Mỹ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc nếu cần nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh
Ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La tại Singapore (SLD 2018, hôm 2-6) nóng lên ngay từ đầu sau bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Đe dọa, gây sức ép
Theo ông chủ Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự tại biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí và tên lửa tiên tiến có liên quan trực tiếp đến mục đích quân sự, nhằm "đe dọa và gây sức ép" lên các nước láng giềng, đi ngược lại những cam kết trước đó của họ. Ông Mattis nhận định hành động của Trung Quốc ở biển Đông khiến nhiều người không khỏi đặt dấu hỏi về những mục tiêu rộng lớn hơn của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại quyết định rút lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) trong tháng này là "phản ứng đầu tiên" đối với một loạt khiêu khích gần đây của Bắc Kinh ở biển Đông, nổi bật là đưa tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và thiết bị gây nhiễu điện tử đến một số đảo nhân tạo phi pháp.
Ông Mattis không nói rõ Washington có đang cân nhắc những động thái trả đũa khác hay không nhưng cảnh báo về "hậu quả lớn hơn" nếu Trung Quốc không chuyển hướng. Ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc nếu cần nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả với Bắc Kinh.
Ngoài vấn đề biển Đông, Bộ trưởng Mattis còn nêu bật một số nội dung trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, như cam kết hỗ trợ các đồng minh châu Á củng cố nền pháp trị và bảo vệ biên giới hàng hải. "Không quốc gia nào có thể và nên thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" - ông nhấn mạnh.
Ông Aaron L. Friedberg, chuyên gia về chính trị và các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Princeton (Mỹ), nhận định bài phát biểu của ông Mattis có lẽ nhằm trấn an các đồng minh châu Á, không chỉ về các mối đe dọa ở khu vực mà còn về chính sách đối ngoại hay thay đổi của Tổng thống Donald Trump. "Họ không biết những gì xảy ra tiếp theo. Ngay cả những quan chức cấp cao như ông Mattis cũng không thể làm gì nhiều về điều này" - ông Friedberg nói với tờ The New York Times.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La 2018 ngày 2-6 Ảnh: REUTERS
Trung Quốc bao biện
Ông Mattis không phải là quan chức duy nhất chỉ trích hành động xây đảo, quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông tại SLD 2018. Phát biểu sau ông Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cảnh báo về hướng tiếp cận "ai mạnh là đúng" trong các mối quan hệ quốc tế.
Trong chỉ trích được cho là nhằm vào Trung Quốc, bà Payne nhấn mạnh không thể gây sức ép lên các nước chỉ vì họ đã phản đối hành vi không đúng đắn của quốc gia khác. Nữ bộ trưởng cũng nhắc lại lập trường của Úc đối với vấn đề biển Đông, đó là khuyến khích giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.
Đối mặt làn sóng công kích mạnh mẽ, tướng Hà Lôi, trưởng phái đoàn Trung Quốc dự SLD 2018, có những lời lẽ bao biện cũ rích cho hành động quân sự hóa biển Đông phi pháp. Ông Hà, hiện là Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, ngang ngược nói Bắc Kinh có "quyền chính đáng trong việc triển khai cơ sở quân sự phục vụ mục đích phòng vệ trên những đảo thuộc chủ quyền của mình" ở biển Đông và điều này "được luật pháp quốc tế cho phép"!
Theo ông Hà, bất kỳ ai chỉ trích vấn đề biển Đông cũng là đang can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Dù chỉ trích Mỹ gây tổn hại đến những lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, ông Hà vẫn hoan nghênh chuyến thăm sắp tới của ông Mattis đến Bắc Kinh và nói nước ông coi trọng quan hệ với Washington.
Hãng tin Kyodo nhận định việc Bắc Kinh chỉ cử phái đoàn do một quan chức cấp thấp như ông Hà dẫn đầu là nhằm ngăn nhà tổ chức SLD 2018 tiến hành thảo luận sâu hơn về hành động khiêu khích của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực. Đáng chú ý, không có quan chức Trung Quốc nào đăng đàn phát biểu trong ngày cuối cùng của SLD 2018 (3-6). Tại những hội nghị trước đó, theo trang Bloomberg, đây là dịp để Trung Quốc đáp trả bài phát biểu của Mỹ.
Chiến lược quốc phòng chung cho ASEAN
Là người đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận thứ ba về chủ đề "Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á" của SLD 2018 ngày 2-6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống (như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố…) đang hiển hiện, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần cùng đàm phán giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương. Từ thực tiễn của Việt Nam, bộ trưởng cho rằng ngoài khả năng tự quyết của mỗi quốc gia cũng cần có sự hỗ trợ một cách vô tư, công bằng, khách quan, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn. Mặt khác, các nước nên phát huy các cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh - chính trị, kinh tế trong khu vực và liên khu vực.
Về biển Đông, theo TTXVN, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Việt Nam cho rằng mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực.
Cũng trong phiên thảo luận này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu được hỏi ý kiến về một chiến lược quốc phòng chung cho toàn ASEAN - vốn được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đề cập trong các bài phát biểu trước đó tại SLD năm nay. Hai vị đều đặt ASEAN ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, một khái niệm mới đang được Mỹ thúc đẩy thay cho châu Á - Thái Bình Dương trước đây.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói ông ủng hộ các chiến lược mà ông Modi và Mattis nhắc đến. "Tuy nhiên, chúng tôi cần nghiên cứu kỹ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương trên thực tế trước khi xem xét điều chỉnh chính sách của chúng tôi" - báo Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Trong bài phát biểu trước đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định trong cấu trúc an ninh khu vực thì ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ, ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung.
H.NGỌC
HOÀNG PHƯƠNG
Ngày đăng: 05:09 | 03/06/2018
/ http://nld.com.vn