Nếu Trung Quốc khăng khăng theo đuổi yêu sách 'lưỡi bò' phi lý đó thì chỉ có thể là 'hạ sách' trong nhìn nhận của đại đa số dư luận tiến bộ của nhân loại.
Một lần nữa, chủ trương "gác tranh chấp cùng khai thác" của Trung Quốc lại được học giả Trung Quốc Lăng Đức Quyền đề cập tới trong cuộc tọa đàm "Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội hợp tác Việt - Trung" diễn ra mới đây tại Hà Nội, với một số nội dung cần được làm sáng tỏ.
Trong số các nội dung được trình bày, chúng tôi đặc biệt quan tâm và chia sẻ với ông Lăng Đức Quyền đến từ Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã, khi ông đánh giá rằng:
“…Thực tiễn chứng minh rằng, hợp tác trên biển ở khu vực Vịnh Bắc Bộ là điểm sáng mô hình trong quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước, là ví dụ thành công của 2 nước trong cùng nhau giải quyết tranh chấp trong lịch sử.”
Có thể nói, đây là một nhận xét khá chuẩn xác về ý nghĩa của các Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ đã được Việt Nam và Trung Quốc ký kết vào năm 2000.
Nhờ đâu hai nước Việt Nam, Trung Quốc phân định thành công vịnh Bắc Bộ?
Từ năm 1974 việc đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ bắt đầu, hoạt động này diễn ra trong ba đợt: 1974, 1977-1978, 1992-2000; hai đợt đàm phán đầu tiên không có kết quả.
Mãi đến sau khi bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước (1991), đàm phán phận định mới đi vào thực chất và có được những đồng thuận để tiến tới ký kết được Hiệp định phân định.
Học giả Trung Quốc Lăng Đức Quyền, ảnh: TTXVN |
7 vòng đàm phán cấp Chính phủ; 3 cuộc gặp không chính thức của Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ; 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên Nhóm công tác liên hợp;Trong thời gian 9 năm từ 1991 đến 2000, đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua:
10 vòng họp Tổ chuyên gia đo vẽ kỹ thuật phân định và xây dựng tổng đồ vịnh Bắc Bộ; 6 vòng đàm phán về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 25/12/2000, Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ đã được ký kết.
Ngày 15/6/2004, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI đã thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ (gọi tắt là Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ).
Bên cạnh lễ trao đổi văn kiện thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, cũng trong ngày 30/6/2004 Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành trao đổi công hàm thông báo:
Chính phủ hai nước hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ đối với Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký tại Bắc Kinh ngày 25/12/2000) và thỏa thuận hiệp định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2004.
Những bài học được đúc kết qua việc ký kết các Hiệp định nói trên là:
- Khẳng định nguyên tắc chỉ đạo công việc phân định là:
Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình;
Củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa 2 nước, giữ gìn sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của vịnh Bắc Bộ; thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, giải quyết một cách công bằng hợp lý.
- Trong vịnh Bắc Bộ, 2 nước có bờ biển kế cận và đối diện nhau, căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra vùng chồng lấn.
Vì vậy, hai bên cần đàm phán phân định ranh giới các vùng chồng lấn này. Kết quả là hai bên đã thống nhất được một đường phân định đáp ứng theo nguyên tắc công bằng mà hai bên đã chấp nhận. Đường phân định này đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Theo đó, Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh.
Việt Nam được hưởng hơn Trung Quốc 6,46% diện tích vịnh, tức khoảng 8.205 km2.
Việc ký kết Hiệp định này mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Lần đầu tiên, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có một đường biên giới biển rõ ràng, bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa 2 nước trong vịnh Bắc Bộ.
Đây là một văn kiện pháp lý có giá trị quốc tế, được hai bên cùng thoả thuận dựa theo nguyên tắc do Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định.
Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá đã xác định rõ phạm vi và tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong vịnh, tăng cường tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa 2 nước.
Các Hiệp định này cũng là đóng góp rất có giá trị cho luật pháp và thực tiễn trong việc phân định ranh giới biển nói chung và ranh giới biển trong vịnh nói riêng.
Nó phù hợp với nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hoặc kế cận mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định.
