Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tội đồ của nạn tham nhũng, hối lộ, nhưng là tội đồ bị ép buộc.
Phiên toà xét xử 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu" đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đây là vụ án điển hình cho hiện tượng quan chức thoái hóa câu kết với doanh nghiệp đang ngày càng lan rộng.
Cơ quan tố tụng cáo buộc 23 bị cáo, là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến công tác tố chức chuyến bay, phạm tội đưa hối lộ. Nhóm này đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số tiền lên tới hơn 226 tỷ đồng, cho các quan chức.
Trong phiên đối đáp sáng 21/7, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc các doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay.
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lộ số lần nhiều nhất, tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền là hơn 42 tỷ đồng. Đây cũng là bị cáo duy nhất trong vụ án này bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình về tội "Nhận hối lộ".
Không có doanh nghiệp nào tự nhiên đi hối lộ
Theo tôi, doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa tội đồ của tệ nạn tham nhũng, hối lộ nhưng là tội đồ ép buộc chứ không phải tội đồ tự nguyện, tội đồ xung phong. Xét cho cùng, họ là nạn nhân nhiều hơn tội đồ".
Đó là chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khi nói về cơ chế xin - cho, "văn hóa phong bì", qua vụ án "chuyến bay giải cứu".
Theo ông Doanh, không có doanh nghiệp nào tự nhiên và tự mình đi hối lộ. Các doanh nghiệp đều muốn tổ chức chuyến bay giải cứu đồng bào đang mắc kẹt ở các nước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng không hối lộ, đút lót thì họ không được tổ chức những chuyến bay ấy.
Giai đoạn đó, việc tổ chức các chuyến bay giải cứu là tình huống rất phức tạp, đặc thù, là điều kiện cấp bách, công việc cần làm ngay.
Thế nhưng, một số quan chức thay vì tạo điều kiện cứu giúp bà con về nước lại gây khó khăn để ép các doanh nghiệp đút lót với quy mô rất lớn.
"Tôi đề nghị đại diện Viện Kiểm sát cũng như Thẩm phán, các luật sư xem xét rất cụ thể, chính xác tình huống này và có những kết luận hợp lý, công bằng đối với doanh nghiệp vì doanh nghiệp không tự mình và không tự nguyện đút lót.
Đó là sức ép từ một số quan chức, công chức ép họ phải đút lót, hối lộ mới có thể thực hiện được những chuyến bay giải cứu”, TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Cùng bàn về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo lời khai của các bị cáo tại phiên tòa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số cán bộ nhà nước gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới tạo điều kiện cấp phép cho những “chuyến bay giải cứu”.
“Qua đó chúng ta thấy rõ ràng có dáng dấp của hành vi cưỡng đoạt. Ở đây là trấn lột doanh nghiệp để doanh nghiệp đưa tiền. Lẽ ra một số cán bộ nhà nước là người phục vụ, chỉ ký thôi, tại sao lại bắt doanh nghiệp đưa tiền rồi mới ký? Họ đã tư hữu hóa quyền lực nhà nước được giao để trục lợi”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, nếu chứng minh được doanh nghiệp bị trấn lột, bị cưỡng đoạt, bắt buộc phải đưa tiền mới được thực hiện “chuyến bay giải cứu”, rơi vào hoàn cảnh này thì tình tiết phải được giảm nhẹ.
Bởi, họ bắt buộc phải cân nhắc và có quyền cân nhắc không làm nhưng đây là chuyến bay giải cứu cứu đồng bào nên họ đã phải làm theo yêu cầu.
“Điều đáng trách là họ không dám tố giác hoặc nêu rõ quan điểm về vụ việc đó. Như vậy, giữa công và tội chúng ta phải có sự cân nhắc khi doanh nghiệp vừa vì lợi ích của họ nhưng cũng vì lợi ích chung.
Khác hoàn toàn một người vì lợi ích cá nhân mình để làm việc đó nên có thể chúng ta đặt bàn cân để xem xét các khía cạnh khác nhau”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
“Văn hóa phong bì” bị biến tướng
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, “văn hóa phong bì” đã có từ lâu nhưng bị biến tướng.
