Hàng trăm cây cần sa được người dân lén lút trồng trong vườn nhà, kể cả trong các chậu cây ở khu chung cư. Khi bị phát hiện, khai trồng để cho gà, heo ăn.

Nghìn cây cần sa lẫn trong rẫy cà phê

Công an huyện Krông Năng (Đắk Lắk) vừa phát hiện trong khu rẫy cà phê của gia đình 2 chị em bà Bùi Thị Loan (48 tuổi) và Bùi Thái Phong (37 tuổi, em trai Loan, cùng trú tại thôn Trường Hà, xã Ea Hồ) trồng gần 600 cây cần sa.

Nhiều lứa cây đã được thu hoạch. Ngoài ra, các hộ này còn ươm mầm hàng trăm cây non và tất cả được chăm sóc rất kỹ lưỡng.

doi tra kho luong cham ky luong nghin cay can sa cho ga an
2 chị em ở Đắk Lắk trồng cần sa cho… gà ăn

Bước đầu 2 chủ nhân khai, mua hạt loại cây này về ươm trồng để lấy lá cho gà ăn nhằm phòng chống dịch bệnh.

Cũng tại Đắk Lắk cách đây gần 3 tháng, Công an huyện Cư M’gar tạm giữ hình sự Phan Xô (47 tuổi, trú xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar) vì trồng 1.182 cây cần sa trong rẫy cà phê.

Ông Xô khai được một thanh niên không rõ lai lịch cung cấp hạt giống, đem ươm rồi trồng để lấy thân, cành, lá cho gà ăn và chế biến sử dụng.

doi tra kho luong cham ky luong nghin cay can sa cho ga an
Những vạt cần sa trồng rải rác trong vườn nhà người dân ở thôn xa dân cư tập trung nhằm tránh sự phát giác của lực lượng chức năng

Qua kiểm tra, công an còn phát hiện trong nhà Xô cất giấu 70g hạt giống, 300g hoa cần sa khô đã được sơ chế.

Cùng khu vực Tây Nguyên, ngày 24/4, Công an Lâm Hà (Lâm Đồng) tạm giữ hình sự Mai Văn Năm (SN 1972, trú thôn Liên Trung, xã Tân Hà) để điều tra, xử lý về hành vi trồng cần sa trái phép.

Có 92 cây cao ngang ngực người lớn, Năm khai nhận trồng cho bạn ở Đồng Nai để... nuôi heo.

Cùng ngày, ở Kiên Giang, Công an huyện U Minh Thượng xử phạt hành chính đối với ông T.Q.N (40 tuổi) và T.V.K. (35 tuổi, cùng ngụ xã An Minh Bắc) mỗi người 3,5 triệu về hành vi trồng cần sa trái phép; đồng thời tịch thu gần 100kg cần sa tươi và khô để tiêu hủy.

Tại cơ quan công an, cả 2 người này khai nhận trồng để dành... cho gà, vịt ăn chống bệnh.

Chế tài chưa đủ sức răn đe?

Không chỉ ở vùng xa xôi, trong những rẫy cà phê bạt ngàn, lực lượng chức năng còn bắt giữ nhiều đối tượng trồng cần sa tại nhà, ở các căn chung cư để vừa sử dụng và bán cho dân chơi.

Dư luận Hải Phòng hồi giữa năm 2018 từng xôn xao khi cựu sinh viên Bách khoa Đỗ Xuân Hiếu (SN 1989, ở số 17/347 Hùng Vương, quận Hồng Bàng) trồng trong nhà cả nghìn cây cần sa.

Tất cả các công đoạn từ gieo hạt, ươm trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến khâu chiết xuất tinh dầu đều được Hiếu thực hiện với quy trình khép kín hết sức tinh vi.

Lực lượng phá án thu giữ 859 cây cần sa; 1 bình thủy tinh chứa thảo mộc khô cần sa; 2 cốc thủy tinh, 1 xilanh chứa cao nhựa màu đen; 1 túi ni lon chứa hạt giống cây cần sa.

doi tra kho luong cham ky luong nghin cay can sa cho ga an
Để tránh bị nghi ngờ đối tượng Hiếu trồng cần sa xen với nhiều loại cây khác

Cũng giữa năm 2018, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hoàng Gia Phú (24 tuổi, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phú thuê căn hộ tại chung cư khu đô thị Nam Thăng Long với giá khoảng 7 triệu đồng/tháng để trồng cần sa với mục đích sử dụng và bán kiếm lời.

Phú đầu tư một số máy móc như máy sấy, lò ủ, đảm bảo hệ thống điện nhiệt để sấy khô, đóng gói cần sa theo qui mô công nghiệp khép kín...

Theo qui định, đối tượng trồng từ 500 đến dưới 3.000 cây cần sa mới là một trong những yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự. Còn lại chủ yếu chỉ bị xem xét, xử phạt hành chính.

Cụ thể, Nghị định 167 qui định về phòng, chống và kiểm soát ma túy là phạt tiền từ 2-5 triệu đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Còn Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 qui định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng: "a- Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống"\' "b- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm"\'; "c- Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây" mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm.

Khoản 4 Điều này cũng qui định: "Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự"...

Như vậy, nếu đối tượng trồng cần sa, nhưng phát hiện thấy có thể bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chủ động tiêu hủy trước thời điểm đó cũng không bị xử lý hình sự?

Trường hợp, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 -7 năm: a- Có tổ chức; b- Với số lượng 3.000 cây trở lên; c- Tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng...

Trong thành phần của cần sa có chứa chất ma túy, dễ gây nghiện. Từ đó, người nghiện sẽ tăng liều, hay tìm kiếm những loại ma túy mạnh hơn. Với tính chất nguy hiểm đó, việc trồng cây cần sa với bất cứ mục đích gì cũng bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị.

Tuy nhiên, với mức xử phạt trên, nhiều người cho rằng còn quá nhẹ. Cần phải có chế tài xử lý mạnh các đối tượng trồng cần sa, kể cả với qui mô nhỏ để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng trồng cây cần sa tại gia đình.

Đức Bảo

doi tra kho luong cham ky luong nghin cay can sa cho ga an Dối trá khó lường, chăm kỹ lưỡng nghìn cây cần sa cho gà ăn

Hàng trăm cây cần sa được người dân lén lút trồng trong vườn nhà, kể cả trong các chậu cây ở khu chung cư. Khi ...

Ngày đăng: 16:55 | 17/05/2020

/ vietnamnet.vn