Dự án mỏ Tê Giác Trắng là một trong số những dự án thành công của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs, đóng góp sản lượng quan trọng cho Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) những năm qua. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với anh Trần Đại Nghĩa, Giàn trưởng Tàu FPSO TGT1 về những yếu tố làm nên thành công trong vận hành, khai thác mỏ Tê Giác Trắng.
PV: Xin anh cho biết anh đã gắn bó với dự án này từ khi nào?
Anh Trần Đại Nghĩa: Tôi bắt đầu làm việc cho Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs ngày từ 05/7/2010 đến nay và cũng có may mắn được tham gia và chứng kiến khai thác dòng dầu đầu tiên (FO) mỏ Tê Giác Trắng vào ngày 22/8/2011. Hơn 10 năm gắn bó với dự án, tôi cảm thấy rất tự hào khi được giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, đặc biệt là trực tiếp tham gia vào công việc cải hoán tàu FPSO ARMADA TGT1 bên Singapore cho đến đóng mới giàn TGT-H1 ở Vũng Tàu.
Giàn trưởng Trần Đại Nghĩa kiểm tra hệ thống công nghệ tàu FPSO TGT1
Đây là khoảng thời gian nhiều kỷ niệm đáng nhớ của tôi khi được làm việc với các đồng nghiệp trong công ty và cùng giám sát các nhà thầu trong-ngoài nước để công việc của dự án được hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đưa dự án vào vận hành khai thác, ổn định, mang về cho đất nước những dòng dầu quý giá cho đến ngày hôm nay.
PV: Trong những năm qua, HLHV JOCs duy trì vận hành ổn định, an toàn các mỏ, đóng góp quan trọng cho PVEP và Petrovietnam. Để làm được điều này, tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động tại dự án đã nỗ lực cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn, xin anh chia sẻ thêm về những điều này?
Anh Trần Đại Nghĩa: Tính đến thời điểm này mỏ Tê Giác Trắng đã đi vào khai thác hơn 11 năm khi có dòng dầu đầu tiên vào ngày 22/8/2011 từ giàn đầu giếng H1-WHP sau đó phát triển thêm các giàn H4 năm 2012 và H5 năm 2015 đồng thời kết nối mỏ Hải Sư Đen/Hải Sư Trắng vào hệ thống công nghệ khai thác của mỏ TGT.
Nhìn lại 11 năm qua, dự án đã có rất nhiều khó khăn, thách thức khiến cho tập thể lãnh đạo cũng như anh em cán bộ tại dự án phải “đau đầu” xử lý.
Thứ nhất, thiết kế ban đầu công suất xử lý của tàu FPSO chỉ phục vụ cho khai thác các khối H1 và H4. Tuy nhiên, nhằm tiết giảm chi phí cho dự án, chúng tôi đã triển khai các giải pháp để kết nối mỏ HSD/HST vào mỏ TGT. Bên cạnh đó, việc phát hiện khối H5 mỏ TGT làm công việc xử lý của tàu luôn làm việc ở mức trên 100% công suất thiết kế, đặc biệt là hệ thống gaslift, xử lý nước khai thác. Điều này khiến cho hệ thống công nghệ luôn bị quá tải. Chúng tôi là cán bộ kỹ sư trực tiếp tham gia sản xuất do đó việc đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn, liên tục là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Đối mặt với khó khăn đã tạo nên thói quen không ngừng học hỏi và sáng kiến
Tàu FPSO ARMADA TGT1
Dự án đã trải qua hơn 11 năm vận hành khai thác, với điều kiện máy móc thiết bị luôn xử lý ở mức trên 100% công suất thiết kế do vậy việc bảo dưỡng thiết bị, thay thế cũng cần phải được duy trì để đảm bảo sản xuất liên tục. Đây cũng là một áp lức lớn đối với anh em sản xuất trực tiếp do điều kiện dự án ngoài biển, ở vị trí xa, nếu muốn thay thế, bảo dưỡng cũng phải mất nhiều thời gian để xử lý.
Chưa kể các tác động từ biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh cũng làm xáo trộn công việc đổi ca, thậm chí vài ba tháng không được về nhà phải tập trung ở khu cách ly rồi lại đi biển.
