Các ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không nhiều, hoặc có nhưng việc tiếp cận còn nhiều khó khăn.

Khó tiếp cận nguồn ưu đãi

Mặc dù thời gian qua đã có không ít những chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ được ban hành, nhưng theo các doanh nghiệp, phần lớn các chính sách này chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận.

Trong khi các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Không chỉ thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đất để xây dựng nhà xưởng, mà hiện họ rất cần những chính sách hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả.

Một ví dụ cụ thể là Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13) được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào được hưởng các ưu đãi này. Vì theo quy định của Luật, chỉ doanh nghiệp hỗ trợ nào thành lập sau năm 2015 mới được hưởng ưu đãi thuế, nhưng số doanh nghiệp này lại rất ít.

Ông Lê Quý Khả - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) - Chủ tịch Công ty CP Cơ điện Toàn Cầu (Tomeco) cho biết, doanh nghiệp sản xuất cơ khí đầu tư trung và dài hạn như Tomeco đang gặp khó với chính sách cho vay với lãi suất 6% từ ngân hàng. “Các doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhận được gói hỗ trợ với lãi suất dao động từ 4 -5% và có thể tiếp cận giải ngân, vay vốn ODA để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc công nghệ nước ngoài về sản xuất các sản phẩm linh kiện thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.”

Theo bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều gặp khó khăn nhất là giai đoạn hậu Covid: Hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu, chi phí sản xuất rất cao do năng lực quản trị chưa giỏi. Lãi suất vay ngân hàng cao nhất thế giới, chi phí lao động ngày càng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp mới đi thuê đất trong các khu công nghiệp cực kỳ đắt đỏ.

Cùng quan điểm về vướng mắc này của doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Dũng - Cố vấn cao cấp của HANSIBA, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực VCCI nhấn mạnh, những khó khăn về vốn, về đào tạo và chính sách khiến cho Việt Nam đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp có thương hiệu tiêu biểu, vươn tầm thế giới về sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Kiến nghị sớm ban hành Luật về công nghiệp hỗ trợ

Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, cần có những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được các ưu đãi.

Cụ thể ở đây là cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng tốt hơn, lãi vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất. Cùng đó là các giải pháp về đào tạo, nâng cao quản trị.... Bà Trương Chí Bình đưa ra ví dụ cụ thể: có nhiều doanh nghiệp đã là nhà cung ứng cấp 1 cho sản xuất xe máy, nhưng muốn đầu tư mới để cung ứng cho ô tô vẫn đang gặp cản trở về vốn lớn, tài sản thế chấp không còn sau 2 năm chống đỡ với dịch Covid-19...

Ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, công ty hiện đã là doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện cấp 3 cho Samsung, liên kết sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản. Dịch bệnh cùng với những căng thẳng chính trị trên thế giới khiến cho việc kết nối, tìm kiếm nguyên liệu gặp khó khăn. Trong khi tài chính, kinh nghiệm quản lý của doanh nghiệp còn yếu nên doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ để tăng cường hợp tác, mở rộng sản xuất vươn lên thành nhà cung ứng cấp cao hơn.

ec1bd32866d05adf43b8f6cdcefb4bed
Công ty cổ phần Lilama18 hoàn thành việc bàn giao đơn hàng “Ship loader” theo yêu cầu của đối tác SIWERTELL AB – Một tập đoàn hàng đầu thế giới về các giải pháp xử lý gỗ đến từ Thụy Điển.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay thị trường là yếu tố rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp đầu tư, liệu dung lượng thị trường có đảm bảo đủ. Ngành xe máy đã bão hòa, ngành điện tử và ô tô thì khó khăn do đầu tư lớn và đòi hỏi công nghệ cao. Do vậy, ít doanh nghiệp dám tiên phong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ông Long cho rằng, các bộ, ngành cần sớm đưa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển.... Các bộ, ngành tạo thuận lợi đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với công ty nước ngoài...

Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng nhấn mạnh: Ngành cơ khí là một ngành mũi nhọn, xương sống cho sự phát triến của đất nước. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một Nghị quyết của Chính phủ cho riêng ngành cơ khí. Chính vì chưa có được một Nghị quyết riêng nên ngành cơ khí chế tạo chưa có được những ưu đãi cụ thể, các doanh nghiệp cơ khí chưa có được một chính sách để phát triển, vẫn loay hoay tự tìm lối đi.

Cụ thể hơn, ông Tuấn đưa ra 3 nhóm vấn đề có thể đề nghị Chính phủ vào cuộc để tháo gỡ. Thứ nhất là thuế đất cho các doanh nghiệp cơ khí phải giảm hơn so với các lĩnh vực khác. Bởi do đặc thù của ngành cơ khí thường gia công, chế tạo lắp đặt những sản phẩm có kích thước lớn, quá khổ… nên nhà xưởng phải có đủ diện tích lớn, mới đủ cho năng lực chế tạo. Chính vì thế, việc chịu thuế đất cao sẽ làm cho các doanh nghiệp cơ khí khó trụ được lâu dài.

Thứ hai là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Tuấn phân tích: “Thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành cơ khí phải được giảm nếu doanh nghiệp đó có hàng xuất khẩu, doanh thu cho hàng xuất khẩu được giảm thuế. Như vậy là Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sản xuất, tăng cường xuất khẩu”.

Thứ ba là ưu đãi về chính sách. Ông Tuấn kiến nghị tới đây, Nhà nước cần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã làm được. Tất cả các doanh nghiệp cơ khí đều phải liệt kê các danh mục cơ khí, cái gì trong nước làm được thì không được nhập. Không làm được việc này là rất khó tạo thị trường, công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước. Danh sách những mặt hàng trang thiết bị công nghiệp cơ khí phải sản xuất trong nước sẽ do các hiệp hội đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền để Tổng cục Hải quan giám sát. Ông Tuấn nhấn mạnh, việc này các nước phát triển đều đưa vào luật rất cụ thể. Các doanh nghiệp tư nhân ở nước ngoài được xuất, nhập khẩu tự do nhưng phải theo quy định và quản lý của Nhà nước…

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng nhất trí cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi nào được “Luật hóa”, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới có khả năng tiếp cận được cụ thể các gói ưu đãi một cách dễ dàng và minh bạch.

Ngày đăng: 19:00 | 25/05/2022

Nguyễn Duyên / congthuong.vn