Trong những ngày lễ tết, ông bà, bố mẹ lì xì con cháu, giám đốc doanh nghiệp hay thủ trưởng cơ quan tặng người có thành tích hoặc tặng quà nhân dịp kỷ niệm…Đó là văn hóa rất bình thường.
Tuy nhiên, nếu “văn hoá phong bì” là vấn đề của hối lộ thì không còn là văn hoá nữa mà là hành vi phản văn hoá, vi phạm pháp luật.
“Cái nhiều người đang gọi và gán cho đó là văn hóa là không đúng. Chúng ta phải thừa nhận, bây giờ nhiều người lợi dụng văn hóa phong bì để làm những điều không bình thường.
Từ văn hóa phong bì dẫn tới tệ nạn túi xách, tệ nạn túi quà, vali; từ chuyện tặng rượu, biến tấu từ cặp đựng tiền thành cặp rượu, tiền. Đó là những lệch lạc, làm biến dạng văn hóa thông thường. Nhiều người lợi dụng vào đó để đạt được mục tiêu”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Câu chuyện về các doanh nghiệp bị chèn, bị ép phải chi tiền “bôi trơn”, buộc phải sử dụng “văn hóa phong bì” không phải bây giờ mới được bàn tới. Trước đây, ngày 28/3/2013, tại cuộc giao ban của lãnh đạo Hà Nội với các quận huyện về cải cách hành chính, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thừa nhận, tinh thần trách nhiệm, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức khi thực thi công vụ chưa cao, nhất là người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân. Một bộ phận công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cá biệt có người vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Kết luận tại buổi họp ngày 28/03/2013, khi đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng các doanh nghiệp đánh giá thấp về các chi phí không chính thức, tính minh bạch thông tin, năng lực của lãnh đạo thành phố...
"Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội bôi cũng không trơn", ông Phạm Quang Nghị phát biểu.
Nêu giải pháp để đẩy lùi cơ chế xin – cho, “văn hóa phong bì”, TS Lê Đăng Doanh cho rằng phải đặt ra yêu cầu công khai minh bạch trong giải quyết các vấn đề. Một giải pháp có thể sử dụng là việc tận dụng những điểm ưu việc của kinh tế số.
Ví dụ việc tổ chức "chuyến bay giải cứu", ông Doanh đề xuất cần công bố rõ Nhà nước muốn tổ chức những gì và điều kiện thế nào, không nên khoán trắng cho các doanh nghiệp tổ chức.
Vị này cho rằng cần phải có cơ chế kiểm soát chính các quan Nhà nước tổ chức chuyến bay giải cứu trong những tình huống nhạy cảm như trên.
“Theo tôi, cần phải có sự phân tích, rút kinh nghiệm để cải cách một cách cơ bản về cơ chế, thể chế, cách làm việc và tận dụng sự công khai, minh bạch để giảm bớt tình trạng tham nhũng và đút lót như thế này”, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Trong khi đó, để hạn chế nạn “văn hóa phong bì”, bôi trơn, đi đêm giữa người có chức vụ quyền hạn và doanh nghiệp, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải có cả giải pháp bên trong và giải pháp bên ngoài.
Giải pháp bên trong là việc liên tục rèn luyện đạo đức của người cán bộ. Giải pháp bên ngoài là việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý.
“Cốt lõi là đạo đức, bên ngoài là pháp luật. Phải làm sao để con người phải chấp hành pháp luật và pháp luật phải khống chế được cái gọi là “nguỵ văn hoá”.
Muốn có văn hoá thì cốt cách của con người chính là giải pháp bên trong. Không có đạo đức thì không bao giờ có văn hoá được. Đó chính là chìa khoá để hạn chế đến loại bỏ thứ gọi là “nguỵ văn hoá”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
https://vtc.vn/doanh-nghiep-vua-la-nan-nhan-vua-la-toi-do-cua-nan-tham-nhung-hoi-lo-ar807695.html
Ngày đăng: 13:51 | 25/07/2023
NGUYỄN HUỆ / VTC News