Khó khăn như vậy nhưng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư của HLHV JOCs đều là những người từng trải qua rất nhiều dự án, có kinh nghiệm thực tế nên công tác chỉ đạo sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, anh em trong bờ cũng như trực tiếp sản xuất ngoài biển đều luôn sát sao với công việc, không quản ngày đêm, kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh để đưa ra những cách xử lý nhanh và hiệu quả nhất, không làm gián đoạn công tác vận hành khai thác.
Có thể nói chính tinh thần đoàn kết, kỷ cương, thống nhất và đồng lòng trong công việc, từ trong bờ đến ngoài biển, cũng như sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp lãnh đạo trong công ty nên tôi cùng các anh em trực tiếp sản xuất đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
PV: Đứng trước những khó khăn trong công việc, anh và các đồng nghiệp đã có những sáng kiến, những cải tiến gì để khắc phục khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đạt dấu mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu vừa qua?
Vào hồi 10 giờ 10 phút ngày 5/4/2022, mỏ Tê Giác Trắng (TGT) thuộc Công ty Liên doanh điều hành chung Hoàng Long Hoàn Vũ (HL-HV JOCs) chính thức đạt mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu.
Kể từ khi có dòng dầu đầu tiên, mỏ TGT được vận hành khai thác an toàn với hơn 27,4 triệu giờ công lao động không có LTI; khoan thành công 42 giếng thăm dò và khai thác. Trong những năm qua, thời gian hoạt động liên tục của mỏ TGT luôn duy trì ở mức độ cao (trên 98%).
Anh Trần Đại Nghĩa: Trải qua và đối mặt với những khó khăn đã tạo cho tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động của HLHV JOCs thói quen không ngừng học hỏi và đưa ra những sáng kiến nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại của hệ thống để tiết kiệm chi phí và duy trì thời gian sản xuất liên tục. Có thể kể đến như sáng kiến lắp hệ thống xử lý nước khai thác ở giàn đầu giếng H1, sáng kiến hoán cải máy nén khí để tăng công suất, áp suất của đường gaslift… Còn rất nhiều sáng kiến khác của các anh em đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn cho dự án.
Theo tôi, việc đạt mốc 100 triệu thùng có lẽ công lớn nhất thuộc về phòng công nghệ mỏ đã đưa ra chiến lược khai thác hợp lý, quản lý mỏ tốt trong điều kiện hàm lượng nước cao mà vẫn đảm bảo khai thác hiệu quả. Chúng tôi có thể tự hào mà nói rằng trong 11 năm qua hoạt động khai thác liên tục của mỏ TGT khá cao, đạt trung bình 98,3% và thuộc top đầu Việt Nam cũng như trên thế giới.
PV: Từ những trải nghiệm của bản thân, xin anh chia sẻ về những điều mà bản thân anh đang hướng tới cũng như mong muốn với các đồng nghiệp, cộng sự để đóng góp cho sự phát triển bền vững của HLHV JOCs, PVEP cũng như ngành Dầu khí?
Anh Trần Đại Nghĩa: Được tham gia dự án TGT từ những ngày đầu, tôi thấy rất may mắn khi được làm tại HLHV JOCs nơi mà có mội trường làm việc tốt, nhất là sự gắn kết giữa mọi người với nhau, không có sự phân biệt giữa các phòng ban hay giữa anh em ở văn phòng với ở biển. Trong những năm qua, ngành Dầu khí nói chung, Công ty HLHV JOCs nói riêng đã phải trải qua giai đoạn giá dầu lao dốc dẫn đến nền kinh tế trong nước và quốc tế rơi vào suy thoái, nhiều công ty dầu khí trên thế giới phá sản, rất nhiều lao động dầu khí mất việc làm. Nhưng trong bối cảnh khó khăn đó, Công ty cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động đã đoàn kết, nhất trí, cùng nỗ lực, chia sẻ khó khăn để vượt qua thời kỳ “u tối” đó, đạt được những thành công như ngày hôm nay.
Tôi và các anh em đồng nghiệp luôn tự nhắc mình cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát khai thác cũng như đảm bảo sức khỏe cho con người và an toàn cho môi trường góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự thành công và sự phát triển bền vững của HLHV JOCs, PVEP cũng như ngành Dầu khí, xứng đáng với truyền thống, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Ngày đăng: 08:26 | 27/09/2022
PV / Cổng thông tin PVEP