Nghe có vẻ “giáo điều”, nhưng điều tốt nhất mà đội tuyển Việt Nam nên nghĩ đến trước hai trận đấu với đội tuyển Trung Quốc và Oman ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là giữ vững niềm tin vào chính mình.

Chúng ta đã vào đến vòng loại cuối cùng và đó vốn là một giấc mơ trở thành sự thật. Bây giờ là lúc các tuyển thủ xứng đáng được sống trong giấc mơ đó thay vì phải chịu đựng bất cứ áp lực nào khác. Điều quan trọng hơn với bóng đá Việt Nam lúc này lại nằm ở phía sau hậu trường.

Giấc mơ có thật

Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam đã gặt hái vô số thành công, thiết lập một loạt kỷ lục, thống trị bóng đá Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup, giành huy chương vàng SEA Games. Hơn hết, đội bóng áo đỏ cũng vươn mình ra châu lục và bắt đầu trở thành cái tên quen thuộc hơn tại các giải đấu tầm cỡ châu Á, từ giải vô địch U23, ASIAD cho đến Asian Cup.

Đỉnh cao trong giai đoạn thành công đó là lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trước đây, bất cứ ai cũng xem tham dự World Cup là giấc mơ viển vông với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, việc lọt vào vòng loại cuối cùng với 11 đại diện mạnh nhất châu Á cho thấy chúng ta có tiềm năng biến điều đó trở thành sự thật. Tất nhiên là trong tương lai. Câu chuyện của đội tuyển Việt Nam lúc này là nhìn nhận thực tế. Giấc mơ nào viển vông, và giấc mơ nào có thật. Nếu phân cấp những giấc mơ như thế, chúng ta có quyền hài lòng và thỏa mãn khi bước vào giai đoạn này của vòng loại World Cup 2022.

Nên nhớ, tuyển Việt Nam chưa bao giờ lọt vào vòng loại cuối cùng trong quá khứ. Thế nhưng, đó cũng là điểm giới hạn của thầy trò HLV Park Hang-seo ở thời điểm này. Chúng ta không thể tạo ra thêm phép màu và san lấp khoảng cách rộng mênh mông với các cường quốc bóng đá ở châu Á. Hai trận đầu tiên ra quân toàn thua trước Saudi Arabia và Australia cho thấy điều đó. Với những gì đã thể hiện, tuyển Việt Nam cũng khó lòng có điểm trước Nhật Bản. Điều đó có nghĩa cơ hội cho chúng ta lọt vào top 3 của bảng đấu và giành suất play-off gần như không tồn tại.

Vấn đề của tuyển Việt Nam cũng như người hâm mộ lúc này là cách ứng xử với các thất bại và thái độ hướng đến tương lai. Thua Saudi Arabia 1-3 trên sân khách hay thua Australia 0-1 trên sân nhà đều là kết quả chấp nhận được. Nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần cho các trận thua đậm hơn, hoặc thậm chí là các trận thua trước các đối thủ được đánh giá vừa tầm như Oman và Trung Quốc.

Trong loạt trận quốc tế tháng 10/2021 sắp tới, tuyển Việt Nam sẽ lần lượt đối đầu với Trung Quốc và Oman. Về lý thuyết, đây là cơ hội vàng cho đội bóng của HLV Park Hang-seo tìm kiếm chiến thắng, qua đó thắp lại hy vọng vào top 3. Tuy nhiên, thực tế thường khó chịu và phũ phàng hơn. Nếu các tuyển thủ đặt mục tiêu quá mức, họ sẽ tự tạo ra áp lực không đáng có trước ngày ra quân. Nếu người hâm mộ mơ mộng quá nhiều, họ có thể sẽ quên mất vào đến đây và được thi đấu các trận đấu này đã là thành công lớn với bóng đá Việt Nam.

2.jpg -0

Kế sách đào tạo trẻ là điều bóng đá Việt Nam cần hướng tới.

