Theo thông tin Bộ Quốc phòng đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi tới Quốc hội mới đây, người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.

Trả lời ý kiến lo ngại của cử tri Hải Phòng về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh, Bộ Quốc phòng cho biết tính đến hết tháng 11-2019 có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, TP.

doanh nghiep trung quoc thu mua dat co vi tri trong yeu ve quoc phong an ninh can ra soat lai luat

Trong đó có 92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh. Cũng trong số này, có 134 doanh nghiệp đang hoạt động, 15 doanh nghiệp đã triển khai dự án nhưng tạm ngưng hoạt động.

Thời hạn thuê đất của người Trung Quốc từ 5 - 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của người Trung Quốc tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.

Các tỉnh, thành người Trung Quốc tập trung "sở hữu" đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.

Doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12-2018 trở về trước, trong năm 2019 không có doanh nghiệp mới nào.

Các doanh nghiệp người Trung Quốc trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Bộ Quốc phòng đánh giá các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc trong quá trình hoạt động cơ bản chấp hành đúng pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, còn nổi lên một số vấn đề như: một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch, sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, đăng ký theo quy định, thậm chí có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng.

Tình trạng đầu tư "núp bóng" danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng thực chất việc điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm.

Một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy tại các địa phương như TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Yên, Kon Tum.

Có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường tại Hà Tĩnh, TP Hải Phòng. Đến nay cơ quan chức năng đã xử lý 63 người không khai báo tạm trú, 87 người không có giấy phép lao động, 285 công nhân Trung Quốc xô xát với công nhân Việt Nam, 3 trường hợp kết hôn trái phép, 310 lao động không chấp hành quy định trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng cho thấy từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô đất, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê đất tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, khu đô thị phường Phước Mỹ.

Theo Bộ Quốc phòng, để "sở hữu" các lô đất ở Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam, đầu tư tiền cho cá nhân người Việt, chủ yếu người gốc Hoa mua đất.

Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt, người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất, doanh nghiệp sẽ do người Việt điều hành, nhưng sau một thời gian bằng nhiều cách người Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất nên quyền sử dụng các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Vì thế, theo Bộ Quốc phòng, cử tri và dư luận xã hội lo ngại về việc Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người Trung Quốc là có cơ sở.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý theo pháp luật.

Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của Luật đầu tư, Luật đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.

Tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với cơ quan công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm.

Chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá. Kịp thời báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.

Ông Đào Trung Chính - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - nhấn mạnh theo luật thì người nước ngoài không được quyền mua đất tại Việt Nam, họ chỉ được mua nhà ở.

Nhưng hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để sở hữu đất đai các dự án.

Việc nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp.

Vị đại diện của Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định theo Luật đất đai, nhà đầu tư sở hữu vốn doanh nghiệp qua kênh mua cổ phần muốn sở hữu đất đai vẫn phải làm các thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc yêu cầu nhà đầu tư thực hiện điều này giữa hai bên (Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài nguyên và môi trường - PV) còn lúng túng.

doanh nghiep trung quoc thu mua dat co vi tri trong yeu ve quoc phong an ninh can ra soat lai luat

Trong quá trình kiểm tra thực trạng người nước ngoài sở hữu đất đai tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Quản lý đất đai cũng phát hiện các vi phạm về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất quốc phòng. Tổng cục đã chuyển thông tin về Bộ Quốc phòng để tiếp tục xử lý.

Ông Đào Trung Chính cho rằng thời gian tới cần phân định rõ nhà đầu tư sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp có được mở rộng hay thu hẹp mô hình doanh nghiệp không, nếu họ được quyền này đương nhiên liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Để khắc phục tình trạng người Trung Quốc "lách luật" mua đất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không.

Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao, vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng khẳng định nếu chỉ sửa riêng Luật đầu tư thì chưa thể ngăn chặn hết tình trạng người Trung Quốc "núp bóng" để mua đất đai thời gian qua.

"Cần xem lại tổng thể hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, trong đó có Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, các quy định liên quan tới cư trú, đi lại của người nước ngoài" - vị này nói.

Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi đã quy định việc chấm dứt dự án đầu tư trong trường hợp "nhà đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo…".

Quy định này tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động "đầu tư chui", "đầu tư núp bóng".

Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch HĐQT Công ty luật BASICO, cho rằng tình trạng người Trung Quốc "núp bóng" người Việt để mua đất xuất phát từ việc cấp giấy tờ về quyền sử dụng đất thiếu đồng bộ, biết chủ sở hữu không rõ ràng vẫn cấp.

Pháp luật đang quy định theo hướng bảo vệ quyền sở hữu, ai chứng minh được sở hữu thật thì được bảo vệ, nên trường hợp mua đất nhưng không đứng tên sở hữu đất khi bị thu hồi vẫn được quy đổi ra vật chất, ra tiền, rất vô lý.

Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng pháp luật, không để xảy ra tình trạng vi phạm, lách luật để "sở hữu" đất đai, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm với trường hợp người Trung Quốc lách luật để "sở hữu" đất đai, trước hết cần xử lý hành chính, không thừa nhận quyền "sở hữu". Trường hợp họ chứng minh được việc gửi tiền đầu tư đất đai thì có thể trả lại tiền cho họ.

"Không có chuyện thừa nhận tài sản đất đai nên nếu mảnh đất đó giờ có lên giá thì người Trung Quốc cũng không được hưởng" - luật sư Đức nhấn mạnh.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

doanh nghiep trung quoc thu mua dat co vi tri trong yeu ve quoc phong an ninh can ra soat lai luat Trung Quốc công bố nguyên nhân Đại sứ tại Israel đột tử
doanh nghiep trung quoc thu mua dat co vi tri trong yeu ve quoc phong an ninh can ra soat lai luat Người giàu và nghèo Trung Quốc đều \'thấm đòn\' Covid-19
doanh nghiep trung quoc thu mua dat co vi tri trong yeu ve quoc phong an ninh can ra soat lai luat Bộ Quốc phòng trả lời về việc người Trung Quốc thu mua đất khu vực trọng yếu

Ngày đăng: 10:55 | 18/05/2020

/