Những ngày tháng 7 hàng năm, vị tướng của chiến trường Tây Nguyên dành thời gian lần lượt đi dâng hương cho đồng đội ở nghĩa trang trên cả nước.
Ở tuổi 93, hàng ngày Trung tướng Nguyễn Quốc Thước dậy sớm, dành 30 phút tập thể dục ở con ngõ nhỏ trước cửa nhà.
Với hơn 60 năm quân ngũ, tướng Thước được biết đến là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; sau đó, ông đảm nhiệm vị trí Tư lệnh Quân khu 4; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội ba khóa liên tục (VIII, IX, X).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hai lần bị thương trên chiến trường, là thương binh hạng 3/4.
Khoảng 6h45 hàng ngày, ông tiễn cháu nội đi học.
Bữa sáng hàng ngày của vị tướng tuổi 90 với bánh mỳ và bơ đường, thường diễn ra trong khoảng 10 phút. "Tác phong quân đội đã thấm sâu nên con cháu hay bảo tôi làm gì cũng nhanh gọn", ông chia sẻ.
Cuốn lịch ghi ngày mất của người vợ vẫn được ông treo ngay ngắn trên tường như một kỷ niệm không bao giờ quên.
Vị tướng đã gửi những năm tháng tuổi trẻ của mình vào con đường binh nghiệp nên ít khi có thời gian ở cùng vợ. Năm 2002, vợ ông bị tai biến nằm liệt giường, tướng Thước xin nghỉ hẳn công tác để ở nhà chăm sóc người bạn đời trong suốt 15 năm cho đến khi bà mất.
Thói quen hàng ngày được ông duy trì là việc đọc báo, xem tin trên mạng.
Trong những năm tháng là đại biểu Quốc hội, tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn.
Một lần ở phiên họp tổ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng than phiền về tình trạng "trên bảo dưới không nghe". Tướng Thước đứng lên nói luôn: “Thưa anh Mười, tôi làm tư lệnh quân khu, tôi nói mà sư đoàn trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Anh nên cách chức bộ trưởng nào trên bảo dưới không nghe, nếu không cách chức được thì anh nên từ chức”.
Sau đó có người lo lắng cho ông Nguyễn Quốc Thước vì phát biểu thẳng quá. Ông chia sẻ "tôi hiểu anh Đỗ Mười là người sẵn sàng lắng nghe, tranh luận với cấp dưới nên sẽ không quá để ý chuyện đó, điều quan trọng là tìm ra giải pháp vì lợi ích chung của đất nước".
Sau cuộc họp trên, ông Đỗ Mười gặp tướng Thước vỗ vai cười và nói: “Cậu này được đấy”.
Những ngày gần đây, ông dành thời gian viết bài tham luận cho Hội thảo "70 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào".
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông được nhà nước trao tặng 16 huân chương, hàng trăm huy chương và kỷ niệm chương.
Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận, chỉ những dịp đặc biệt mới đeo lên ngực áo.
Những ngày tháng 7 hàng năm, ông luôn dành thời gian đến viếng thăm, dâng hương cho các đồng đội đã nằm xuống ở nghĩa trang trên cả nước.
Có năm ông đi 14 nghĩa trang ở Tây Nguyên, dành nhiều thời gian trở lại chiến trường xưa để góp phần tìm kiếm đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh nhưng chưa được quy tập.
Một máy bay quân sự rơi ở Nghệ An
Máy bay quân sự được cho là xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) đã rơi ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. |
Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng: Quân đội không còn là ‘khu vực nhạy cảm’ trong xử lý vi phạm
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét, qua kết luận của UBKTTƯ cho thấy xử lý vi phạm là công khai minh bạch và quân đội ... |
Ngày đăng: 11:07 | 27/07/2018
/ https://vnexpress.net