Tiếp tục phát huy thành quả này, Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định vùng chồng lấn nằm ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Cho đến nay, hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất được một phương án phân định cuối cùng ở khu vực này. Vì vậy, khu vực này được coi là “khu vực biển có tranh chấp” theo cách nói của ông Lăng Đức Quyền:
Về tranh chấp trên biển…. “thượng sách là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Theo tôi nghĩ chúng ta phải gác lại khai thác đơn phương một số vùng có tranh chấp. Tạo điều kiện dần dần đi đến cùng nhau khai thác”.
Tuy nhiên trong thực tế, Trung Quốc lại làm ngược lại.
Họ đã nhiều lần kéo giàn khoan vào “vùng biển chồng lấn” này để đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác, trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bất chấp phản đối của Việt Nam.
Không có bất kỳ vùng chồng lấn nào với “đường lưỡi bò”
Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý, đã bị phản bác bởi các quốc gia liên quan trong khu vực và quốc tế, đặc biệt đã bị Tòa Trong tài quốc tế ngày 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành mua chuộc, gây sức ép, đe dọa…để bắt buộc các nước liên quan phải công nhận hoặc “gài bẫy” để giành sự công nhận trên thực tế yêu sách “lưỡi bò” phi pháp.Trung Quốc tự coi đường lưỡi bò là một “sản phẩm của lịch sử”, đã xuất hiện vào thời điểm trước khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 được ký kết!?
Theo quan điểm của ông Lăng Đức Quyền thì “một số vùng có tranh chấp” là nằm trong phạm vi được đường “lưỡi bò” chiếm trên 90% diện tích Biển Đông.
Như vậy, ông đòi các nước liên quan trong Biển Đông không được “đơn phương” tiến hành các hoạt động hợp pháp trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa được xác đinh theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong bối cảnh này, ông Lăng Đức Quyền cũng như một số học giả Trung Quốc muốn kêu gọi áp dụng giải pháp “gác lại tranh chấp trên biển”, xem nó là “thượng sách”, thực chất chỉ vì có lợi cho tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông mà thôi.
Từ bỏ yêu sách “lưỡi bò” phi lý, phi pháp mới là giải pháp “thượng sách”
Như đã trình bày ở trên, chúng tôi hoàn toàn đồng tình và chia sẻ đánh giá của ông Lăng Đức Quyền về giá trị của các Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa 2 nước năm 2000.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không thể không đề cao thiện chí của cả 2 bên.
Đặc biệt là tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng sự thật khách quan, khoa học, thượng tôn pháp luật trong quá trình đàm phán giải quyết các tranh chấp biển…
Quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ đã chứng minh rất rõ yếu tố quan trọng này.
Trong quá trình đàm phán, phía Việt Nam trên tinh thần thật sự khách quan, cầu thị, đã chủ động từ bỏ quan điểm khẳng định rằng trong vịnh đã có biên giới theo Công ước Pháp - Thanh 1887.
Thay vào đó, khi đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã thỏa thuận nguyên tắc phân định dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Đó là nguyên tắc thỏa thuận có tính đến mọi hoàn cảnh liên quan, để phân định vịnh Bắc Bộ đảm bảo tính công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.
Đây thật sự là một bài học quý giá cho những ai đang và sẽ tiếp tục đảm đương trọng trách tham gia đàm phán giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, nhất là những tranh chấp trên các vùng biển và hải đảo trong tình hình hiện nay.
Nếu trên tinh thần thật sự cầu thị, tôn trọng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và nếu vẫn còn có thiện chí, để hợp tác giải quyết những tranh chấp trên biển như đã từng có trong đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, thiết nghĩ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý cần phải bị loại bỏ ngay.
Thay vào đó là những yêu sách hoàn toàn dựa vào các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đang có hiệu lực trên phạm vi thế giới.
Đó mới là “thượng sách”!
Nhược bằng, nếu Trung Quốc khăng khăng theo đuổi yêu sách “lưỡi bò” phi lý đó thì chỉ có thể là “hạ sách” trong nhìn nhận của đại đa số dư luận tiến bộ của nhân loại trong thời đại văn minh.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Doi-dieu-trao-doi-voi-hoc-gia-Trung-Hoa-ve-thuong-sach-ha-sach-o-Bien-Dong-post179567.gd
Ngày đăng: 19:15 | 11/09/2017
/ Tiến sĩ Trần Công Trục/Giáo dục Việt Nam