh nói.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, Sở Du lịch TP đã vạch ra chương trình khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, khôi phục và phát triển du lịch được xem là nhiệm vụ quan trọng giúp địa phương phục hồi hoạt động kinh tế. TP Đà Nẵng sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch, đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ và đồng thành với ngành Du lịch triển khai hiệu quả kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Ông Sơn yêu cầu các đơn vị phải nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, máy quét Mã QRcode, tuyển dụng đào tạo nhân sự để đón khách trở lại.

Đón du khách quốc tế: Doanh nghiệp kiệt quệ, nhân viên bỏ việc, mở cửa thế nào? - 5

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động liên kết, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn khách, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, hấp dẫn khách du lịch.

Để phục hồi du lịch, Đà Nẵng ký biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thành phố giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Đà Nẵng và Viettel Đà Nẵng - Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel.

Đà Nẵng cũng ký biên bản hợp tác khôi phục và xúc tiến đường bay đến Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới giữa Sở Du lịch TP Đà Nẵng với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Quỹ xúc tiến phát triển Du lịch Đà Nẵng, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công ty Cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng cùng với các hãng hàng không và đăng ký hưởng ứng cùng đồng hành khôi phục phát triển du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới của các đơn vị kinh doanh.

THANH BA - XUÂN TIẾN

Ảnh: Thành phố mở cửa đón khách quốc tế, nhiều khách sạn Đà Nẵng vẫn đóng Ảnh: Thành phố mở cửa đón khách quốc tế, nhiều khách sạn Đà Nẵng vẫn đóng
Từ tháng 11, đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói Từ tháng 11, đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói

Ngày đăng: 15:07 | 08/11/2021

/ vtc.vn