Chưa hết nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động sau khi được mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” thì doanh nghiệp (DN) lại tiếp tục với những nỗi lo âu mới, đó là thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu (XK) tăng phi mã... Trong khi đó, “sức khỏe” của DN đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, áp lực sản xuất cho hàng hoá cuối năm cũng đang ngày càng đến gần...
Chuyên XK các mặt hàng nông sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), ông Lê Thanh Sơn - Trưởng đại diện Công ty K&K Food tại Việt Nam cho biết: “Chưa năm nào chi phí vận chuyển bằng đường tàu cao như năm nay, cứ 2 tuần chi phí tăng 1 lần. Ngoài container rỗng không có, cước tàu cũng quá cao nên đôi khi hàng sản xuất xong rồi chờ lấy container cũng rất khó. Trước đây các DN tôi mua ở Việt Nam thì thường đặt container 1 tuần là có, nhưng bây giờ phải đặt trước 3-4 tuần, đặt xong rồi đến phút chót thì bị huỷ”.
Theo ông Sơn, các đơn hàng DN ký kết với khách hàng EU thường là bán theo mùa. Nhưng do ảnh hưởng của việc vận chuyển nên rất nhiều đơn hàng của DN Việt Nam đã bị khách hàng EU hủy. Với mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản tươi, thời gian vận chuyển kéo dài như vậy sẽ khiến hàng hoá bị hư hỏng, không thể XK được.
Vấn đề giá cước vận tải biển tăng cao và tình trạng thiếu container đóng hàng kéo dài chưa có hướng giải quyết là nỗi lo chung của các DN XNK. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN hội viên đang rất lo lắng vì thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tùy chặng, tùy hãng), trong khi DN vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container, chỗ trên tàu cho nhiều chặng quan trọng, gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa và chi phí đội lên rất cao.
Nhiều DN cho biết, chi phí logistics tăng cao đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thế giới và các DN đứng trước tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, đình trệ sản xuất. Để hỗ trợ DN, Hiệp hội VASEP đã nhiều lần gửi công văn tới các cơ quan có liên quan phản ánh những bất cập và kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, sau Nghị quyết 128/CP Chính phủ vừa ban hành với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19” khiến sự xuất phát, khởi động trở lại của các DN sẽ có nhiều cung bậc cao thấp khác nhau.
Tuy nhiên, ông Lực cũng băn khoăn đó là “chuỗi cung ứng toàn cầu dễ tổn thương hơn dù tác động ảnh hưởng không quá đáng. Không rõ điều này là bất khả kháng hay ý đồ trục lợi nhưng bất lợi sẽ dồn lên các nhà cung ứng khi khả năng chi phí thuê container sẽ còn duy trì mức cao dẫn tới thiệt hại không nhỏ cho các DN làm hàng XK. Chính ngay thời điểm này đã có dấu hiệu khan hiếm container rỗng theo tuyến yêu cầu dù hàng cung ứng cho dịp lễ năm mới chỉ mới khởi động”.
Theo thống kê của cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh ước đạt hơn 127 triệu tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù tổng sản lượng hàng hóa tăng trưởng, nhưng tính riêng tháng 9/2021, lượng hàng tiếp nhận lại có xu hướng giảm so với tháng 9/2020. Hàng container ước giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước do tác động từ việc giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, XK của nhiều nhà máy bị ngưng trệ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc DN sản xuất hàng thực phẩm ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thiếu container rỗng cũng như giá cước vận chuyển tăng quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các DN XK đi nước ngoài mà ngược lại, các DN NK nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng. Nhất là thời điểm hiện nay, các DN đang tập trung sản xuất để cung ứng cho thị trường cuối năm.
Có thể nói, sau khi chống chọi với những khó khăn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các DN đã vực dậy và từng bước phục hồi, bắt tay ngay vào việc sản xuất để cung ứng thị trường trong nước và XK. Ngoài những khó khăn mà DN hiện đang đối mặt: Thiếu hụt nguồn lao động, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất do tình trạng dịch vẫn còn, thiếu container và chi phí vận chuyển hàng XK tăng cao…
Để giảm phần nào nỗi lo và thiệt hại cho DN XK trong thời gian tới, ông Long Hoàng - đại diện của công ty Luật LGGA khuyên các DNXK lưu ý hơn nữa về vấn đề pháp lý. Đặc biệt, khi XK vào thị trường EU, DN nên quan tâm việc phát triển văn phòng đại diện hay người đại diện ở EU, vì đối tác EU quan tâm vấn đề này. Khi thảo hợp đồng các điều khoản phải thật chi tiết và trong đó tiên liệu trước các sự cố. Nếu đã xảy ra sự cố và bất đồng trong giao dịch thì DN nên liên hệ với người đại diện hoặc luật sư sớm nhất được tư vấn kịp thời.
“Có một vấn đề về pháp lý cũng khá quan trọng DN cần lưu ý: Hợp đồng và xử lý các quy trình pháp lý nên được cân nhắc và phải là phương án sử dụng sau cùng. Bởi vì các đối tác ở EU cũng như ở Việt Nam coi trọng uy tín. Vì vậy DN nên tập trung xây dựng thương hiệu và lòng tin, khi xảy ra bất đồng thì nên xử lý thông qua thương lượng thay vì tìm đến xử lý các vấn đề về pháp lý cũng như dừng hợp đồng. Bởi, sẽ gây ra các chi phí không cần thiết cho DN, hơn nữa DN có thể bị mất thông tin bí mật kinh doanh, mất thông tin về khách hàng”, ông Long Hoàng nói.
Thúy Hà
Ngày đăng: 09:32 | 26/10/2021
/ cand.com.vn