Trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) vẫn kêu bị chậm hoàn thuế và đặt vấn đề rằng ngành Thuế có “giam” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của DN không.
Trong thời gian qua, một số DN cho biết họ đang gặp khó do bị chậm hoàn thuế GTGT. Theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin số tiền thuế GTGT của DN chế biến - xuất khẩu gỗ chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, các DN xuất khẩu dăm gỗ khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Các DN gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1.600 tỷ các DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác. Trong đó, có những DN hồ sơ nộp đến 2 năm cũng không nhận được phản hồi dù quy định thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ.
Cùng là ngành bị chậm hoàn thuế, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng có văn bản gửi Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh về việc 10 DN chuyên mua bán, xuất khẩu cao su bị chậm hoàn thuế GTGT với số tiền hơn 171 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận là một DN xuất khẩu cao su lớn với doanh thu hằng năm trung bình khoảng 24 triệu USD. Theo công ty, mặc dù không nằm trong số các DN được xác định rủi ro cao về thuế nhưng từ năm 2021 đến nay, công ty chưa được hoàn số tiền thuế GTGT tới 50 tỷ đồng.
Tiếp theo đó là Công ty TNHH MTV Thắng Thắng Lợi (buôn bán cao su) có số tiền thuế GTGT chậm hoàn là 35 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (mua bán, sản xuất, chế biến mủ cao su) gần 23 tỷ đồng; Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương (mua bán xuất nhập khẩu cao su, hóa chất công nghiệp) gần 23 tỷ đồng…
Trước phản ánh của DN, dư luận cho rằng ngành Thuế đang “giam” tiền của DN, và điều này làm ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính của DN và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Phản hồi về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết ngành Thuế đã áp dụng hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện “hoàn trước - kiểm sau” được cơ quan thuế giải quyết hoàn ngay khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế. Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng đã góp phần giúp cộng đồng DN quay vòng nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các DN theo nguyên tắc “người nộp thuế tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: “hoàn trước - kiểm sau” và “kiểm trước - hoàn sau” theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Như vậy, có thể khẳng định vai trò rất quan trọng của chính người nộp thuế trong quá trình hoàn thuế, đó là phải hoàn chỉnh hồ sơ và hồ sơ phải hợp lệ đáp ứng đúng yêu cầu quy định của pháp luật về đề nghị hoàn thuế trước khi gửi bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật”, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải thông tin.
Bà Hải cũng cho biết một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN đã bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế cho biết đã phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN mà bán cho những DN hoàn thuế này, nhưng các DN đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những DN đã tạm ngừng hoạt động. Có những DN đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan Công an thông báo cho cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Riêng đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Trước khi tiến hành các biện pháp xác minh, cơ quan thuế các cấp thực hiện phân tích rủi ro đối với các DN bán hàng cho DN xuất khẩu gỗ. Theo đó, trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu.
Theo thông tin báo cáo từ Cục Thuế, sau khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế đã phát hiện trường hợp có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho các đầu mối thu gom hoặc DN thương mại. Với những DN có các dấu hiệu rủi ro, ngành Thuế đã triển khai rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo mua bán hàng hóa có thật hay không thông qua việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách của Nhà nước.
Đối với những DN có phản ánh việc chậm hoàn thuế, cơ quan thuế hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác định nguồn gốc hàng hóa mua vào và trong hồ sơ kê khai nộp thuế của các DN này còn chưa giải trình được hoạt động mua bán một cách minh bạch. Tổng cục Thuế khẳng định, không phải toàn bộ DN ngành gỗ là rủi ro cao về thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng cung cấp kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ từ năm 2022 đến nay, theo số liệu tổng hợp báo cáo nhanh, các Cục Thuế địa phương đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong đó, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn là 4.888 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.
Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của DN ngành gỗ, cơ quan thuế xác định 548 hồ sơ liên quan đến các DN trung gian. Kết quả là đã phát hiện 72 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT có kê khai hóa đơn của 264 DN trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Do vậy, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Đáng chú ý là qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của toàn ngành Thuế đối với các DN kinh doanh mặt hàng gỗ thì có đến hơn 7.600 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động...
https://cand.com.vn/Kinh-te/doanh-nghiep-bi-cham-hoan-thue-loi-ben-nao--i703418/
Ngày đăng: 08:47 | 11/08/2023
Hà An / CAND