Hướng đến tương lai

Nói như trên để thấy, điều tốt nhất mà tuyển Việt Nam cần khi bước vào các trận đấu với Trung Quốc và Oman là giữ được bản ngã và là chính mình. Chúng ta đã tiến những bước rất dài với HLV Park Hang-seo, nhưng để tiến xa hơn nữa và tiến bộ một cách bền vững, chúng ta cần sự vận động của cả một hệ thống. Đội tuyển Việt Nam có thể được nâng tầm nhờ một HLV, nhưng nền bóng đá Việt Nam không thể lột xác chỉ dựa vào một vài cá nhân.

Tất nhiên, không phải đội tuyển mạnh nào cũng xuất phát từ một giải vô địch quốc gia mạnh. Nhưng bất cứ nền bóng đá nào cũng phải phát triển từ gốc đến ngọn: đào tạo trẻ. Nước Bỉ từng bỏ ra hơn một thập kỷ để xây dựng lại hệ thống đào tạo bóng đá từ trường học đến các CLB chuyên nghiệp và gặt hái thành quả. Nước Anh cũng cho ra lò thế hệ vàng đầy tiềm năng - những người vào đến chung kết EURO 2020 nhờ cải cách các quy tắc chuyển nhượng, sử dụng tài năng trẻ từ những năm 2010. Đó đều là những kế sách mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi.

Ngay tại Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Myanmar đều có những bước đi quan trọng trong những năm gần đây. Thái Lan đang khủng hoảng so với chính họ, nhưng những thế hệ tài năng trẻ mới của họ được tạo điều kiện thi đấu tại Thai League từ rất sớm. Indonesia đi theo con đường hứa hẹn hơn: Xuất khẩu cầu thủ trẻ ra nước ngoài. Chỉ trong năm 2021, gần 20 cầu thủ trẻ của xứ Vạn Đảo đã xuất ngoại, trong đó phần lớn đến châu Âu. Myanmar lại là trường hợp khác, truyền thống và bài bản hơn với các lò đào tạo trải rộng khắp quốc gia. Đó cũng là điều bóng đá Việt Nam cần làm nếu không muốn rơi tự do sau giai đoạn thành công rực rỡ này.

Các lò đào tạo quốc tế liệu có hiệu quả?

Trong những năm gần đây, nhiều CLB lớn ở châu Âu đã bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và đầu tư vào đào tạo trẻ, trong đó đáng chú ý nhất có Dormtund vs Juventus. Đây là các lò đào tạo liên doanh, khác với học viện HAGL JMG - nơi đã kết hợp với Arsenal từ lâu và triển khai theo phương thức hoàn toàn khác.

Mặc dù vậy, giới mộ điệu có phần nghi ngờ các học viện quốc tế đang có xu hướng mọc lên ngày càng nhiều. Liệu các CLB này nghiêm túc hay chỉ muốn đánh bóng tên tuổi, và họ đóng góp bao nhiêu % vào “cái ruột” của kế hoạch đào tạo. Trung tâm PVF từng gây tiếng vang khi mời huyền thoại Man Utd, Ryan Giggs và Paul Scholes làm giám đốc kỹ thuật, nhưng từ trước đó, họ đã có cơ sở vật chất hiện đại và hệ thống giáo án bài bản, vừa chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với con người Việt Nam.

Quan trọng hơn, theo học ở học viện quốc tế không phải chuyện đơn giản, trong khi nhân tài bóng đá có thể xuất hiện ở các miền quê hẻo lánh nhất. Bóng đá phong trào và bóng đá học đường Việt Nam đã chững lại khá lâu và bây giờ là thời điểm vàng để VFF phát động lại một cách mạnh mẽ hơn.

An Khánh

Đội tuyển Việt Nam vào bảng phức tạp ở AFF Cup: Đội hình chính lại khổ! Đội tuyển Việt Nam vào bảng phức tạp ở AFF Cup: Đội hình chính lại khổ!
Đội phó tuyển Việt Nam: Phải có kết quả tốt trước Trung Quốc Đội phó tuyển Việt Nam: Phải có kết quả tốt trước Trung Quốc

Ngày đăng: 11:03 | 04/10/2021

/ cand.com.vn