Phải tách bạch rất rõ ràng khối lượng công việc, đoạn nào trải thảm, đoạn nào làm mới để xây dựng định mức đầu tư cho phù hợp.

Trải thảm tính như đầu tư làm mới?

Dựa trên đề xuất của UBND Hà Nội, Bộ Giao thông đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ xin áp dụng hình thức chỉ định, lựa chọn Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức Hợp đồng BT.

doi hon 440ha dat nang cap ql6 ba la xuan mai la the
Đoạn đường từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa. Ảnh Zing

Về phía UBND thành phố Hà Nội cũng đã dự kiến đổi 41 ô đất tại 10 quận, huyện trên địa bàn Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì và Mê Linh làm quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Được biết, 41 ô đất có tổng diện tích khoảng 441,26 ha, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán là 7.200 tỷ đồng, chưa xác định chính thức giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định hiện hành.

Anh Hoàng Công Minh (Chương Mỹ - Hà Nội) thắc mắc: "Hà Nội kiến nghị được mang đất, tức là mang tài sản của dân ra đổi cho chủ đầu như vậy không khác nào dân đang chịu mất ba lần tiền còn chủ đầu tư thì lợi đơn, lợi kép. Cái mất cụ thể người dân phải chịu là thuế, phí và tài sản đất đai, còn cái lợi chủ đầu tư có là lợi thầu thi công mà không cần qua đấu thầu, lợi nhận đất mà không cần đấu giá đất, và cái lợi lớn nhất là lợi ở mục đích sử dụng đất theo ý chủ đầu tư", anh Minh nói.

Từ câu chuyện trên, anh Minh đề nghị Hà Nội phải công khai, minh bạch toàn bộ dự án, từ việc sửa chữa nâng cấp thế nào, chi phí đầu tư ra sao để tránh tình trạng mời chủ đầu tư vào trải thảm rồi hưởng lợi.

Anh Minh nêu lại những bức xúc tại trạm thu phí Lương Sơn - Hòa Bình, để cho thấy sự bất cập trong công tác điều hành, quản lý các dự án giao thông khiến người dân chịu thiệt.

Anh Minh nói, đoạn QL6 từ Xuân Mai - Hòa Bình được nâng cấp, cải tạo dựa trên cốt đường cũ được làm bằng tiền thuế của dân. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ thực hiện trải lớp nhựa mới mà thu phí tới 35.000 đồng/lượt, mức phí quá cao không thể chấp nhận được.

"Cao tốc Hà Nội - Lào Cai được làm mới hoàn toàn, với nguồn vốn đầu tư khủng khiếp như vậy nhưng chủ đầu tư cũng thu trung bình khoảng 1.000 đồng/km. Trong khi, chi phí trải thảm của dự án Xuân Mai - Hòa Bình chỉ bằng khoảng 1/5 lần chi phí làm mới nhưng chủ đầu tư thu 1.000 đồng/km, bằng đúng mức phí của cao tốc Hà Nội - Lào Cai", anh Minh bức xúc.

Theo tính toán của anh Minh, nếu cộng trung bình mức phí của một người dân khi qua trạm Lương Sơn - Hòa Bình với thời gian đóng phí trong 30 năm thì số tiền người dân bỏ ra đúng đủ mua được một chiếc ô tô.

Sao lạ thế?

Đồng tình với nhận đhnh trên, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cho biết, vấn đề phát triển hạ tầng là vấn đề chung của các quốc gia hiện đại chứ không riêng gì Việt Nam. Theo ông Đoàn, muốn kinh tế, xã hội phát triển thì hạ tầng phải phát triển trước một bước.

Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng cũng là một giải pháp và đã có từ 20 năm trước, tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế trên đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Một trong những vấn đề nổi cộm là nguy cơ tham nhũng, thất thoát rất lớn.

"Ngoài những vấn đề không rõ ràng trong việc xác định giá trị quy đổi đất với hạ tầng thì việc phê duyệt cho chủ đầu tư sử dụng đất đó thế nào, sử dụng vào mục đích gì cũng là kẻ hở thất thoát rất lớn", ông Đoàn nói.

Chỉ rõ nguy cơ thất thoát, tham nhũng ở dự án nâng cấp, cải tạo QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai, PGS Đoàn phân tích:

"Dự án cải tạo, nâng cấp đường QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai là cải tạo dựa trên nền đường cũ đã có sẵn. Trong trường hợp này phải rất tách bạch đoạn nào chủ đầu tư làm mới, đoạn nào cải tạo trên đường cũ để tính toán mức đầu tư cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ đoạn nào chỉ trải thảm, đoạn nào sẽ làm mới? Khối lượng công việc dự toán là bao nhiêu? Chi phí thế nào...? Tất cả phải rất rõ ràng, minh bạch.

Không thể có chuyện nhập nhèm, không minh bạch, mời chủ đầu tư vào trải thảm rồi tính tiền như làm mới. Từ chỗ chi phí bị đội lên sẽ kéo theo tổng mức đầu tư bị đẩy lên, đồng nghĩa với việc diện tích đất quy đổi cũng sẽ tăng lên", ông Đoàn nói rõ.

Theo ông Đoàn, thực tế đã có rất nhiều vụ việc tham nhũng, thất thoát liên quan tới thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã từng xảy ra. Vì vậy, ông cho rằng Hà Nội không nên đi theo cơ chế đó nữa.

6000ha đất đổi đường sắt đô thị: Có mối lo tham nhũng?

Chuyên gia Lê Cao Đoàn cho rằng Hà Nội hoàn toàn có nhiều cách để huy động được vốn làm hạ tầng mà không cần phải đổi đất, không lo mất tài sản. Quan trọng hơn là giữ cho được một môi trường làm việc trong sạch cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Vị PGS nói rõ, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng là cơ chế "cổ lô sĩ", không còn phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại nữa. Vì vậy, ông kiến nghị Hà Nội nên mạnh dạn thay đổi, không thể bám mãi vào đất được.

Nêu quan điểm về chủ trương trên, KTS Ngô Doãn Đức không ngại hỏi thẳng: "Đổi đất lấy hạ tầng dễ dẫn đến tham nhũng, dư luận đã chỉ thẳng tên nhiều tỉ phú hồi sinh nhờ cơ chế này rồi, vậy vì sao Hà Nội vẫn cứ làm?".

Ông băn khoăn không hiểu vì sao Hà Nội không đấu thầu công khai mà lại lựa chọn hình thức đi ngược với cơ chế thị trường. Ông đặt câu hỏi: "Vì sao Hà Nội xin chỉ định thầu? Vì sao lại lấy đất đổi hạ tầng? Sao lạ thế?."

Ngày đăng: 11:13 | 20/07/2017

/ Hoài An/baodatviet.vn