Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung có rất ít phương tiện để thực sự gây áp lực lên Nga.

Lời qua tiếng lại

Ngay sau khi có thông báo của Bệnh viện Charite ở Berlin về tình hình sức khoẻ của chính trị gia đối lập của Nga Alexei Navalny, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả vụ đầu độc là "âm mưu giết người" và yêu cầu Moscow trả lời. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas còn tuyên bố rằng, chính quyền Berlin sẽ thảo luận với các đồng minh về khả năng trừng phạt Nga. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau phiên họp khẩn cấp hôm 5-9 cũng yêu cầu Nga hợp tác đầy đủ trong một cuộc điều tra khách quan dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.

Nga liên tục bác bỏ cáo buộc đứng sau việc chính trị gia đối lập hàng bị ốm đột ngột rồi sau đó Đức kết luận là ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin nói: "Không có căn cứ nào để buộc tội nhà nước Nga. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ cáo buộc nào về việc này". Chưa hết, giới chức Nga còn bày tỏ nghi ngờ rằng, ông Alexei Navalny có thể đã bị đầu độc bằng Novichok sau khi tới Đức, chứ không phải nhiễm độc này trên đất Nga.

Ông Andrei Lugovoi, thành viên Ủy ban An ninh và chống tham nhũng Hạ viện Nga khẳng định vụ việc có thể là hành động cố ý của một thế lực bên ngoài nhằm "thêu dệt lên một lý do tuyệt vời" để phá hoại quan hệ Nga-Đức.

Trước đó, hãng thông tấn RT cũng dẫn lời phân tích của hai nhà khoa học Leonid Rink và Vladimir Uglev là những người tham gia phát triển Novichok dưới thời Liên Xô (cũ) rằng, đây là một chất độc thần kinh cực kỳ nguy hiểm và ông Alexei Navalny không thể sống sót nếu trúng độc này.

Trong khi đó, Mỹ - đồng minh thân cận của EU lại khá điềm tĩnh khi cho rằng, chưa có bằng chứng về việc chính trị gia đối lập của Nga bị đầu độc. Phát biểu trước báo giới hôm 4-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra. Tôi nghĩ thật bi thảm, thật khủng khiếp, chuyện đó không nên xảy ra. Chúng tôi chưa có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng tôi sẽ xem xét sự việc"…

Ông Alexei Navalny được chuyển sang Đức điều trị từ ngày 22-8 theo yêu cầu của gia đình.

Những nghi ngại về sự đối đầu

Câu hỏi được đưa ra vào thời điểm này là phương Tây đang thực sự có thể làm gì để gây áp lực lên Nga? Helmut Scholz, một nghị sĩ của đảng Cánh tả xã hội chủ nghĩa của Đức và là người phát ngôn của đảng này về các vấn đề đối ngoại cho rằng, điều quan trọng là phải tăng cường quan hệ với Moscow.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Đức Norbert R#ttgen bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chấm dứt dự án đường ống Nord Stream 2 gần như đã hoàn thành được 90% và đang chuẩn bị vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga sang Đức.

Thống kê từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga sang EU đã tăng trong những năm gần đây bất chấp căng thẳng gia tăng; một nửa nguồn cung cấp khí đốt của Đức đến từ Nga. Oliver Hermes, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Đông Âu của Đức, lập luận: "Sẽ là sai lầm nếu phản ứng lại vụ đầu độc Alexei Navalny bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty và người dân Nga không liên quan đến vụ việc".

Hơn nữa, thực tế là các biện pháp trừng phạt tượng trưng của EU với Nga không làm được gì nhiều. Chẳng hạn, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi Mỹ và EU, cũng như các quốc gia thành viên khác của NATO và Ukraine, sau vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh năm 2018. Đáp lại, Nga cũng trục xuất 189 nhà ngoại giao, trong đó phần lớn đến từ Anh và Mỹ. Nhưng thật khó để nói chính xác tác động của điều này.

Học giả Hans-Henning Schr#der nhận định:"Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea và sau vấn đề Ukraine như cấm một số người Nga nhập cảnh và đóng băng tài khoản cũng chỉ mang tính biểu tượng và không thay đổi nhiều trong mối quan hệ.

Thêm vào đó, các nước thành viên EU thường xuyên gia hạn các biện pháp trừng phạt áp đặt lên các cá nhân Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng lại chưa có nhiều thống nhất về cách tiếp cận chung nên được áp dụng đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng duy trì "mối quan hệ đặc biệt" với điện Kremlin và đã gặp ông Putin nhiều hơn bất kỳ chính trị gia hàng đầu EU nào khác để nói về các vấn đề địa chính trị như Syria và Libya.

Trên trang web chính thức của mình, chính phủ theo chủ nghĩa dân túy của Italia cũng tuyên bố có "quan hệ tốt và tích cực" với Nga. Điều tương tự cũng xảy ra với Áo, nước mà chính phủ coi mình là trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, mặc dù một vụ bê bối gián điệp gần đây đã phần nào làm giảm mối quan hệ song phương này".

Chi Anh

Vì sao châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc? Vì sao châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc?

Bất chấp những nỗ lực ngoại giao từ phía Trung Quốc trong năm 2020, châu Âu vẫn ngày càng xa cách và dè dặt hơn ...

Ukraine phản đối các lệnh cấm vận mới của Nga Ukraine phản đối các lệnh cấm vận mới của Nga

Chính quyền Ukraine đã lên tiếng phản đối các lệnh cấm vận mới của Nga nhằm vào các quan chức nước này.

Ngày đăng: 08:31 | 11/09/2020

/ cstc.cand.com.vn